Chỉ tính riêng trong tháng 9, mỗi ngày hai bệnh viện sản Từ Dũ và Hùng Vương phải liên tục đón trung bình 400 “rồng con”. Công việc nhiều đến nỗi có nhân viên bệnh viện òa khóc khi không chịu nổi áp lực quá căng thẳng.
Đau nhiều mới được vào sinh
9h sáng 26.9, phòng nhận sinh Bệnh viện Hùng Vương chật kín người. Các bà bầu mệt mỏi ngồi đợi gọi tên vào phòng chờ sinh. Cả bệnh nhân lẫn bác sĩ đều tất bật để đón “rồng con”. Ngay lối ra vào của phòng nhận sinh, Bệnh viện Hùng Vương phải đặt bảng thông báo về việc bố trí giường ngoài hành lang cho một số bệnh nhân mới nhập viện hoặc chuyển khoa. Người nhà của nhiều bà bầu tay xách nách mang đồ đạc tới phòng nhận sinh cứ đứng tần ngần, lo lắng trước bảng thông báo này.
Các sản phụ nghe hướng dẫn chăm sóc “rồng con” tại Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM
“Trước đây sản phụ “mở” 1-2 phân là được vào phòng chờ sinh. Bây giờ quá tải, có khi sản phụ đã “mở” đến 3-5 phân và đau bụng quá mới được nhận vào phòng chờ sinh. Lên đó cũng không có chỗ nằm, phải ngồi như ở phòng nhận sinh” - bác sĩ Trịnh Tuyết Anh cho biết. Đúng như lời bác sĩ Tuyết Anh, tại phòng chờ sinh của bệnh viện không còn một chiếc giường trống, phải kê thêm giường hoặc ghế bố ngoài hành lang. Thế nhưng vẫn có một số bà bầu phải ngồi ghế chờ, không thể kiếm đâu ra một chiếc giường.
Bác sĩ Tuyết Anh cho biết ngay cả phòng hậu phẫu vốn là hành lang, do quá tải nên phải lắp thêm cửa và biến thành phòng hậu phẫu. “Vậy mà vẫn không đủ chỗ cho bà bầu nằm sau mổ bắt con”, bác sĩ Tuyết Anh phàn nàn.
Cũng ngày 26.9, trước cửa và trong phòng cấp cứu Bệnh viện Từ Dũ đông không kém Bệnh viện Hùng Vương. Bàn tiếp nhận thai phụ vào phòng cấp cứu liên tiếp nhận thai phụ vào đăng ký sinh. Một thai phụ vừa nhăn nhó vừa gọi điện thoại cho người nhà: “Bụng con đau rồi nhưng bác sĩ vẫn chưa cho nhập viện”. Chị cho biết sáng khám thai cho chị xong, bác sĩ bảo khi nào có những cơn đau liên tục mới được nhập viện sinh.
Sản phụ, bác sĩ... mệt phờ!
Tại khu E Bệnh viện Từ Dũ, các phòng nằm sau sinh từ tầng trệt đến tầng 2 đều chật kín sản phụ. Hành lang tại các tầng khu E cũng được tận dụng kê thêm hai dãy giường. Chị My (23 tuổi, Q.Tân Phú) kể chị sinh con đêm 25.9 được chuyển ra nằm ở hành lang. Nhân viên y tế nói đợi có người ra viện mới có chỗ nằm trong phòng. Sinh xong vừa mệt mỏi vừa đau đớn nhưng chị không thể chợp mắt nghỉ ngơi, nằm ở hành lang lúc nào cũng có người qua lại, ồn ào.
Khoa phụ sản Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM có 200 giường nhưng lúc nào cũng đầy bệnh nhân. Bác sĩ Lê Văn Hiền cho biết năm nay số ca sinh tại khoa tăng đột biến, bắt đầu từ tháng 6.2012 khoa luôn “kẹt” phòng. Theo bác sĩ Lê Văn Hiền, gần đây các bác sĩ trong khoa phải trực đêm rất nhiều, hầu như chẳng có ai nghỉ phép, căng thẳng và mệt mỏi hơn, nhưng ai cũng phải ráng làm để các “rồng con” được chào đời an toàn.
Ở Bệnh viện Hùng Vương, người ta phải bố trí nhiều dãy ghế nhựa tại khu vực hành lang dành cho người nhà sản phụ nhưng vẫn không đủ chỗ. Một ông bố trẻ ngủ gục bất ngờ ngã từ ghế ngồi xuống hành lang. Đâu đó lao xao tiếng cười. Ông bố tỉnh dậy cười ngượng nghịu nói vợ nhập viện bốn ngày vẫn chưa sinh được. Mấy ngày liền anh phải ngủ trên chiếc ghế nhựa bé xíu tại hành lang này. Vợ phải nằm trên ghế bố trong phòng chờ sinh.
