Thứ bảy, 08/09/2012 20:23
08/09/2012 | 07:36

Dũng “lò vôi” - Làm gì cũng bị cho là “khùng”

Giữa dòng đời tất bật lo toan, Dũng “lò vôi” - ông chủ của Khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam văn hiến vẫn ung dung, tự tại, nhàn nhã sáng tác thơ, viết sách và sẻ chia phúc đức cho đời.

Chọn thất bại để không gục ngã

Tên của ông, Huỳnh Uy Dũng, đã quá nổi tiếng trên thương trường với biệt danh Dũng “lò vôi” và là một trong những người giàu nhất Việt Nam nhưng đối với ông, tiền bạc vật chất không mua được nhân cách con người, nó chỉ là phương tiện chứ không phải là mục tiêu của đời người.

 

Cái quan niệm về vật chất, của cải được ông khắc ghi trên tấm bia trước khu đền thờ Đại Nam trong Khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam văn hiến (tỉnh Bình Dương), một công trình tâm huyết như máu thịt mà ông Huỳnh Uy Dũng muốn để lại cho đời. Ông nghiệm ra rằng: “Lấy vật chất làm của, của sẽ rời xa ta. Lấy phúc đức làm của, của theo ta vạn đời”…

Hỏi ông lòng có dao động, lo lắng trước tình hình nền kinh tế có nhiều biến động, thị trường bất động sản bị đóng băng, nhiều doanh nghiệp phá sản, lâm cảnh khốn cùng như hiện nay, ông chỉ cười bảo rằng làm kinh doanh phải biết chọn thất bại để không gục ngã.

Nhiều người cứ “tham – sân – si”, ham hố kiếm tiền, hôm nay kiếm được 1 đồng thì hôm sau muốn kiếm thêm 10 đồng, kiếm được 10 đồng thì hôm khác muốn kiếm thêm 100 đồng…cứ thế lao vào điên cuồng để kiếm tiền mà không muốn ai hơn mình thì nợ nần sẽ chồng chất và khi chuyện vỡ ra sẽ gục ngã.

Và ông đã chọn thất bại cho chính mình, không đầu tư thêm bất cứ công trình gì nữa và không nợ nần bất cứ ai, chỉ quản lý những công trình mà ông đã thực hiện như Khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam văn hiến, Khu công nghiệp Sóng Thần 3, Khu trung tâm hành chính thị xã Dĩ An…

“Công trình” mà ông sắp cho ra đời là cuốn sách kinh dịch theo triết lý tâm linh, chỉ còn 14 chương nữa, sẽ giúp giới kinh doanh thấy được những điều không thấy. Trước đây, vì thấy được tình hình kinh tế chung và sự đớn đau, phũ phàng mà ông nếm trải nên ông đã chọn thất bại, nghĩa là không làm gì, thay vì biến 500 ha đất Khu công nghiệp Sóng Thần 3 đang hoạt động để làm khu đô thị như có người gợi ý.

“Nếu không, giờ tôi không “chết” thì cũng sứt đầu, mẻ trán trong tình hình bất động sản đóng băng như hiện nay. Tôi đã chọn thất bại để không cho phép mình gục ngã” – ông Dũng nhớ lại những ngày tháng quyết định để tránh xa cạm bẫy ở đời.

Đối với ông, mỗi một con người khi đã sống giữa dòng đời phải trả được bốn cái ơn, một là ông bà - tổ tiên, hai là tổ quốc nơi mình sinh ra, ba là trời – phật, bốn là đồng bào – nhân loại. Trả được 4 cái ơn đó thì dù có chết cũng thanh thản trong lòng.

Ông bảo rằng, cuộc đời con người từ lúc sinh ra cho đến lúc mất đi giống như một chuyến đi du lịch vậy. Khi đã kết thúc chuyến đi thì dù không muốn, nó cũng đưa mình quay trở về. Của cải, vật chất có nhiều thì khi chết đi cũng không thể mang theo. Đời người chỉ có hai điều mang theo được đó là phúc đức và tội lỗi. “Tội lỗi của con người là nghiệp chướng mà người đó tạo nên còn phúc đức là cái may mắn của đời người. Tôi có được cái may mắn mà nhiều người chưa có” – ông đúc kết những điều nếm trải.

Ông chia sẻ may mắn của mình với mọi người, soạn kinh theo triết lý Phật giáo rồi dạy cho toàn bộ nhân viên khu du lịch biết tụng kinh để khi cần có thể huy động mọi người tụng kinh, cầu cho những linh hồn đã khuất được siêu thoát. Đó cũng là một cách mà ông chọn cho sự “thất bại”.

