Thứ hai, 24/9/2012, 11:22 GMT+7

‘Rút ngắn bậc phổ thông sẽ tiết kiệm 10.000 tỷ đồng'

"Cần phải đổi mới quan niệm, coi giáo dục phổ thông chỉ là công cụ, các em ra đời có thể học tiếp. Tiểu học không cần nhiều môn, phổ thông rút ngắn còn 11 lớp", nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ trả lời VnExpress.
> Nỗi buồn của bạn trẻ về giáo dục Việt Nam/ 'Giáo dục Việt Nam đến lúc phải lột xác'/ '20 tuổi có thể tốt nghiệp đại học'

- Từng nhiều năm làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục, ông nhận xét gì về dự thảo Đề án đổi mới giáo dục sắp trình Hội nghị trung ương 6?

- Tôi mới nhận được dự thảo Đề án đổi mới giáo dục của Bộ GD&ĐT cách đây vài ngày. Tôi đọc xong và bất ngờ bởi toàn bộ nội dung đề án chưa có gì đổi mới cả, vẫn là những cái cũ được nhắc lại như chuyển giáo dục sang mô hình mở, xây dựng mô hình học tập suốt đời, đào tạo liên thông…Những điều này đã nói từ lâu rồi, không còn mới mẻ gì nữa. Cái quan trọng là học tập suốt đời làm như thế nào thì lại không được nói đến.

Thực trạng của nền giáo dục đã có nhiều chuyên gia phân tích. Đó là sự nặng nề, cồng kềnh, không đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, không hội nhập được. Nhiệm vụ của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục một cách tổng quát phải đổi mới theo hướng xây dựng cả nước thành xã hội học tập theo tinh thần nghị quyết trung ương 9.

Trước đây chưa có xã hội học tập nên phải dồn ép học sinh học mọi thứ, coi đó là nồi cơm, để các em ra đời kiếm sống. Giờ xã hội học tập, việc dồn ép là không cần thiết bởi kiến thức là vô cùng rộng lớn, không thể trong một khoảng thời gian nhất định mà học hết được.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng muốn đổi mới căn bản, tòan diện nền giáo dục, trước hết những người lãnh đạo ngành phải thay đổi tư duy. Ảnh: Hoàng Thùy.

- Vậy theo ông, nhiệm vụ đầu tiên của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là gì?

- Muốn đổi mới giáo dục thì trước hết phải đổi mới tư duy những người làm công tác quản lý hệ thống giáo dục. Đó là đổi mới quan niệm, coi giáo dục phổ thông chỉ là công cụ, để học sinh ra đời có thể học tiếp. Thực tế cho thấy, sinh viên học ở đâu ra cũng phải lăn lộn, học tiếp mới có thể làm được việc.

Tiểu học không cần học nhiều môn mà phải tích hợp. Có thể một bài văn mà qua đó học sử. Ví như sự kiện Hai Bà Trưng, khi làm văn thì ra đề về hai bà nổi dậy đánh giặc Hán thì vừa học văn vừa học sử. Hay đất nước ta có bài Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau, vừa học văn vừa học địa. Đó là tích hợp kiến thức, tích hợp môn, để học sinh không cần học nhiều môn như hiện nay và cảm thấy học nhẹ nhàng.

Xưa chương trình phổ thông tăng từ 9 năm, đến 10 năm, 12 năm… Quan điểm của tôi điều này không đúng. Giáo dục phải rút ngắn thời gian đào tạo để người ta nhanh chóng ra đời phục vụ. Khi cấp 3 rút một năm, một triệu học sinh bớt được một năm học là đã tiết kiệm cho xã hội 1 triệu năm. Mỗi em một năm ăn tiêu hết 10 triệu đồng, khi rút một năm sẽ tiết kiệm cho xã hội một số tiền không nhỏ trong lúc đất nước còn khó khăn.

Hơn nữa, khi giáo dục phổ thông còn 11 năm sẽ giải quyết được một số vấn đề như quá tải, tạo điều kiện cho học sinh học 2 buổi một ngày. Số lượng giáo viên và cơ sở vật chất vốn dành cho học sinh của ba năm cấp 3, nay chỉ còn 2 năm sẽ cho kết quả tốt hơn.

Cấp 3 cũng nên phân loại thành ba trường, đào tạo học sinh giỏi vào đại học, đào tạo nghề tương đối phức tạp và đào tạo nghề đơn giản. Học sinh ở mỗi nơi hoàn toàn có cơ chế chuyển hóa linh hoạt, và việc đánh giá được thực hiện trong cả quá trình.