Trong ngày 12.9, khoa sinh Bệnh viện Hùng Vương đạt đến con số kỷ lục: 200 ca sinh/ngày. “Hôm đó anh em chúng tôi mệt phờ người. Đang đỡ cho người này người khác đã vào. Bác sĩ chạy như con thoi, chẳng có thời gian thở. Thậm chí các xe đẩy cho bé sơ sinh nằm cũng kín chỗ. Sáng hôm sau mọi người nhìn nhau, không nói được lời nào vì mệt” - bác sĩ Trịnh Tuyết Anh than thở.
Sản phụ đông nghẹt tại Bệnh viện Từ Dũ (ảnh chụp chiều 30.9)
Kêu trời
Bác sĩ Phạm Thanh Hải - phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Từ Dũ - cho biết từ đầu năm 2012 số ca sinh hằng ngày tại bệnh viện tăng liên tục từng tháng. Cụ thể, tháng 1 và 2 trung bình mỗi ngày có 136 ca sinh, qua tháng 3, 4, 5 và 6 trung bình mỗi ngày có 143-155 ca sinh. Sang quý 3-2012, số ca sinh bắt đầu “vọt” lên, tháng 7: 166 ca/ngày, tháng 8: 180 ca/ngày, sang tháng 9 “đột biến” số ca sinh với hơn 200 ca/ngày (trong đó có 90-100 ca sinh mổ). Bệnh viện có 26 bàn sinh, 70 giường chờ sinh và giường sinh nhưng luôn có 100 thai phụ chờ sinh tại phòng sinh. Thai phụ chờ sinh đau đớn nhưng do thiếu giường chờ nên phải ghép 2 người/giường.
Theo bác sĩ Thanh Hải, dự báo quý 4.2012 số ca sinh sẽ còn tiếp tục tăng cao vì đây là “mùa sinh”. Do số ca sinh tăng mạnh, bệnh viện phải giảm phẫu thuật những bệnh phụ khoa (hạn chế số ca bệnh mổ chương trình, không biến chứng) và nội soi để tăng cường phục vụ các thai phụ sinh “rồng con”.
Bác sĩ Nguyễn Văn Trương - giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - cũng lắc đầu mệt mỏi nói năm rồng đã đẩy số ca sinh liên tục tăng từ tháng 4.2012 đến nay, khiến nhân viên y tế nhiều lúc bị kiệt sức. Từ đầu năm đến hết tháng 8.2012, bệnh viện tiếp nhận hơn 31.000 ca sinh. Chỉ riêng tháng 8 đã tiếp nhận gần 4.800 ca, tăng hơn 27% so với tháng 8-2011.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Trương, các bệnh viện bình thường cho bệnh nhân xuất viện mỗi ngày một lần nhưng Bệnh viện Hùng Vương phải cho xuất viện ngày ba lần: sáng, trưa, chiều. Bệnh viện có 26 bàn đỡ sinh, bốn phòng mổ sinh, khi có 26 sản phụ sinh cùng lúc, đó là chưa kể số ca mổ sinh cấp cứu nhiều quá bốn thai phụ thì có thể xảy ra tình huống rất khó xử.
Thực tế cho thấy có ngày phải thực hiện tám ca mổ bắt con và cả tám ca phải nằm yên trên bàn mổ, không thể chuyển ra phòng hồi sức. Không có chỗ “giải tỏa” sản phụ sau mổ sinh con, nhân viên phòng mổ phải cầu cứu ban giám đốc. Quá bế tắc, bệnh viện phải động viên gia đình đưa sản phụ xuất viện sớm, dù họ mới sinh mổ được hai ngày.
Trong chín tháng năm nay, khoa phụ sản Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM tiếp nhận 8.745 ca sinh, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại các bệnh viện đa khoa khu vực ở các cửa ngõ TP.HCM như Thủ Đức, Củ Chi, khoa sản cũng phải tiếp nhận các ca sinh tăng nhiều so với năm trước. Tại Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi, từ đầu năm đến nay tiếp nhận 4.298 ca sinh, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng thời gian này, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức tiếp nhận 2.152 ca sinh, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo thống kê (tại 10 bệnh viện tuyến tỉnh, 23 bệnh viện tuyến quận huyện và các nhà hộ sinh) sáu tháng đầu năm 2012 của Trung tâm Sức khỏe sinh sản TP.HCM, toàn TP đã tiếp nhận 82.911 ca sinh là thai phụ của TP.HCM, tăng 11.000 ca sinh so với cùng kỳ 2011. Do số ca sinh thường tập trung nhiều vào quý 3, quý 4 nên dự báo số ca sinh sẽ còn tăng rất cao trong thời gian tới.