Cái “thất bại” của ông cũng bao hàm ở chỗ nhiều người bảo rằng ông sướng. Cái sướng nhất của người làm kinh doanh là đến một lúc nào đó, chỉ cần ngồi làm thơ, viết sách nhưng thấy được nhân tình thế thái. Thấy được mình không giàu và không nghèo thì mới ung dung, tự tại. Còn ở đời, giàu hay nghèo cũng đều khổ như nhau.

Hiện nay, mỗi tuần ông chỉ đến công ty làm việc 4 tiếng đồng hồ, tiến tới chỉ còn 1 tiếng đồng hồ và sẽ không làm gì cả, toàn bộ công việc ở công ty đều đã có nhân viên làm. Ông chọn “thất bại” sau khi đã thực hiện hoài bão lớn nhất đời mình là tạo dựng Khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam văn hiến với mong muốn để lại cho đời một công trình thiêng liêng có giá trị về mặt văn hóa và tâm linh.

Nhưng ngẫm lại, cái “thất bại” của ông thực ra là cái “khôn ngoan” của người làm kinh doanh biết dừng lại ở thời điểm nào để không bị lún sâu như nhiều “đại gia” khác.

Phải biết điểm dừng

Những điều ông làm có cái gì đó không giống với xu thế của những người kinh doanh cùng thời nên khi làm điều gì ông cũng bị cho là khùng. Nhưng cái “khùng” của ông thì 5 đến 10 năm sau người ta mới ngộ “À, thì ra vậy!”.

 

Vào những năm 1990 - 1993, khi nhiều doanh nghiệp muốn vào tỉnh Bình Dương đã gặp trở ngại trong vấn đề xin giấy phép đầu tư bởi theo quy định phải có đất, có hạ tầng mới được cấp phép đầu tư nhưng muốn đầu tư xây nhà máy, đòi hỏi phải có giấy phép đầu tư, mới được giao đất. Thật tréo ngoe.

Thế là ông nghĩ ra ý tưởng xây dựng sẵn một khu nhà máy, xí nghiệp cho doanh nghiệp vào thuê đầu tư. Nghĩ là làm, ông xin được thực hiện thí điểm dự án KCN Bình Đường rồi đến KCN Sóng Thần 1 ra đời hoàn toàn không cần vốn nhà nước.

Thời điểm đó, nhiều người bàn ra, nói vào bảo ông chỉ có khùng mới làm như thế. Thế nhưng, đây là hai khu công nghiệp đầu tiên ở Việt Nam ra đời và đến năm 1995, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định về Khu công nghiệp, ông trở thành người đón đầu nhu cầu phát triển, cả hai khu công nghiệp kín hết các dự án đầu tư trong và ngoài nước.

Giai đoạn kinh doanh tưng bừng nhất ông để lại nhiều dấu ấn cho tỉnh Bình Dương chính là vực dậy Xí nghiệp sơn mài Thành Lễ đang làm ăn thua lỗ, bên bờ vực phá sản thành một Công ty sơn mài Thành Lễ lãi 28,8 tỷ đồng ngay trong năm đầu tiên về làm giám đốc trong khi nguồn thu ngân sách cả tỉnh lúc đó chỉ đạt 40 tỷ đồng/năm. Tiếng vang khắp cả nước, có lần cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm đã nhận xét ông là người có khả năng thiên phú.

Khởi nghiệp kinh doanh của ông bắt đầu từ việc bán muối, mua heo. Ông kể, vào thời chiến tranh biên giới Tây Nam, ông nhập ngũ hậu cần ở quân khu 5, rồi quân khu 7, được phân công chở heo tiếp tế cho bộ đội chiến trường. Chở heo đi đường dài hàng trăm cây số đến nơi thì heo chết trong khi muối trên đó thì hiếm. Thế là ông nảy sinh ý tưởng kinh doanh và xin được mua muối bên này chở qua bên kia bán lấy tiền rồi mua heo tại chỗ cung cấp cho bộ đội thì sẽ tươi hơn.

Sau một thời gian, ông được chuyển về công tác hậu cần tại Công an thị xã Thủ Dầu Một. Thấy đời sống anh em khổ sở, ông làm ra cái lò vôi để sản xuất vôi quét tường, lấy tiền cải thiện đời sống anh em, biệt danh Dũng “lò vôi” cũng có từ thời đó.

