Phó GĐCA tỉnh Vĩnh Phúc sẽ xem xét vụ công an giật cúc áo phóng viên

Thứ sáu 07/09/2012 07:35
(GDVN) - Đại tá Đỗ Văn Hoành, phó giám đốc công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết sẽ xem xét việc lực lượng công an cản trở phóng viên của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tác nghiệp tại thị xã Phúc Yên.
Sẽ xem xét lại toàn diện vụ việc

Liên quan đến việc phóng viên Nguyễn Hải Sơn của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam khi đang tác nghiệp tại hiện trường tại phường Đồng Xuân, thị xã Phúc Yên bị lực lượng công an cản trở khi tác nghiệp, chiều ngày 6/9, phóng viên đã liên hệ với Đại tá Đỗ Văn Hoành, Phó giám đốc công an tỉnh Vĩnh Phúc để làm rõ vấn đề này.

Hiện trường nơi phóng viên Nguyễn Hải Sơn của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đang tác nghiệp

Sau khi nghe phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh lại sự việc trên, Đại tá Đỗ Văn Hoành cho biết, hiện nay ông chưa nắm được cụ thể về vụ việc này. “Cái đó tôi chưa nắm được. Để tôi xem cụ thể thế nào. Tác nghiệp có gì đâu mà lại giật thế”, Đại tá Đỗ Văn Hoành cho biết.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc sẽ xử lý như thế nào đối với một số chiến sĩ công an đã ngăn cản phóng viên tác nghiệp, Đại tá Hoành cho biết: “Cái đó mình phải xem xét lại xem thế nào đã. Thứ nhất là xác định có hay không có đã (hành vi cản trở phóng viên khi tác nghiệp – PV). Thứ hai là xem có vấn đề người ta nghiêm cấm tác nghiệp ở đó không. Cái này phải phụ thuộc cả hai phía và phải xem xét toàn diện”. 

Tuy nhiên trong khi tác nghiệp, phóng viên Nguyễn Hải Sơn bị lực lượng chức năng cản trở

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với luật sư Đỗ Mạnh Hùng, Công ty TNHH một thành viên Luật Tâm Chính. Luật sư Hùng cho biết, đối với trường hợp của phóng viên Nguyễn Hải Sơn khi “đang nhận nhiệm vụ đi tác nghiệp, thông tin về sự việc trên ở địa bàn phường Đồng Xuân – thị xã Phúc Yên – tỉnh Vĩnh Phúc thì đã bị cản trở tác nghiệp khu vực ngoài cổng của khu vực nhà nghỉ Bảo An” như báo Giáo dục Việt Nam đã đưa tin thì cần phải xem xét hành vi “cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật” của các chiến sỹ công an là ở mức độ nào. Để làm được điều này cần đánh giá các tình tiết như:

1. Các chiến sỹ Công an có đang trong thời gian thi hành công vụ (bảo vệ hiện trường vụ án) hay không?

2. Hành vi cản trở có tính chất “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nhà báo hay không?”;có tính chất “đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo hay không? Hoặc có hành vi phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu của nhà báo hay không?”

Trong trường hợp thứ nhất, khi các chiến sĩ công an nêu trên đang thực thi công vụ (có thể là công tác bảo vệ hiện trường để phục vụ điều tra) thì có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí, tuy nhiên cần có người phát ngôn chính thức để thống nhất thông tin cung cấp cho báo chí. 

Một đồng chí công an vừa phì phèo điếu thuốc, vừa giật phăng cúc áo của phóng viên

Nhà báo có quyền khai thác các nguồn thông tin khác nhưng cần tuân thủ các quy định của cơ quan điều tra trong việc bảo vệ hiện trường vụ án. Trong tình huống của phóng viên Nguyễn Hải Sơn, cơ quan công an đã không thực hiện đúng quy trình này, đã gây ra sự xung đột về nhiệm vụ và chức năng giữa hai bên.

Trường hợp thứ hai, nếu các chiến sĩ công an không trong thời gian làm nhiệm vụ và hành vi cản trở có các tính chất như đã nêu ở điểm 2 thì tùy vào tính chất và mức độ sẽ bị xử lý theo pháp luật hình sự hoặc hành chính.

Về hình sự có thể vận dụng điều 104 BLHS: “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” để xử lý. Về hành chính căn cứ  Nghị định số 02/2011/NĐ-CP ngày 06/01/2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản; Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính (Số: 44/2002/PL-UBTVQH10)… để xử lý.

Hình ảnh chiến sĩ công an phì phèo hút thuốc lá là quá phản cảm


Liên quan đến hình ảnh người chiến sĩ công an vừa thi hành công vụ, vừa phì phèo thuốc lá, luật sư Hùng cho biết: “Về hành vi hút thuốc của chiến sĩ công an nêu trên là hết sức phản cảm, làm xấu đi hình ảnh của người chiến sỹ công an nhân dân và đã vi phạm thông tư số 17/2012/TT-BCA ngày 10 tháng 04 năm 2012 quy định về điều lệnh nội vụ công an nhân dân, cần phải được xử lý kỷ luật theo quy định của ngành”.

Trước đó, chiều ngày 4/9, phóng viên Nguyễn Hải Sơn đang tác nghiệp đúng pháp luật tại phường Đồng Xuân (thị xã Phúc Yên – tỉnh Vĩnh Phúc) đã bị một đồng chí Đại úy công an cản trở và giật phăng cúc áo.
Phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã tìm cách liên lạc với lãnh đạo công an thị xã Phúc Yên - Vĩnh Phúc nhiều lần nhưng cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được sự hợp tác từ phía cơ quan này?

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này…


Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: [email protected] hoặc có thểBẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!



Nguyễn Tiến