Hiện cao đẳng chúng ta cũng có đủ loại, từ cao đẳng nghề (do Bộ Lao động quản lý), cao đẳng chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục quản lý. Điều bất hợp lý là sao Bộ Lao động sử dụng lao động lại cũng giành đào tạo? Tại sao không dùng một hệ thống cao đẳng thôi?

Hệ đại học cũng không nhất thiết phải 4 năm, kiến thức nào không cần thì bỏ, và học tín chỉ cho phép năm kết thúc. Như vậy, nếu làm tốt thì đại học chỉ cần 3 năm, phổ thông rút một năm, học sinh có thể ra đời năm 20 tuổi. Với tư duy bây giờ, giới trẻ thông minh hơn ngày xưa nhiều lắm, chúng hoàn toàn có thể ra đời sớm, tiết kiệm cho xã hội 2 năm.

- Các bước tiếp theo của quá trình đổi mới giáo dục sẽ là gì thưa ông?

- Có đổi mới căn bản hệ thống như trên thì mới có thể đổi mới các lĩnh vực khác. Cụ thể, trong hệ thống đó, phải sắp xếp lại hết tất cả mọi thứ. Không nên quan niệm tất cả học sinh đều phải đại học hết. Mâm cơm cũng phải có cá, thịt, rau, trong xã hội không phải cứ đại học hết mới làm cho xã hội phát triển.

Sau khi đổi mới hệ thống, ngành giáo dục không thể dùng bài ca cũ để áp vào dạy nữa mà phải thay đổi chương trình, nội dung, phương pháp. Ngành giáo dục phải xác định trang bị cho học sinh những công cụ cơ bản nhất là ngoại ngữ, công nghệ thông tin.

Tiếng Anh trong nền giáo dục nước ta như leo cột mỡ. Trong khi kinh nghiệm cho thấy ở hội nghị quốc tế, trong chính trường không đạt được thỏa hiệp nhiều, nhưng nếu biêt tiếng, nói chuyện ngoài hành lang sẽ đạt được nhiều hơn. Mình không biết tiếng Anh mình sẽ thua tất cả các nước.

Ông Lý Quang Diệu (Thủ tướng đầu tiên của Singapore) đã giải thích nguyên nhân nước ông giàu là vì: "Điều đầu tiên tôi dạy ngoại ngữ cho người dân, họ đi khắp thế giới lấy tiền về cho đất nước tôi. Nước tôi nói tiếng Anh nên toàn thế giới đến giao dịch với tôi, tôi móc túi họ đem về cho nước tôi”. Câu nói đó tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất thâm thúy và là bài học sâu sắc.

Chúng ta không nên bảo thủ phải dạy tiếng Anh cho trẻ từ lớp 3 bởi trí óc của trẻ phát triển, tiếp thu rất sớm. Độ tuổi vàng để tiếp thu kiến thức là từ 0 đến 6 tuổi, đặc biệt là 0 đến 3, vậy tại sao phải áp đặt dạy ở lớp 3?

Về phương pháp, ở Singapore, một lớp cao đẳng 24 em. Sáng đến thầy hướng dẫn học bài gì, lên mạng lấy tài liệu ra sao, rồi chia nhóm làm đề tài chiều báo cáo. 6 nhóm chia nhau công việc để hoàn thiện bài tập, em này thuyết trình thì em kia bổ sung, như vậy là thuộc hết. Ở mình thì lên lớp là thầy nói, học sinh không nghe, cuối kì mới kiểm tra thì các em chỉ học vẹt, đối phó. Giờ phải học cách dạy tiên tiến ở các nước, đánh giá thường xuyên để các em học một cách hứng thú.

Chương trình, nội dung, phương pháp đã thay đổi thì đánh giá cũng phải thay đổi. Đánh giá hiện nay mang tính thời điểm. Học bao nhiêu năm cũng chỉ có thi học kỳ, tốt nghiệp, đại học, độ may rủi rất lớn. Nếu đánh giá thường xuyên thì học sinh sẽ học thường xuyên và đánh giá cả thời kì thì thật chất, thúc đẩy người học hơn.

- Nhà xuất bản Giáo dục mới đây vừa nhập khẩu sách giáo khoa Toán của Pháp, ông bình luận gì về việc này?

- Có nhiều người cho rằng hiện nay giáo dục đang quá tải và học 12 năm mới đủ. Tôi không đồng tình với ý kiến này, vì nếu nói như vậy thì 20 năm cũng không đủ. Từ đổi mới hệ thống giáo dục, nội dung các môn học cũng phải thay đổi, cái gì cần thì dạy, không thì bỏ, thế nên sách giáo khoa cũng cần viết lại cho phù hợp hơn.

