Cẩu thả kiểu... báo mạng
Cập nhật lúc :10:58 AM, 02/10/2012
Cuối cùng, thì dư chấn về vụ "Bố chồng tòm tem con dâu, cả hai dính nhau" đã được hạ nhiệt. Mẩu tin bịa đặt ấy đã được một trang báo mạng lột xuống, kèm theo vài dòng đính chính.

Lâu lắm rồi, mới thấy giới làm báo mạng bị "hố" nặng như vậy. Người viết tin đó bịa đã "tài", thì một số "cây bút" khác, ngồi ở tòa soạn báo mạng khác điểm tô thêm phần râu ria cho thông tin ấy thành bài viết phản ánh, tường thuật "như đúng rồi" còn "siêu tài" hơn…

Sòng phẳng thừa nhận, báo mạng có lợi thế hơn báo in về nhiều mặt, sức lan tỏa thông tin cũng mạnh hơn báo in vì tính thời điểm.

Thế nhưng, dân làm truyền thông lẫn độc giả đã từng được chứng kiến những pha “lột, gỡ - gỡ, lột” của các trang báo mạng, như là minh chứng cho thói quen làm báo cẩu thả, vô trách nhiệm.

Đó là không kể đến, nhiều trang báo mạng, chuyên trang thông tin… lấy bài vở từ các tờ báo khác, để cắt, ghép, thay tít bài… biến một sản phẩm báo chí thành cái thể loại "không thể định hình". Sau đó, cho xuất hiện trên chính trang báo của mình để câu người xem.

Lướt báo mạng…

Dễ nhận định nhất giữa báo mạng và báo in, chính là cách đặt tít bài rất khiếp. Điều này, có thể là không đúng với một vài ấn phẩm báo chí vừa xuất hiện trên thị trường. Đơn cử một số trang:

Mục “Xã hội” của một chuyên trang mạng, có những bài được dẫn nguồn lại, tít như sau:

Cuộc tình tay ba của nữ sinh viên bị cắt cổ; Anh đâm thủng tim em trước mặt mẹ; Lời khai của kẻ giết hai mẹ con bạn gái;  Sàm sỡ bất thành, sắm dao xử góa phụ; Hai em bị hai anh ruột cưỡng bức đến có thai…

Trang G. có những bài:

Rùng mình sát thủ lột toàn bộ da mặt, mũi, lỗ tai của nạn nhân; Tử hình kẻ giết vợ, cắt ngực rồi vứt xác xuống sông; Vụ ném chết con 17 ngày tuổi: Nỗi đau người vợ lấy phải chồng cuồng dâm; Con trai chủ nhà hàng bị giết, ném xác xuống bồn xi măng…

Trang Z. có:

Tự cắt của quý để chứng minh lòng chung thủy; Bà lão "ký sinh" trên vỉa hè nửa thế kỷ "đòi" hiến xác; Cây ba gốc một ngọn biết giải hạn cho người ở Đồng Nai; Người đàn bà tuyệt sắc của tướng cướp Phước tám ngón.

Trang P. có các bài:

Chia tay cả Tây lẫn ta vì chứng co thắt âm đạo; Kinh nghiệm thương đau khi yêu bằng miệng thiếu hiểu biết; Tan vỡ vì chồng nằng nặc đòi quan hệ bằng miệng; Không nên dễ dãi chiều người yêu bằng miệng... (Tôi hồ nghi, một số người làm nội dung trang báo mạng này bị chứng ám ảnh dục tính, cụ thể là ám ảnh oral sex - (kích thích bằng miệng - NNH).

Và hàng loạt những trang báo mạng khác, từ "tự xưng chính thống" cho đến "sinh sau đẻ muộn" đều có cùng kiểu đặt tít lẫn sự thích thú khi khai thác các đề tài liên quan đến “cướp - hiếp - giết”.

Đơn giản, ngay cả thể loại "Ba mẹo cạo vi-ô-lông vùng kín không đau đớn", các nhà báo mạng "vĩ đại" còn nghĩ ra để cho xuất hiện trên trang báo của mình, thì chuyện gì mà họ không thể làm được.

