Lãnh đạo tương lai Tập Cận Bình xây dựng chương trình hành động
Cập nhật lúc :7:50 AM, 14/09/2012
Theo các nguồn tin độc lập, Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hội đàm với ông Hồ Đức Bình, một trong những nhà cải cách tiếng tăm của Trung Quốc.


Nhà lãnh đạo tương lai Tập Cận Bình xây dựng chương trình hành động.
 Ảnh channel 14.com

Các cuộc tham vấn với giới khoa học, cán bộ đảng địa phương, các đảng viên kỳ cựu là biểu hiện phổ biến trước kỳ đại hội đảng. Các hoạt động lúc này có ý nghĩa đặc biệt, bởi liên quan tới sự chuyển giao quyền lực lãnh đạo cho thế hệ mới. Nhiều người chờ đợi ông Tập Cận Bình có giải pháp mới cho những vấn đề chính trị xã hội nổi cộm ở Trung Quốc, đó là chênh lệch thu nhập ngày càng gia tăng, tham nhũng, mất lòng tin vào hệ thống nhà nước.

Ông Hồ Đức Bình  vốn là con trai của cựu Tổng bí thư đảng Hồ Diệu Bang, bị hạ bệ vào năm 1987 bởi ủng hộ quá mức chủ nghĩa tự do. Mặc dù không hề giữ cương vị trọng trách trong hệ thống nhà nước Trung Quốc, nhưng ông Hồ Đức Bình vẫn là một đại diện nổi bật của cánh cải cách trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Lần gần đây nhất, ông trở thành trọng tâm sự chú ý của xã hội vào mùa thu năm ngoái. Khi ấy, ông Hồ Đức Bình và những người ủng hộ đã tổ chức hội thảo nhân kỷ niệm 30 năm "Những quyết định về một số vấn đề lịch sử của Đảng Cộng sản kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa". Những người tham gia hội thảo chỉ ra mối nguy cơ cụ thể của sự hồi sinh tinh thần cách mạng văn hóa.

Theo thông tin rò rỉ, trong buổi trao đổi với Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Hồ Đức Bình đã đề cập tới nhu cầu cấp bách cải cách chính trị và những biện pháp tiếp cận can đảm hơn để giải quyết các vấn đề của đất nước. Ông Tập Cận Bình có phản ứng khá thận trọng. Nhưng như các nguồn tin cho hãng Reuters hay, ông đã thừa nhận rằng các vấn đề của đất nước hiện nay nổi cộm chưa từng có.

Điều quan trọng là trong quá trình chuẩn bị thay đổi quyền lực, ông Tập Cận Bình đã lắng nghe đại diện các lực lượng vốn không chỉ chủ trương tự do hóa kinh tế mà ủng hộ cả thay đổi dân chủ. Phó giám đốc Viện Á-Phi Đại học tổng hợp MGU Andrei Karneev nhận xét: “Mỗi nhà lãnh đạo khi lên nắm quyền đều đóng góp những sắc thái mới. Đây là một khía cạnh của văn hóa chính trị Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình dự định bảo đảm tính thừa kế. Nhưng sẽ không ai hiểu ông, nếu không có những sắc thái mới. Điều này sẽ giống như một biểu hiện của sự yếu đuối và hầu như chẳng ai mong đợi một sự sao chép phong cách Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Vì vậy, nhóm của ông Tập Cận Bình đang chuẩn bị những nghiên cứu lý thuyết và chiến lược sẽ được đưa vào thực hiện trong hai năm đầu tiên khi ông Tập lên nắm quyền.”

Giới quan sát viên chú ý tới một bài báo được đăng trên Internet của tác giả Đặng Duật Văn, phó tổng biên tập báo Study Times. Có thể coi đây là một chuyên gia thân cận với nhóm ông Tập Cận Bình, bởi đây là tờ báo của Trường Đảng trung ương, còn ông Tập từ năm 2007 giữ chức hiệu trưởng trường. Trong bài viết tổng kết 10 năm lãnh đạo của hai nhà lãnh đạo Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo, ông Đặng Duật Văn viết: " Mặc dù nhấn mạnh về sự cần thiết của dân chủ, tính tối thượng pháp quyền, thúc đẩy cải tổ hệ thống chính trị, nhưng thực tế sự tiến bộ trong lĩnh vực này bị giới hạn, phải can đảm thực hiện những bước đầu tiên trên con đường cải tổ chính trị và dân chủ hóa".

Trong bất kỳ trường hợp nào, nhà lãnh đạo tương lai Tập Cận Bình cũng sẽ phải tìm kiếm giải đáp cho những kỳ vọng của xã hội về sự thay đổi.


Theo VOR
Ý kiến của bạn In bài này
Dành cho quảng cáo