Ý kiến độc giả VnExpress.
Ý kiến độc giả VnExpress.

Tôi có đứa cháu học lớp 3, nhưng có tới 17 quyển sách toán. Tôi xem qua và rất buồn khi đa số đều xào xáo bát nháo. Tôi cho rằng phải đổi mới chuyện này, viết sách cụ thể, tâm huyết hơn. Có thể nhập khẩu sách từ nước ngoài về, xem nội dung nào phù hợp thì dịch ra, có những cái có thể áp dụng nguyên xi, tuy nhiên cũng có nội dung cần chọn lọc và bổ sung kiến thức cho phù hợp.

Hoàng Thùy thực hiện

Ủng Hộ

Không ủng hộ!

Xin hỏi: 1) Bao nhiêu nước có hệ đào tạo 10 hay 11 năm? Chiếm tỉ lệ bao nhiêu phần trăm? Có phải là số đông so với hệ 12 năm? Nước ta sẽ tham gia số đông hay số ít các nước? 2) Nếu theo hệ 10 hay 11 năm thì 1 người ra đời lúc 16-17 tuổi? Lúc đó hết tuổi trung học nhưng lại chưa đủ tuổi công dân là 18 tuổi. Có phải là 1 sự lệch pha hay ko? 16-17 tuổi đã đủ tuổi vào đời chưa? Đã đủ tuổi vào đại học chưa? Nếu học xong trung học lúc 16-17 tuổi mà muốn đi du học tại các nước hệ 12 năm thì phải chờ? 3) Chúng ta cải cách giáo dục bằng cách giảm năm thì tại sao lại ko giảm tải chương trình, giảm gánh nặng học hành, tăng chất lượng giáo dục? 4) Các sinh viên VN đào tạo 12 năm rồi thêm nhiều năm đại học ra trường còn chưa làm được việc, vậy thì có cần thiết rút bớt thời gian học tập hay ko? trong khi não bộ con người có trình tự phát triển và khả năng tiếp thu nhất định rồi!

Quá hay

Sao mà hay và chính xác thế. Cảm ơn bài viết này.

10.000 tỉ tiết kiệm!

Có rất nhiều thứ khác có thể tiết kiệm được nhiều hơn rất nhiều con số 10.000 tỉ, nên mở rộng tầm tìm kiếm nguồn tiết kiệm hơn là cắt xén sự học của con em chúng ta.
Hệ thống giáo dục Hoa Kỳ là tiên tiến nhất, hiệu quả nhất hiện nay, họ vẫn đang giữ hệ 12 năm. Với học sinh Việt Nam học 12 năm, học xong kiến thức còn rất nhiều chỗ hổng. Và, nhân cách được hình thành từ 3 năm học cấp 3 từ tuổi 16-18 là thời kỳ vô cùng quan trọng của đời người. Sau đó định hướng nghề nghiệp sẽ đủ chín chắn hơn. Thử xem, bỏ bớt các kỳ thi tập trung vô bổ, kém hiệu quả, hình thức và đầy tính đối phó sẽ tiết kiệm được bao nhiêu?

Thử xem, có thể nâng cấp giáo dục Đại học, song hành với giáo dục hướng nghiệp để người đủ tuổi công dân có được việc làm ổn định, thích hợp với nghề mình được đào tạo thì sẽ tiết kiệm được bao nhiêu so với việc một số vào trường Đại học môt vài năm nhưng không theo học tiếp được, bỏ học hoặc một số ra trường nhưng không có được việc làm tự nuôi thân thì hiệu quả ở đâu?
12 năm học là vô cùng cần thiết và quan trọng, không nên thay đổi. Vấn đề ở đây là ngành giáo dục cần phải làm nhiều hơn nữa trong việc mang kiến thức cơ bản, đầy đủ hơn nữa để sau khi tốt nghiệp phổ thông các con em của chúng ta đã có thể đầy đủ phẩm chất của một người công dân đúng nghĩa.
Mong được sự tiếp thu ý kiến.

Ủng hộ.