Khi được điều về làm giám đốc Xí nghiệp sơn mài Thành Lễ, ông bán cái lò vôi để chia cho anh em mỗi người một ít. Tuyên bố “gây sốc” đầu tiên của ông là khi được điều về phụ trách Xí nghiệp sơn mài Thành Lễ.

Ông ra điều kiện, nếu Xí nghiệp làm ăn thua lỗ thì ông bỏ tiền túi ra bồi thường còn nếu làm ăn có lãi thì tỉnh phải cho ông 10% trên số tiền lời thu được đồng thời mọi việc kinh doanh và bố trí nhân sự đều do ông quyết định. Lúc đó lãnh đạo đồng ý nhưng đến khi Công ty Thành Lễ lãi thật sự thì lại không có quy định trích 10% lợi nhuận cho ông.

Đến khi có nhiều đồn đoán về việc kinh doanh của ông tại công ty Thành Lễ, nhiều đoàn thanh tra từ Trung ương đến địa phương đến làm việc xác minh. Bực quá, ông bảo lần sau Thanh tra đến thì ông sẽ không có ông để làm việc ở công ty nữa. Nói là làm, ông nghỉ việc ở Công ty sơn mài Thành Lễ và bắt đầu dành hết công sức và tâm huyết của mình cho Khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam văn hiến.

Khi ông đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu du lịch Đại Nam nhiều người bảo ông khùng. Thời điểm này, bất động sản đang “nóng”, nhiều đại gia làm ăn theo kiểu chớp nhoáng, đầu tư xây căn hộ hoặc đô thị để kiếm tiền nhanh trong khi ông với hơn 450ha đất nếu đầu tư xây khu đô thị bán, sẽ kiếm được rất nhiều tiền vậy mà không làm lại đi xây khu du lịch, tốn kém hàng ngàn tỉ đồng để thu về bạc lẻ.

Tuy nhiên, ông tâm niệm rằng xây dựng công trình này hoàn toàn không vì lợi nhuận mà mong muốn góp công sức để lại cho đời một công trình có ý nghĩa và càng không cho phép con cháu sau này đem công trình ra để chia chác, mua bán hay thế chấp ngân hàng.

Mặc cho mọi người cứ nói còn ông cứ làm. Khu du lịch rộng lớn được hình thành là chuỗi các đình, đền, tường thành, núi non, sông nước, biển nhân tạo, vườn thú, khu vui chơi giải trí v.v... được xây dựng trải dài gần 20km.

Điểm nhấn của khu du lịch là Đền thờ Đại Nam được thiết kế với nhiều tượng, phù điêu dát vàng, tái hiện lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam trãi qua 4.000 năm. Gợi cho con người cùng hướng về cội nguồn, công ơn của tổ tiên.

 

Sắp tới, ông sẽ đầu tư xây dựng khu đền thờ hình chữ Vạn thật hoành tráng trong khu vực quãng trường rộng 18ha ngay trước Đền thờ Đại Nam với mong muốn để lại cho đời một công trình có ý nghĩa. Hàng năm, khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam văn hiến đón hơn 2 triệu lượt khách đến tham quan, khẳng định thành công lớn ở góc độ du lịch.

Để giải tỏa những cảm xúc đè nén trong lòng, ông cho khắc lên bia đá ngay trước Đền thờ Đại Nam bài viết “Thì ra vậy!” với nội dung: “Lại là một ước mơ ngu xuẩn nữa của “anh” chứ gì? Khi những người khác nói với tôi rằng: Tôi không thể làm chuyện này, chuyện nọ…Rằng tôi chỉ là một kẻ mơ mộng, điên rồ, ngông cuồng, kiêu kỳ và rồi tôi sẽ thất bại.Tôi cảm thấy bị tổn thương và tức giận, tôi đã dung nguồn năng lượng tiêu cực của họ cộng với tình cảm tiêu cực của tôi đối với họ, để tạo ra sự bùng nổ cảm xúc, đủ lớn, đủ mạnh để trợ giúp cho tôi thực hiện những giấc mơ gian khổ. Một lần nữa xin trả lời: Thành công là sự trả ơn ngọt ngào nhất! Thì ra vậy!!!”.

Sau khi khánh thành Khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam văn hiến, vào tháng 9.2008, ông cho tổ chức “lời thề không nợ nần ai” và trong buổi lễ trước Đền thờ Đại Nam, trước 2.000 cán bộ công nhân viên, ông thề kể từ thời điểm này công ty không còn nợ nần ai và không bao giờ vay mượn của ai một đồng nào.

