ĐH Việt Nam không có mặt ở các bảng xếp hạng nổi tiếng thế giới
Chia sẻ với Báo Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kiểm định giáo dục, TS Vũ Thị Phương Anh cho biết, hiện nay, chỉ có hai tổ chức xếp hạng đại học có uy tín của thế giới mà trường đại học nào có cơ hội lọt vào những bảng xếp hạng này có thể thấy “mát mặt”, đáng tự hào.
Bảng xếp hạng đại học hàng đầu thế giới danh giá nhất là Times Higher Education World University Rankings do tạp chí Times Higher Education (Vương quốc Anh) hợp tác với Thomson Reuters. Năm nay, bảng xếp hạng đại học hàng đầu thế giới 2012-2013 chưa được tổ chức này công bố, nó sẽ được công bố vào ngày 3/10/2012.
|
Bảng xếp hạng các trường ĐH nổi tiếng thế giới của tạp chí Times Higher Education.
|
Times Higher Education chỉ xếp hạng 400 đại học hàng đầu thế giới, Việt Nam chưa bao giờ dám mơ lọt vào top 400 đại học này. Năm ngoái, ĐH đứng đầu bảng xếp hạng này là California Institute of Technology (Mỹ).
Điều đáng nói là rất nhiều đại học của các nước châu Á cũng có mặt trong bảng xếp hạng này ở top 200: ĐH Tokyo của Nhật xếp thứ 30, xếp thứ 34 là ĐH Hồng Kông, ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc) xếp thứ 49, ĐH Kyoto của Nhật xếp thứ 52, xếp thứ 53 là Pohang University of Science and Technology của Hàn Quốc... Các nước này có rất nhiều ĐH lọt top 200 chứ không kể đến top 400.
Cũng theo TS Vũ Thị Phương Anh, bảng xếp hạng đại học danh giá thứ hai là Academic ranking of world universites do ĐH Thượng Hải (Shanghai Jiao Tong University) tổ chức đánh giá. Cách xếp hạng này chủ yếu dựa vào đánh giá học thuật của ĐH. Năm nay, đứng đầu bảng xếp hạng này là ĐH Harvard. ĐH học này luôn giữ vị trí số một trong 10 năm nay tại bảng xếp hạng này.
|
Bảng xếp hạng ĐH theo học thuật nổi tiếng thế giới do ĐH Thượng Hải (Shanghai Jiao Tong University) tổ chức đánh giá.
|
Trong những “anh tài học thuật này”, châu Á có ĐH Tokyo của Nhật Bản đứng ở vị trí 20. Năm nay là năm đầu tiên có 5 ĐH của Trung Quốc lọt vào top 500 đại học của bảng này. Hồng Kông và Đài Loan có 42 ĐH lọt top 500.
Việt Nam cũng không có ĐH nào lọt top 600 của QS
Trong khi đó bảng xếp hạng QS World University Rankings của Công ty Quacquarelli Symonds (Anh) sở dĩ cũng nổi tiếng vì QS đã từng hợp tác với tạp chí Times Higher Education để xếp hạng đại học. Tuy nhiên, từ năm 2010, tạp chí Times Higher Education đã ngưng hợp tác với QS và tạo ra phương pháp đánh giá mới, với sự hợp tác của Thomson Reuters.
QS có vẻ như cũng chiều lòng “khách hàng” châu Á khi vẽ thêm xếp hạng riêng cho các ĐH châu Á để có nhiều hơn tên các ĐH châu Á có mặt ở bảng xếp hạng của QS.
QS có ba bảng xếp hạng riêng, bảng thứ nhất là Xếp hạng 600 ĐH thế giới (Việt Nam không có ĐH nào lọt top này), bảng thứ hai là Xếp hạng 300 ĐH châu Á (VN có ĐH Quốc gia Hà Nội thuộc hạng 201-250 của bảng xếp hạng này), bảng thứ ba là Xếp hạng ĐH Mỹ - Latin.
|
ĐH Quốc gia Hà Nội có mặt trong bảng xếp hạng phụ của QS. |
Không đáng tự hào khi được xếp hạng ở Webometrics
Với xếp hạng của Webometrics (http://www.webometrics.info/en/world) thì đây chỉ là xếp hạng website của các cơ sở giáo dục đại học trên toàn thế giới, không phải là xếp hạng đại học (
có tên ĐHQG Hà Nội đứng thứ 1051 của thế giới).
Theo TS Vũ Thị Phương Anh, không có gì đáng tự hào về xếp hạng của Webometrics cả! Những trường có vị trí cao theo xếp hạng của Webometrics là những trường có trang web tốt xét theo chỉ số tác động đối với cộng đồng và đây là những trang web cung cấp dồi dào các thông tin khoa học.
TS Vũ Thị Phương Anh nhận định, khi nào ĐH Việt Nam có mặt trong những bảng xếp hạng danh giá của thế giới thì mới nên tự hào, còn nếu không, hãy tập trung vào phát triển đại học để khỏi tụt hậu với các nước trong khu vực.
GS Nguyễn Văn Tuấn (Úc) từng chia sẻ: “Có thực sự cần đặt mục tiêu để chỉ có một cái tên trong danh sách "top 200" hay "top 500" hay không? Theo tôi thì không. Mục tiêu chính hiện nay là xây dựng được một nội lực hay và tạo động lực cho nghiên cứu khoa học, tạo môi trường tự do học thuật, và đầu tư vào cơ sở vật chất”.