(VOV) -Mức giá cao ngất ngưởng của sừng tê giác là một trong những nguyên nhân dẫn đến bi kịch của tê giác trên thế giới hiện nay.
Ngày 20/9, Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam, phối hợp với WWF-Việt Nam và Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Tê giác Thế giới tại Công viên Bách Thảo, Hà Nội.
Được khởi xướng bởi Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Nam Phi (WWF-Nam Phi) vào năm 2010, Ngày Tê giác Thế giới (22/9) đã trở thành một sự kiện toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức cho mọi thành phần trong xã hội và tăng cường hợp tác để cùng chung tay bảo tồn các quần thể Tê giác ít ỏi còn lại trên hành tinh chúng ta.
Phát biểu khai mạc, PGS-TS Nguyễn Bá Ngãi - Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Việt Nam đã từng là một trong những quốc gia có tê giác sinh sống. Sự kiện cá thể tê giác được cho là cuối cùng ở Vườn Quốc gia Cát Tiên bị giết hại vào năm 2010 là một bài học về bảo tồn các loài hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng. Nhu cầu sử dụng sừng tê giác là nguyên nhân chính dẫn đến tê giác đang ngày đêm bị săn lùng và buôn bán trái phép xuyên quốc gia với sự tham gia của các tổ chức tội phạm quốc tế. Để chung tay với các nỗ lực chung trên toàn cầu, trong thời gian qua, Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để tăng cường công tác thực thi pháp luật và nâng cao nhận thức trong xã hội để đấu tranh với tình trạng buôn bán trái phép các loài hoang dã.
Tại Nam Phi trước năm 2008, số lượng tê giác bị săn bắn trái phép chỉ ở mức trên dưới 10 cá thể, nhưng từ năm 2008 tới nay, số lượng tê giác bị chết do săn bắn trái phép đã tăng lên từ vài chục đến vài trăm cá thể một năm. Theo số liệu báo cáo, chỉ tính riêng trong năm 2011, Nam Phi đã mất 448 cá thể tê giác và trong thời gian từ tháng 1- 6/2012, con số này đã là 251 cá thể.
Theo TS A. Christy Williams - Chuyên gia về Tê giác và Voi của WWF, “Loài Tê giác trên thế giới đang bị những kẻ săn trộm, thương nhân và người tiêu dùng tấn công để lấy sừng. Hiện chỉ còn lại một vài quần thể nhỏ Tê giác Java và Sumatra, loài động vật thời tiền sử này có nguy cơ biến mất vĩnh viễn nếu như không có các biện pháp để gia tăng số lượng các cá thể, ngăn chặn việc săn bắn trộm và buôn bán bất hợp pháp sừng tê giác”.
Mức giá cao ngất ngưởng của sừng tê giác ở châu Á cho dù gây ra bởi quan điểm sai lầm rằng sừng tê giác là một phương thuốc hữu hiệu hay bởi sở thích lỗi thời là muốn treo sừng tê giác trên tường làm chiến lợi phẩm thì cũng đều là nguyên nhân dẫn đến bi kịch của tê giác Nam Phi.
Sừng tê giác không phải là để treo trên tường hay để làm dược phẩm như suy nghĩ sai lầm của nhiều người, mà chúng thuộc về các các thể tê giác khỏe mạnh sinh sống trong sinh cảnh tự nhiên của chúng.
“Ngày Tê giác Thế giới là một cơ hội để xua tan câu chuyện hoang đường về sừng tê giác”, bà Laura Stone - Tham tán Kinh tế, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam nói.
Vào tháng 8/2012, WWF và TRAFFIC đã phát động chiến dịch toàn cầu kêu gọi chính phủ các nước hành động chống lại việc buôn bán trái phép các mẫu vật hổ, ngà voi, sừng tê giác.
Tại Việt Nam, tổ chức WWF và TRAFFIC sẽ phối hợp với các ban ngành có liên quan hưởng ứng chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về bảo tồn tê giác và kêu gọi các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp thực thi pháp luật mạnh mẽ để ngăn chặn tận gốc buôn bán trái phép sừng tê giác.
Được biết, Biên bản Hợp tác về Bảo tồn đa dạng sinh học với nội dung chính là ngăn chặn, kiểm soát buôn bán trái phép mẫu vật Tê giác giữa Việt Nam và Nam Phi đã được Chính phủ hai nước thông qua và dự kiến sẽ được ký kết trong năm 2012./.