- Những án mạng đau lòng xuất phát từ xích mích, xô xát sau khi va chạm giao thông không còn là chuyện hiếm ở trên đường phố. Thay vì lời xin lỗi, giải thích nhẹ nhàng là thái độ sửng cồ, côn đồ để rồi kẻ phải bỏ mạng người còn lại dính vào vòng lao lý.
>> Kẻ giết người do va chạm giao thông ra đầu thú
>> Bắt 1 nghi can vụ 'giết người từ va chạm giao thông'
>> Hà Nội: Án mạng từ va chạm giao thông
"Ra đường sợ nhất "yêng hùng đường phố""
Vụ án xảy ra gần đây nhất là vào khoảng 20h30 tối 6/9 ở khu vực chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân, Hà Nội). Theo lời anh anh Nguyễn Mạnh Hà (SN 1985, ở Thái Bình), vào thời gian trên, anh đi xe máy đến chợ Phùng Khoang thì va chạm với xe của 1 thanh niên khác.
Lời qua tiếng lại, 2 bên xảy ra mâu thuẫn, xô xát. Sau đó, cả 2 đều gọi thêm các “chiến hữu” đến giúp sức. Trong lúc xô xát, đánh nhau, anh Nguyễn Ngọc Đạt (SN 1982, ở Hà Đông, Hà Nội), bạn của anh Hà, đã tử vong, còn anh Hà cũng bị thương nặng.
Hiện trường vụ án mạng khiến anh Nguyễn Ngọc Đạt tử vong |
Đây chỉ là 1 trong số rất nhiều vụ án khi va chạm giao thông, nạn nhân không bị chết vì tai nạn mà bỏ mạng vì câu chửi.
Chị Hà (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Giờ sợ nhất là ra đường va chạm với cậu thanh niên choai choai hay những anh côn đồ có bia, rượu trong người. Nhiều lần tôi đã chứng kiến những màn chém nhau tóe máu giữa phố vì lỡ quẹt phải xe của các "yêng hùng" rồi”, tâm lý của chị Hà cũng là tâm lý chung của nhiều người tham gia giao thông hiện nay.
Đối tượng Lê Ngọc Đạt (SN 1988, trú tại Q.8, TP. HCM) cũng vừa ra đầu thú sau khi ra tay sát hại dã man 1 thanh niên vào đầu tháng 6/2012 chỉ vì va chạm giao thông nhỏ nhặt trên đường.
Vào 21h đêm 4/6, sau khi ăn nhậu xong, Đạt chở Trần Hoài Bảo (SN 1987), đi về. Khi đến trước bưu điện Chợ Lớn, Q.5 xe của Đạt va chạm với xe gắn máy do anh Dương Huy Tài (SN 1991, ngụ Q.11) điều khiển chở bạn cũng vừa đi nhậu về.
Đối tượng Lê Ngọc Đạt và Trần Hoài Bảo |
Khi va chạm, 2 bên cự cãi rồi lao vào ẩu đả. Khi anh Tài cùng bạn bỏ chạy thì bị Đạt và Bảo rồ ga truy đuổi. Hậu quả là anh Tài đã bị đánh dẫn đến tử vong.
Khi xảy ra vụ án, nhiều người dân đã can thiệp, truy đuổi theo thì Đạt chở Bảo tẩu thoát. Ngồi phía sau, Bảo dùng roi điện bấm ra tia lửa điện để uy hiếp quần chúng, “mở đường máu” thoát thân.
Không chỉ nam giới có chút “hơi men” trong người dẫn đến mất kiểm soát hành vi mà khi người tham gia giao thông là nữ giới cũng có những câu chuyện đáng buồn.
Đang lưu thông, bỗng xe của Nguyễn Thị Thảo Uyên (SN 1994, trú tại quận 3, TP.HCM) và Trương Thị Thanh Xuân (SN 1990) va phải nhau. Trong lúc lời qua tiếng lại, Uyên đã rút dao đâm chết đối thủ ngay trên đường.