Xin ủng hộ ý kiến của bác. Cháu hiện tại đang học ở Đức và thấy mô hình đào tạo của họ rất hay. Họ không đặt nặng quan điểm phải vào đại học, bởi với bằng đào tạo nghề và với những kĩ năng nghề được dạy, họ cũng đã thừa khả năng để kiếm việc làm và nuôi sống bản thân. Học nghề cũng có học nghề "cử nhân", rồi nếu muốn có thể học lên cao hơn, kiểu học nghề cấp "cao học". Nhưng ở VN thì tại sao cứ phải học đại học mới được, để rồi đẻ ra bao nhiêu cái đại học ma, chất lượng thấp kém? Vấn đề thứ hai cháu nghĩ VN cần thay đổi, cần làm mạnh tay hơn nữa, ấy là vấn đề học thêm. Nhìn em cháu học bây giờ mà như mất đi tuổi thơ. Ngày nào cũng đến 9h30 đêm mới về nhà, cuống cuồng ăn cơm rồi lại chuẩn bị bài sáng mai đi học tiếp. Muốn có một ngày đưa e đi xem phim, ăn uống mà cũng không có. Học toàn những thứ cao siêu, Toán nâng cao, Lý nâng cao để làm gì khi mà sau này nó không dùng đến??? Cháu xin đóng góp ý kiến là nên cho trẻ em xác định hướng học từ năm lơp 9 ( như bên Đức đang làm). Các em có thể chọn hướng ngành nghề sau này mình theo như là khoa học tự nhiên, xã hội, học nghề,... Từ đó các em sẽ chỉ phải học những thứ cần thiết cho hướng đi của các em sau này. Ai học nghề thì được đào tạo theo hướng nghề mà các em định học, ai định học đại học ngành tự nhiên thì học các môn tự nhiên và giảm nhẹ một số môn khác, học xã hội ngược lại,...

Nói dễ làm khó

Ý tưởng hay, bậc học phổ thông trước đây ngoài bắc học 10 năm, miền nam học 12 năm, nay muốn đổi 11 năm bình quân giữa 2 miền đây, vấn đề này không phải là nhỏ vì muốn thay đổi một việc đã hình thành từ lâu thì không phải dễ.

Tôi kể một chuyện rất đơn giản là hiện nay giáo viên ko được dạy thêm ở nhà, chuyện này đã nói rất lâu rồi nhưng hiện nay vẫn còn và biến dạng ra nhiều hình thức, tôi có đứa cháu học lớp 6 đầu năm làm bài kiểm tra chất lượng môn văn thì bị cô giáo cho 0 điểm, tôi thấy rất lạ vì đứa cháu vẫn làm được bài có mở bài, thân bài, kết luận, nếu làm sai đề thì ít nhất cũng 1, 2 điểm, tôi có hỏi cháu kể ở lớp nhiều bạn bị 0 điểm, sau đó cho đi học thêm cô giáo đó thì điểm của cháu tôi rất cao. Ở lớp của cháu tôi không chỉ có môn văn mà còn có nhiều môn khác nữa. Còn nếu không học thêm giáo viên đó thì các bạn biết kết quả như thế nào rồi! Do đó vấn đề không phải là học bao nhiêu năm và hình thức học như thế nào mà là đạo đức của ngành giáo dục. Vấn đề thứ 2 tôi muốn đưa ra là tôi có 2 đứa cháu cách nhau 4 tuổi, nhưng đứa nhỏ không bao giờ sử dụng được sách của anh nó, vì sách cứ đổi liên tục, do đó phải mua sách mới thì mới học được, trong khi trước đây khi tôi học tôi không hề mua một quyển sách giáo khoa nào, tất cả thư viện trường cho mượn.

Rút ngắn thời gian học phổ thông

Tôi rất đồng tình với ý kiến của bán Nhĩ.

CHUẨN

Ủng hộ không hoàn lại. Theo tôi thì lý thuyết hạn chế lại, và nâng cao môn thực hành. Vì có học mà không hành thì ngồi ngó thôi. Với lại lý thuyết giảng dạy như thế nào mà sau khi học áp dụng được thực tế thì còn gì tuyệt bằng. Nói thật là chương trình học khi mang ra ngoài áp dụng thì ko bao nhiêu, chủ yếu nghề dạy nghề là chính. Mong các chuyên gia góp ý với bộ. Thứ hai Trung cấp, Cao Đẳng, Đại học mỗi cấp chỉ một mà thôi , nào là trung cấp nghề, trung cấp chính quy, cao đẳng nghề, cao đẳng chính quy, đại học , đại học mở..nhiều loại hình quá.

Ủng hộ cả hai tay!

Nguyên Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ nhận xét rất thật, rất hay và rất chuẩn không cần chỉnh.

