Lê Văn Luyện: “Mới vào, em bị “ma cũ” dọa “làm thịt”…!” (Kỳ 1)

18/9/2012 11:34

Dù đã nghe nói rất nhiều về sự lạnh lùng, tàn độc của Lê Văn Luyện, nhưng khi ngồi đối mặt, cách chỉ một tầm tay, tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác chợn rợn.

Mới đây, Lê Văn Luyện đã được dẫn giải về Trại giam số 3, Bộ Công an (đóng trên địa bàn xã Nghĩa Dũng, Tân Kỳ, Nghệ An), bắt đầu chuỗi ngày cải tạo. Phải khó khăn lắm, phóng viên Công lý và Xã hội mới có điều kiện để tiếp cận với tên “sát thủ máu lạnh” này. Và, đây cũng là lần đầu tiên Luyện trả lời báo chí kể từ khi chuyển về “nhà mới”.

Không còn nghĩ mình đáng chết!

Suốt một thời gian dài, kể từ khi gây ra vụ thảm sát tại tiệm vàng Ngọc Bích (phố Sàn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang), có lẽ Lê Văn Luyện là nhân vật được dư luận quan tâm, báo chí săn lùng nhiều nhất. Tưởng như tất cả những tình tiết liên quan đến vụ án, những góc cạnh chân dung tên “ác quỷ đội lốt người” này đều đã được phơi bày, bóc trần qua các phương tiện truyền thông. Nhưng thật bất ngờ, trong gần bốn tiếng trò chuyện với Công lý và Xã hội vào chiều ngày 26/6/2012 tại Trại giam số 3, Luyện đã chia sẻ rất nhiều điều mới lạ, nhất là “cảm nhận” về những ngày đầu cải tạo ở đây.

Gương mặt Luyện chợt buồn khi nhắc đến mẹ và đứa em út 4 tuổi.

Da trắng, mắt lanh lợi, dáng đi nhanh nhẹn trong bộ quần áo phạm nhân, Luyện theo chân quản giáo bước vào phòng thăm gặp. Trái với những lần tiếp xúc với báo chí trước đây, Luyện thường tỏ thái độ bất cần, không hợp tác. Nhưng lần này, hắn trả lời rành rẽ từng câu hỏi, không rụt rè, khúm núm.

Dù đã nghe nói rất nhiều về sự lạnh lùng, tàn độc của Lê Văn Luyện, nhưng khi ngồi đối mặt với hắn, cách chỉ một tầm tay, tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác chợn rợn. Thật khó lý giải, một kẻ mặt còn búng sữa kia lại có thể xuống tay man rợ đến như vậy. Có cảm giác, quỷ dữ ẩn mình trong khuôn mặt sáng láng ấy. Dù muốn, dù không, trong suốt buổi trò chuyện, thỉnh thoảng tôi vẫn phải nhắc lại đôi chút đến vụ giết người kinh thiên động địa mà Luyện đã từng gây ra. Mỗi chi tiết, hắn có thể kể lại vanh vách không sai một ly so với những gì đã khai ở cơ quan điều tra, khai trước tòa và “khai” với cơ quan báo chí. Nhưng đáng kinh hãi ở chỗ, giọng hắn cứ đều đều, không cảm xúc, chậm rãi như vọng lên từ âm ty địa ngục khi thuật lại cái chuyện cắt cổ nạn nhân ra làm sao, máu phun thế nào, y như thể người ta nói về chuyện… vặt nắm lông gà. Thật khó tìm được chút gì gọi là sợ hãi, run rẩy trong giọng nói của kẻ giết người máu lạnh này.

Chỉ đến khi nhắc đến gia đình, người thân, đặc biệt là người mẹ và đứa em út mới lên 4 tuổi của mình, Luyện mới bộc lộ chút ít như là sự xót xa, ân hận. Khuôn mặt hắn chùng xuống, thôi lành lạnh. Hắn có vẻ suy nghĩ mông lung lắm. Có lẽ, sau khi cướp đi mấy mạng người, tạo ra cảnh ly tán, đảo điên cho gần chục gia đình, giờ đây, hắn đã biết hồi tâm, chuyển ý?