Lời thề của ông cũng bị cho là khùng vì chuyện vay mượn trong kinh doanh là chuyện bình thường của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông bảo rằng sở dĩ ông tuyên bố lời thề như vậy là để trói buộc mình không phạm bất cứ một sai lầm nào trong quãng đời phía trước.

Đất lành chim đậu

Nhiều người nói vui Khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam văn hiến hiện đang là vương quốc của chim yến khi hàng ngàn con chim yến tìm về dãy Ngũ Hành Sơn - dãy núi nhân tạo dài nhất Việt Nam với chiều dài 252m, được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập cùng với Đền thờ Đại Nam – để trú ngụ, làm tổ. Trên dãy núi này, ông cho khắc ghi bài thơ do chính ông sáng tác “Đất lành chim đậu: Đàn yến quy về núi Ngũ Hành/ Duyên trời nợ biển ước trâm anh/ Tuyết sương nghìn dặm nên đôi lứa/ Sinh tử trăm năm chẳng một mình/ Đức cả từ nghiêm xây tổ báu/ Tình sâu kháng lệ dệt vầng linh/ Đất lành chim đậu người xưa nói/ Lạc cảnh phương Nam khéo để dành”.

Ông cho biết, lúc xây 5 ngọn núi cao phía sau đền Đại Nam là cốt để tạ ơn, hiến dâng trời đất, tổ tiên. “Có lẽ bằng sự thành tâm luôn hướng về trời đất, cội nguồn nên trời thương ban cho đàn yến. Đời tôi đâu biết con chim yến là gì và nuôi nó ra sao đâu? Vậy mà không biết từ đâu nó kéo về đen kịt cả góc trời” – ông Huỳnh Uy Dũng cho biết.

Tại buổi lễ đặt bài vị thờ bách gia trăm họ, đột nhiên một đàn yến kéo về kêu lảnh lót ngay chánh điện khoảng 1 tiếng đồng hồ thì bay đi, từ đó đàn yến hàng ngàn con tìm đến tụ ở núi Ngũ Hành. Mỗi năm, Khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam văn hiến thu được hàng tỷ đồng từ việc thu hoạch tổ yến và tiền này được đầu tư trở lại để thờ cúng Đền Đại Nam.

Điều bất ngờ nhất là yến tìm đến khách sạn 3 sao trong khu du lịch Đại Nam để làm tổ. Nhân viên trong khu du lịch nói vui là yến ở đây được chủ thết đãi ở khách sạn tiêu chuẩn 3 sao. Ngay cả loài thú quý hiếm như hà mã cũng vừa sinh nở được 1 con. Còn hổ, khỉ sóc và khỉ đuôi lợn thì liên tục sinh sản.

Ông bảo rằng, lòng ông không biến động giữa muôn vàn đổi thay của cuộc sống. Sắp tới, ông sẽ xây dựng một khu nhà mới thật sang trọng để chào đón đứa con sắp ra đời. Trong khu nhà mới này sẽ có đầy đủ mọi thứ “tự cung, tự cấp” đảm bảo cuộc sống cho con người.

Tháng sau, ông cho xuống giống trồng 4 sào lúa để tự cung cấp gạo để ăn. Hai hồ nuôi cá mỗi hồ rộng một mẫu cung cấp tôm, cá quanh năm. Trong khu vườn của ông có sẵn 2.000 cây dừa, 500 cây bưởi và rất nhiều loại cây hoa, quả khác đủ cung cấp trái và hoa cho thờ cúng tại Đền Đại Nam. Trong khu vườn này ông cũng trồng cây đậu phụng để ép dầu làm đèn cầy thắp sáng cho Đền thờ.

Rằm tháng 7 của mùa vu lan vừa qua, ông giam mình suốt 2 ngày tụng kinh. Ít ai thấy ông xuất hiện giữa dòng đời vội vã bởi cuộc sống của ông hiện nay gắn liền với sách. Ông vừa hoàn thành cuốn sách: “Đại Nam văn hiến sử thi” từ thời dựng nước đến cuối triều Nguyễn, năm 1945. Ngoài ra, ông còn sáng tác tập sách Đại Nam tâm kinh, các bản Trường ca, Huyền ca Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, các bản dân ca…ca ngợi non song, đất nước, hướng về cội nguồn dân tộc. Đó cũng là một cách ông sẻ chia sự may mắn của ông cho đời.

  • Tin nổi bật
  • Tin đọc nhiều nhất