Tối ngày 17/12/2011, Xuân điều khiển xe gắn máy chở em họ lưu thông trên đường Lê Văn Sỹ (TP.HCM). Khi đến cầu Lê Văn Sỹ, xe gắn máy của Xuân và xe của Uyên va chạm. Cả hai đã xông vào cãi vã nhau. Được một lúc, Xuân cùng em lấy xe máy bỏ đi.
Do vẫn ấm ức nên Uyên dựng xe lên và đuổi theo Xuân để cãi vã. Xuân lúc đó đã dùng mũ bảo hiểm đánh Uyên liên tiếp. Bực mình, Uyên rút dao đâm liên tiếp gần chục nhát khiến Xuân tử vong.
Hành xử côn đồ trên đường phố đang là vấn nạn
Hành xử côn đồ, bạo lực sau khi va chạm giao thông nhẹ trên đường đã trở thành 1 vấn nạn ở các thành phố lớn. Về vấn đề này, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm, giám đốc Trung tâm đào tạo và ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt (quận Phú Nhuận, TP.HCM) đã chia sẻ với VietNamNet: “Những vụ án mạng xuất phát từ những va chạm giao thông nhỏ trên để lại những hậu quả xã hội rất đau lòng”.
Theo bà Tâm, những nạn nhân trong các vụ án mạng có thể họ là lao động chính, là trụ cột trong gia đình. Khi gia đình mất đi người thân không chỉ là nỗi đau đớn về tinh thần mà còn mất chỗ dựa về kinh tế, xã hội mất đi một lao động.
Những gia đình có con là hung thủ cũng bị tổn thất lớn về vật chất (đền bù hay chi phí chữa trị cho người bị hại), tổn hại về mặt tinh thần khi con cái họ phải đối mặt với pháp luật.
Thậm chí, chính những vụ án kiểu này đã khiến tâm lý người đi đường lo lắng, bất an, mất niềm tin vào đồng loại, vào xã hội mà họ đang sống.
Theo Thạc sĩ Tâm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng đau lòng trên. Con người ngày nay chịu sức ép rất lớn về thời gian, căng thẳng thậm chí là rất stress trong cuộc sống.
Khi ra đường họ muốn đi một cách nhanh nhất để giải quyết công việc, khi va chạm giao thông do bị căng thẳng áp lực sau 1 ngày làm việc mệt nhọc họ không làm chủ được cảm xúc, hành vi của mình. Họ sẵn sàng “bùng nổ” sẵn sàng gây hấn, mắng chửi người va quẹt vào mình, rất dễ mất bình tĩnh.
Nếu con người hiểu biết pháp luật, trưởng thành và mạnh mẽ trong suy nghĩ, sống có mục đích và biết ý nghĩa đời sống của họ, họ sẽ rất trân trọng cuộc sống của mình và người khác, với những chuyện nhỏ như va chạm trên đường, họ có thể giải quyết một cách êm đẹp.
Thạc sĩ cũng nhấn mạnh về việc tuyên truyền, phổ biến luật giao thông, văn hóa ứng xử, ý thức… cho các em học sinh.
“Theo tôi, cần có các phương pháp truyền tải các luật, quy định giao thông 1 cách đơn giản, dễ hiểu cho các em, tránh nhồi nhét cho các em những bài học khô khan, khó hiểu. Ngày xưa, trẻ con thường được dạy bằng các bài vè, bài thơ, bài hát…rất dễ nhớ, dễ thuộc.
Tôi có người bạn nay đã ở tuổi sáu mươi ông vẫn còn đọc vanh vách 1 bài thơ về luật giao thông ông được dạy khi tiểu học. Đó cũng là tác dụng tích cực của việc dạy luật giao thông bằng những bài vè, bài thơ ngộ nghĩnh, súc tích”, thạc sĩ cho biết.
P.Lan
>> Kẻ giết người do va chạm giao thông ra đầu thú
>> Bắt 1 nghi can vụ 'giết người từ va chạm giao thông'
>> Hà Nội: Án mạng từ va chạm giao thông