Lúc ấy, Luyện cố tình ngoảnh mặt nơi khác, tránh ánh nhìn của phóng viên. Nói thật, tôi cũng đã mong chờ ở cặp mắt dường như vô hồn kia nhểu ra vài giọt nước, chí ít là như vậy. Nhưng tuyệt nhiên không có, Luyện nhanh chóng lấy lại sự lạnh lùng. Và, trong cả buổi, cũng không thấy hắn nói “mình đáng chết”, như đã từng nhắc nhiều lần với báo chí.

Theo một số cán bộ quản giáo của Trại giam số 3, kể từ khi vào đây, Luyện vẫn ăn ngủ bình thường, không có dấu hiệu chán chường, bế tắc.

 Lê Văn Luyện trò chuyện cùng phóng viên Công lý & Xã hội.

Tự làm mới mình bằng thói quen… đọc sách!

Trong suốt buổi trò chuyện cùng Công lý & Xã hội, Lê Văn Luyện bộc lộ gần như tất cả cái bản chất lệch lạc, bất thành nhân của mình. Không chỉ nổi bật ở cái bản chất lưu manh, hắn còn khiến người đối diện hoảng loạn, kinh khiếp bởi sự lạnh lùng, tàn độc toát lên từ chân tơ, kẽ tóc.

Có lẽ, nhân cách “ma quỷ” ấy Luyện có được là nhờ trui rèn nhiều năm bằng lối sống hoang dại như cây cỏ. Ở hắn, người ta nhận thấy sự vô cảm đến tột cùng qua thần thái khuôn mặt khi kể lại những chi tiết trong vụ thảm sát tiệm vàng, vụ án mà sẽ mãi là nỗi ám ảnh dai dẳng, ký ức kinh hoàng của những người liên quan và của toàn xã hội.

Nhưng cũng phải thừa nhận, khi giông gió qua đi, dư luận cũng dần chìm lắng thì ở trong Trại giam số 3 này, Luyện đã có chút ít thay đổi dù là rất hiếm hoi. Ngay ở cách xưng hô, hắn cũng đã học được phép tôn trọng người lớn tuổi, trả lời câu hỏi cũng không còn tuyệt đối nói trống không. Hắn đã biết dùng một số từ thưa gửi thông thường mà đáng lẽ một đứa trẻ có nhân cách biết sử dụng thuần thục từ khi mới lên mười.

Và đặc biệt, kể từ khi vào đây, Luyện còn học được thói quen… đọc sách! Vẫn biết, chuyện đọc sách, báo của phạm nhân để giải trí nó chỉ là chuyện hết sức bình thường mà trại giam nào cũng có, ấy nhưng cái chuyện Lê Văn Luyện, kẻ từ nhỏ tới giờ chỉ quen với dao phớ chọc tiết lợn, game online, suốt ngày giao du với đám choai choai du thử, du thực mà nay tự nhiên thích đọc sách, lại là sách “thánh hiền” thì âu cũng là chuyện lạ thường.

Chắc nhiều người cũng đã nhắc đến hai từ giá như khi nói về “sát thủ” Lê Văn Luyện. Giá như hắn không đứt gánh sách đèn từ khi còn quá trẻ; giá như bố mẹ hắn thôi buông lỏng quản lý mà chăm bẵm, giáo dưỡng con cái được tốt hơn thì đâu đến nỗi xã hội phải chứng kiến một ác quỷ đội lốt người đã gây ra cái chết bất toàn thây cho gia đình anh Ngọc? Và, sẽ còn bao nhiêu “Lê Văn Luyện thứ hai”, “Lê Văn Luyện thứ ba”…, nếu các bậc sinh thành không giật mình chấn chỉnh con dại ngay từ bây giờ?