Bài viết là một ý kiến rất hay

Bác Trần Xuân Nhĩ viết rất đúng. Bậc học phổ thông theo tôi chỉ 10 năm thôi. Có những kiến thức khi vào đại học theo từng chuyên ngành mà học tiếp và nghiên cứu tiếp cho ngành đó.

Tiết kiệm cho gia đình, cho xã hội đấy

Trước năm 1975 ở Miền Bắc nếu tính cả năm vỡ lòng cũng chỉ 11 năm, vậy theo tôi ủng hộ ý kiến của ông Nhĩ. Bớt 1 năm giáo dục phổ thông sẽ tiết kiệm được rất nhiều cho xã hội. Trước hết tiết kiệm cho cha mẹ phụ huynh, sau đó tiết kiệm cho Nhà nước, cho xã hội, giảm giáo viên, giảm cơ sở vật chất trường học. Xã hội sẽ tăng lao động vì các em sẽ đi làm sớm hơn 1 năm, thay vì 12 năm phổ thông, 4,5 Đại học là 16,5 năm cộng với 6 năm tuổi là 22,5 tuổi mới tốt nghiệp đại học và đi làm thì này là 21,5 tuổi các em đã có thể đi làm nuôi bản thân rồi. Thực chất 12 năm giáo dục phổ thông chúng ta tham lam quá, bắt các em học nhiều môn, nhiều món quá. Mà có những môn, những món các em có thể học bằng nhiều cách và thời gian khác nhau

Rất ủng hộ

Hoàn toàn hợp lý

góp ý thời gian học phổ thông

Ủng hộ quan điểm của bác

Không ủng hộ rút ngắn thời gian bậc phổ thông.

HOAN HÔ VỊ CỰU TT CÒN ĐẦY TÂM HUYẾT

Hy vọng mọi thứ đều hay không cần sửa hoặc sửa ngay không cần chờ. Mong ngày đất nước vinh quang mọi người cùng hưởng.

Ủng hộ đề xuất này!

Thực chất của đề xuất này là quay lại GDPT hệ 10 năm.Khi mà lớp 1 không là lớp vỡ lòng.Tuy nhiên tôi vẫn ủng hộ sự quay lại này.Còn tiết kiệm hoặc tiết kiệm bao nhiêu để các chuyên gia chiến lược GD tính toán.Cái chính là con người chịu sự giáo dục phổ thông hệ 11 năm này đủ điều kiện học tiếp hoặc một công dân có ích cho cộng đồng.Thực tế là cha ông thế hệ bây giờ đều trải qua hệ GD này.Họ đều là những người làm việc tốt,thậm chí nhiều người là lãnh tụ...Còn đổi mới để thích nghi với kiến thức mới thì vô cùng trong khi năng lực con người lại bị mai một ...

Nên lắng nghe ý kiến phản biện trước đã

Nếu cải cách mà đạt được hiệu quả như vậy thì đáng làm lắm, hiện nay bậc phổ thông là 12 năm nhưng tôi vẫn thấy học sinh phải học thêm quá nhiều, khi rút ngắn xuống còn 11 năm liệu sức ép có lại đè nặng lên vai các em học sinh về việc học thêm và chi phí dành cho học thêm của các em cũng sẽ gia tăng hay không? Chúng ta cũng nên xem xét về vấn đề này, nếu giảm được cái này mà phình cái kia thì việc cải cách cuối cùng cũng chẳng có tính đột phá mà cứ trong vòng luẩn quẩn.

Nhất trí ở một vài quan điểm

Tôi cũng có cùng ý nghĩ như a Đức. Hiện nay cứ giữ mức độ 12 năm, tuy nhiên cũng phải vận dụng ý kiến của bác Nhĩ như "lồng ghép các môn để tránh học sinh phải học nhiều, bỏ bớt nội dung học tập; tăng cường đẩy mạnh học tín chỉ cho các bậc đại học để thúc đẩy sinh viên có thể hoàn thiện chương trình sớm đối với những cá nhân xuất sắc". Quan trọng nhất đối với nền giáo dục hiện nay thực hiện nhằm giảm tải chương trình, tăng cường chất lượng giáo dục cho các cấp học; kiên quyết, nghiêm khắc đối với bệnh thành tích và các căn bệnh tiêu cực hiện nay (học thêm được điểm cao, không học thêm thì giáo viên cho điểm thấp...).

Ý kiến của bạn

 
 Thay hình khác
  
Off Telex VNI VIQR
 
Link Site
SMS DTDH 2011

 Tra điểm thi theo SBD hoặc Họ tên:

Top 100         Top 200         Top 300

 
 
 
 
Lien he quang cao