LTS: Trước thực trạng nhiều người cho rằng sách giáo khoa hiện nay không tường minh tên giặc, TS báo Giáo dục Việt Nam đã nhận được khá nhiều ý kiến phản hồi theo nhiều chiều hướng khác nhau. Để rộng đường cho dư luận, chúng tôi trích đăng bức thư của độc giả Nguyễn Văn Toàn (Phú Hiệp, TP Huế).
Mơ hồ về tên giặc
SGK và kể cả giáo trình đại học & cao đẳng môn lịch sử Việt Nam đều có ghi chép chuyện Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân vào thời Hùng Vương. Vậy giặc Ân là giặc nào? Điều này cho đến nay vẫn chưa xác định được một cách chính xác.
Trong cuốn “Đại Việt Sử Ký Toàn thư Quyển I do Kỷ Hồng Bàng biên soạn) có viết: “Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang. Đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn”.
Rõ ràng, nếu cương vực Văn Lang bao trọn lãnh thổ cư trú của Bách Việt (phía nam sông Dương Tử trở xuống) thì giặc Ân có thể là triều Ân Thương của Trung Quốc. Bởi Văn Lang với cương giới phía bắc gần với Ân Thương của tộc người Hán. Như vậy, tất nhiên phải chịu họa xâm lấn từ triều đại này.
|
Giặc Ân vẫn chưa được xác định một cách chính xác. |
Thiết nghĩ, những người biên soạn SGK và giáo trình đại học & cao đẳng nên nghiên cứu sâu hơn về vấn đề cương vực của Nhà nước Văn Lang để gọi cho đúng tên lũ giặc xâm lược bị Thánh Gióng đuổi đánh. Chứ không nên gọi giặc Ân là một thứ giặc “huyền thoại” theo kiểu cái gì mơ hồ thì… tạm gác lại và đưa và chú thích.
“Bỏ qua” nhiều loại giặc
Nếu tìm hiểu kỹ, nhiều loại giặc khác trong thời cổ đại của dân tộc như Đế Lai và Thục Phán cũng không được SGK đề cập đến. Đây là “lỗ hổng” đáng tiếc cho lịch sử Việt Nam và khiến người học thụ động tiếp thu kiến thức một chiều theo kiểu “dạy gì, hiểu nấy” hay theo kiểu “sau này lớn rồi sẽ biết”.
Trong truyện “Mỵ Châu – Trọng Thủy”, khi An Dương Vương bị quân Nam Hán truy đuổi, thần Kim Quy đã nổi lên và nói: “Giặc ở sau lưng nhà vua đó”. An Dương Vương nghe thấy liền rút kiếm chém đầu Mỵ Nương.
Với hành động này, An Dương Vương rõ ràng đã xem con gái Mỵ Nương là giặc. Nhưng đây là sự bao biện và cay cú của An Dương Vương khi thất trận. Đáng tiếc là trong suốt hai ngàn năm, khi nhắc đến câu chuyện này dân gian và kể cả SGK lại thêu dệt những điều hoang đường như ngọc trai biển Đông rửa tại Giếng Ngọc (nơi Trọng Thủy tự vẫn) thì ngọc sáng bội phần để chứng minh cho tính trong sạch của Mỵ Châu.
Thật ra, chỉ cần chứng minh rõ trách nhiệm Mỵ Châu đến đâu trong việc mất nước Âu Lạc vào tay Triệu Đà là đủ. Không nên sử dụng những điều hoang đường để chứng minh. Điều này khiến cho trẻ em khi học đến truyện này cảm thấy như muốn chứng minh một sự thật nào đó thì nhất thiết phải đầu rơi, máu chảy.
Quá khứ là giá đỡ và chiếc la bàn định vị cho hiện tại và tương lai. Một dân tộc không tường minh quá khứ của chính mình, dân tộc ấy không thể biết được mình đang đứng ở đâu trong cái thế giới vốn không có điểm chung về văn hóa – lịch sử.
Do đó, việc xác định đúng và đủ tên giặc trong lịch sử cổ đại Việt Nam tuy là một vấn đề chỉ đơn thuần là “xác định” nhưng cũng chẳng phải là vấn đề dễ dàng. Chẳng hạn Đế Lai tuy là rõ ràng là giặc, cai trị tàn bạo Lĩnh Nam và bị Lạc Long Quân đánh đuổi nhưng lại là cha của Đức Mẹ Âu Cơ nên sử sách ta đã bỏ qua và không nhắc đến. Bên cạnh đó, do Thục Phán là vua Âu Lạc, được công nhận là một triều đại Việt Nam nên chẳng sử sách nào nói thẳng về việc nhân vật này đã xâm lược Văn Lang cũng như sự cai trị tàn bạo của vị vua này.
|
Truyện “Mỵ Châu – Trọng Thủy” được dân gian thêu dệt nhiều chi tiết hoang đường.
|
Hay như Mỵ Châu rõ ràng không phải là giặc. Nhưng Thần Kim Quy lại bảo là giặc và An Dương Vương tin theo. Điều đó có nghĩa mọi việc đều do An Dương Vương và hậu nhân sau này của nhân vật này bày vẽ ra để bao biện cho sự thất bại, nhưng suốt hai ngàn năm chẳng ai chú ý đến chi tiết này. Bởi không có chuyện là thánh thần mà không biết rõ sự tình và không trừng trị An Dương Vương vì những gì nhân vật này đã gây ra. Ngược lại Mỵ Châu vừa mang tiếng là giặc vừa phải chịu cái chết thương tâm. Như thế là sự công bằng chăng?
Thậm chí, nhiều sử sách còn cho rằng Triệu Đà cũng được xếp vào hàng vua nước Việt và nhiều vùng ở phía Bắc còn thờ Triệu Đà và Trọng Thủy. Như vậy, nếu theo quan điểm “thắng làm vua, thua làm giặc” thì không phải An Dương Vương sau khi thất trận là giặc hay sao? Nếu đã gọi Triệu Đà xâm lược Âu Lạc là giặc thì tại sao không gọi An Dương Vương là giặc? Bởi hai nhân vật này đều là “ngoại tộc” so với dân tộc Việt (một Khương, một Hán).
Do đó, đừng nói là việc quên nêu tên giặc sẽ gây ra hệ lụy lớn mà ngay cả việc xác định không xác đáng vấn đề “ai là vua, ai là giặc” cũng có thể làm méo mó đi lịch sử của dân tộc vốn còn nhiều sự hồ nghi, mơ hồ.