Thế cho nên, dù chả biết cái đầu trọc lốc của Luyện học được những gì sau ít ngày “đánh đu” với thú vui “tao nhã” là đọc sách ấy, nhưng như thế cũng còn may mắn vạn lần nếu hắn bỏ ra cả quãng năm dài, tháng rộng sắp tới để học hỏi những vô luân, tàn độc vốn đầy rẫy trong chốn lao tù.

Luyện không còn hay nói “mình đáng chết nghìn lần” như trước...

“Có phạm nhân chửi em ác và còn đòi “làm thịt”…”!

- Luyện được đưa vào Trại giam số 3 từ bao giờ?

- Em vào đây hôm 4/6/2012.

- Thấy có khác gì không so với hồi còn ở “trại Kế” (Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang)?

- Ở đây được đi lại nhiều hơn, khỏi “tù” chân, nhưng phải mỗi tội thời tiết trong này nóng hơn ngoài Bắc!

- Có sợ gió Lào không?

-  Em chưa biết gió Lào ra làm sao nên chả sợ.

-  Từ khi vào đây, gia đình, người thân đã ai vào thăm Luyện chưa?

- Dạ, chưa thấy.

-Mong ai vào thăm nhất? Mẹ hay bạn gái?

- (cười) Mẹ chứ!

- Luyện ở chung phòng với ai?

- Dạ, em ở cùng với 70 phạm nhân nữa.

- Khi mới vào, thái độ của các phạm nhân cùng phòng đối với Luyện thế nào?

- Cũng bình thường, có người quý, có người ghét, có người còn không nhận ra em, phải mãi sau người ta mới biết.

- Người quý nhiều hơn hay người ghét nhiều hơn?

- (cười) Ngang nhau ạ.

- Thế có biết tại sao họ ghét mình?

- Họ bảo, sao mà dã man thế!

- Họ nhận xét như vậy có đúng không?

- Cũng đúng.

- Đúng như thế nào?

- Thì em thấy mình cũng dã man thật! Có phạm nhân thấy em đi qua còn chửi em độc ác, họ dọa “làm thịt” em!

- Có sợ không?

- Chả sợ!

- Vì sao?

- Em có làm gì họ đâu? Nếu họ mà cố tình gây sự, em báo cáo cán bộ, nếu cán bộ không xử lý thì… (im lặng).

-  … thì Luyện “tự xử” họ à?

-  (Im lặng)

-  Phạm nhân ấy tên là gì? Có ở cùng buồng không?

- Không biết, ở buồng khác. Mà cùng buồng em cũng chả sợ!

- Mỗi bữa Luyện ăn được mấy bát cơm?

- Em ăn hết xuất ăn của trại, thỉnh thoảng không hết.

- Sao không ăn hết?

- Tại em cứ suy nghĩ linh tinh…

- Ân hận à?

- (Im lặng)

- Tối có ngủ được không?

- Em ngủ bình thường, từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau.

- Luyện có hay bị ám ảnh bởi những nạn nhân mình đã giết?

- Không, thỉnh thoảng em chỉ thương con bé. Nó còn nhỏ quá, mà lại chả có tội tình gì…

- Thế những nạn nhân kia thì họ có tội với Luyện à?

- Không.

- Họ không có tội, sao giết họ dã man thế?

- Tại em không giết “bọn nó”, thì “bọn nó” cũng giết em. Lúc đấy em chả nghĩ được gì nhiều, chỉ biết cố gắng giết cho hết thôi!

- Giờ có thấy ân hận không?

- Có, em ân hận vì giết nhiều người quá. Với lại, vì em mà người thân phải đi tù. Em thương mẹ… 

Thời gian rảnh, cũng “tập tọng” đọc sách “thánh hiền”

Tranh thủ đọc sách “thánh hiền”!

- Một ngày trong trại của Luyện như thế nào?

