|
Tàu hải giám Trung Quốc và tàu tuần duyên Nhật Bản trên biển Hoa Đông. Ảnh REUTERS |
Sáu tàu hải giám Trung Quốc tiến vào vùng biển Senkaku/Điếu Ngư
Lực lượng Phòng vệ bờ biển của Nhật Bản cho biết sáng sớm 14/9, 6 tàu của Trung Quốc đã tiến vào vùng biển gần quần đảo Senkaku tranh chấp và đã bị lực lượng này yêu cầu rời khỏi khu vực.
Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản cho biết các tàu này đã rời khỏi khu vực trên vào khoảng 13 giờ 20 (04h20 GMT), tức là khoảng 7 tiếng sau khi chiếc tàu đầu tiên xâm phạm.
Trong một tin từ Bắc Kinh, Tân Hoa Xã viết: "Hai hạm đội tàu hải giám Trung Quốc đã tới vùng biển quanh quần đảo Điếu Ngư và các đảo phụ cận ngày 14/9 và bắt đầu tuần tra và thực thi luật pháp tại đây."
Sự hiện hiện của 6 tàu Trung Quốc - mà Nhật Bản coi là “chưa từng có” - xảy ra đúng vào lúc có tin nói nhiều công dân Nhật Bản bị tấn công ở Trung Quốc, đánh dấu một giai đoạn tồi tệ mới trong cuộc tranh cãi giữa hai nền kinh tế lớn nhất tại châu Á. Sự việc trên xảy ra chỉ vài ngày sau khi chính phủ Nhật hoàn tất việc quốc hữu hóa quần đảo Senkaku mà phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Phản ứng quyết liệt từ cả hai phía
Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba đã phải cắt ngắn chuyến thăm Australia vì căng thẳng gia tăng.
Chánh Văn phòng nội các Osamu Fujimura cho hay Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã triệu đại sứ Trung Quốc Cheng Yonghua để phản đối. Tại một cuộc họp báo, ông Fujimura nói: “Chúng tôi cho rằng (việc cử) 6 tàu này chắc chắn là chưa từng có”. Phía Nhật Bản cũng đã hối thúc Bắc Kinh "làm tất cả những gì có thể để đảm bảo an toàn cho các công dân người Nhật ở Trung Quốc".
Phát biểu của ông Fujimura được đưa ra trong khi lãnh sự quán Nhật Bản tại Thượng Hải báo cáo về một loạt các vụ tấn công. Thông báo trên website của lãnh sự quán viết: "Một nhóm đang đi ăn tối muộn đã bị người Trung Quốc lăng mạ và tấn công." Lãnh sự quán cũng cho hay có những trường hợp mà người Nhật bị ném đồ ăn thức uống vào người.
Theo ông Fujimura, đại sứ Yonghua đã nhấn mạnh tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với các hòn đảo ở biển Hoa Đông.
Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Cao Hồng của Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản trực thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng chính phủ Nhật Bản đã phớt lờ thỏa thuận ngầm và nhận thức chung Trung-Nhật trong vấn đề quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và đang đi theo con đường sai lầm, nguy hiểm.
Lý Quốc Cường, Phó Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu biên cương sử địa Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết quan hệ Trung-Nhật đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ đầu thế kỷ này tới nay. Phía Nhật Bản gần như đã bịt con đường đàm phán ngoại giao để giải quyết vấn đề, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc đối với đảo Điếu Ngư/Senkaku và các đảo phụ cận. Điều này đã phủ bóng đen dày đặc lên tương lai quan hệ Trung-Nhật.
Gần đây, do quan hệ hai nước căng thẳng, tiêu thụ hàng hóa của Nhật Bản - nhất là xe hơi - bị tác động nghiêm trọng. Nếu tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku tiếp tục leo thang, nó không chỉ ảnh hưởng tới quan hệ Trung-Nhật mà còn ảnh hưởng tới các vấn đề lớn hơn như ổn định và phát triển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thậm chí của toàn cầu.