- Em dậy từ 5h sáng, tập thể dục, làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng, 7h đi làm, 11h ăn cơm trưa rồi nghỉ đến 13h đi làm, 17h nghỉ…, ăn cơm tối, xem ti vi, đọc sách báo đến 21h đi ngủ.

-   Thời gian rảnh rỗi Luyện làm gì?

-   Em xem ti vi cùng mọi người. Dạo này em còn hay đọc sách đấy! (cười)

-   Đọc sách cơ à, sách gì thế?

-  Em đọc cuốn Dưỡng sinh bằng năng lượng sinh học mượn của anh cùng phòng.

Cuốn sách mà Luyện “gối đầu giường” mấy ngày nay là Dưỡng sinh bằng năng lượng sinh học.

-  Nội dung cuốn sách đó thế nào?

-   Đấy là cuốn sách của Trung Quốc, dạy các cách điều khiển, phát huy nguồn năng lượng trong cơ thể, nhưng phải tập nhiều mới làm được!

- Thế Luyện đã tập được nhiều chưa?

- Em chưa, tại em toàn dậy muộn…

- Sắp tới có kế hoạch sẽ học theo sách không?

- Em định nhờ anh cùng phòng dạy.

- Thế còn hay đọc sách gì nữa?

- Em không.

- Luyện có hay trò chuyện với các phạm nhân khác trong phòng?

- Cũng thỉnh thoảng, em chỉ nói chuyện với vài người.

- Hay nói chuyện gì?

- Mấy anh đấy cũng khuyên em cải tạo.

- Thế còn các cán bộ quản giáo thì sao?

- Dạ, cán bộ cũng động viên em.

- Luyện quý cán bộ quản giáo nào nhất?

- Em chưa tiếp xúc nhiều nên chưa biết.

- Ngày còn ở “trại Kế” Luyện quý ai?

- Dạ, nếu có điều kiện, anh cho em gửi lời cảm ơn “Thầy” Vũ Khắc Quyết, cán bộ ở Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang. Em cảm ơn vì “Thầy” ấy hay quan tâm, động viên những lúc gia đình, người thân em lâu chưa vào thăm…

- Có gửi lời cảm ơn hay xin lỗi ai nữa không?

- Dạ, em xin lỗi người thân. Vì em mà họ phải đi tù…

- Không gửi lời xin lỗi gia đình nạn nhân à?

- Có, nhưng chắc họ cũng chả nhận lời xin lỗi của em đâu. Em nghe nói, họ còn đang định kiện em nữa cơ mà.

- Sau này khi ra tù, gặp lại người thân gia đình nạn nhân Luyện có sợ không?

- Em chỉ sợ họ trả thù bố mẹ em thôi, còn em dám làm, dám chịu, họ muốn làm gì thì làm.

- Nếu họ trả thù, Luyện có phản kháng lại không?

- (Im lặng suy nghĩ)… À, mà anh cho em gửi lời chúc đến một người nữa nhé?

- Người yêu à?

- Không, chỉ em yêu cô ấy thôi. Em “sợ” cô ấy lắm!

- Sợ như thế nào?

- Em cũng không biết nữa. Cô ấy nói thế nào em cũng làm theo.

- Trước khi bị bắt, Luyện đã ngỏ lời cùng cô ấy chưa.

- Em không dám nói. Cô ấy tên Thanh Tâm ở Lục Nam (Bắc Giang), cách nhà em mấy km, vừa tốt nghiệp THPT. Em chúc cô ấy đậu đại học…

Lê Văn Luyện: “Qua Công lý & Xã hội, em xin gửi lời cảm ơn đến “thầy” Vũ Khắc Quyết, cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang vì đã quan tâm, động viên những khi gia đình, người thân em lâu chưa vào thăm gặp…”


Kỳ II:  Bất ngờ Lê Văn Luyện “tấn công” báo chí!

Nguyễn Trung Thành