Không hề thua kém các "đồng nghiệp", trang t…online, vốn dĩ xưa giờ được biết đến bởi những bài văn hóa có dẫn nguồn, thì nay đã bắt đầu “vén áo, xắn tay” hăm hở lao vào cuộc trường chinh "khốc liệt" mang tên "Giết - cướp - hiếp", một số bài trên t… online:

Sợ dính HIV, khách làng chơi giết tú bà dã man; Nỗi đau để lại vụ ác phụ 17 tuổi giết con; Cướp vàng, anh chồng lên gối vào bụng bầu em dâu; Thiếu nữ cắn lưỡi yêu râu xanh kéo đi 20m; Kinh hoàng những tội ác vì kiêng khem khi vợ ở cữ; Hai ông già quan hệ với bé gái 11 tuổi; Chuyện "lạ" về 8 nữ sinh chết đuối ở hồ Tuy Lai… (8 gia đình mất con em, nỗi đau ngút trời... Vậy mà, một số phóng viên ngồi điểm tô chuyện "lạ". Thói thường, không gì thiếu văn hóa bằng những người tự hóa thân thành kền kền này - NNH).

Đó là chưa kể đến những bài viết có hơi hướm ngồi lê đôi mách, tự tưởng tượng liên quan đến chiếu chăn phòng the, biến thái tự kỷ, đa nhân cách cuồng loạn… Có thể, những người viết ra cái loại tạm gọi là bài báo ấy "lấy chuyện mình để suy chuyện người" chăng (?).

Tôi vẫn quan niệm rằng, truyền thông luôn có sự phát triển khách quan, bất chấp mọi lề luật, cản trở. Tuy nhiên, phát triển khách quan không có nghĩa là sự "xơ cứng về cảm xúc" và "chữ nghĩa tỏa sát khí man rợ" để rồi "cùng nhau tung hô đó là kiểu làm báo mới, thu hút người đọc".

Làm báo kiểu này có khó không?

Để giật một cái tít bài hấp dẫn, trong một vụ án tàn nhẫn nào vừa xảy ra, thường có hai trường hợp. Nhà báo đàng hoàng, sẽ thấu hiểu nỗi đau của gia đình nạn nhân, từ đó kiềm chế dung lượng tư liệu nhằm đảm bảo vẫn đưa đến bạn đọc thông tin chính xác nhưng tránh để gia đình nạn nhân đau đớn thêm lần nữa.

Cái khó của một nhà báo đàng hoàng, là họ không thể triệt tiêu cảm xúc của mình, để dửng dưng trước nỗi đau của bất kỳ một cá nhân nào gặp tai nạn trong xã hội.

Cái dễ của một nhà báo không đàng hoàng, là họ bất chấp mọi thủ đoạn, ngôn từ… miễn sao đưa ra những thông tin tự họ cho là độc đáo.

Tôi vẫn tin rằng, chính bản thân một số nhà báo thừa sức hiểu rõ thông tin mình đưa đến bạn đọc là tởm lợm, không cần thiết… Nhưng họ vẫn cứ làm.

Vấn đề của họ không phải là thông tin, vấn đề của họ chính là lượng truy cập của người đọc vào mẩu tin, bài viết ấy là nhiều hay ít.

Lợi thế của báo mạng chính là, thông tin được xuất hiện trên trang báo có thể nhanh chóng chỉnh sửa, xóa bỏ… nếu thông tin đó không chính xác hoặc xảy ra kiện tụng mà phần lỗi thuộc về trang báo mạng đó.

Từ đây, nảy sinh ra một bộ phận làm báo mạng theo kiểu chụp giật, bốc hốt... Đụng gì cũng viết, chạm gì cũng đưa tin.

Chuyện thật như đùa, được các đồng nghiệp ở miền Tây kể lại.

Phóng viên một trang báo mạng, điều khiển xe gắn máy lưu thông qua cầu Cần Thơ. Có lẽ, hôm đó sông Hậu gió nhiều, nên lên đến giữa cầu, xe của phóng viên hơi chao đảo. Ngay lập tức, phóng viên về bật laptop, căm phẫn viết bài đại khái có nội dung "Cần phải gắn các biển chắn gió, nhằm đảm bảo an toàn cho người lưu thông qua cầu Cần Thơ".

Một chuyện khác mà tôi chứng kiến hơn một lần.

Vụ ẩu đả trên phố, hai người tử vong, một người bị thương nặng. Phóng viên báo mạng suy đoán: "Ông già đi với cô gái trẻ, phải là đại gia. Cậu thanh niên, chắc là bồ của cô gái thấy cảnh bạn gái mình tham tiền đi cặp với đại gia nên điên tiết, đâm cho đại gia vài dao. Đại gia tưởng già nhưng vẫn khỏe, giật được dao đâm lại… Chính xác, không thể nào khác được".

Vậy là bài báo hết sức lâm ly bi đát từa tựa chuyện "Hai người thiệt mạng, một người bị thương nặng bởi mối tình tay ba đầy oan nghiệt" xuất hiện. Đến khi thấy thông tin sai, lập tức "tháo" xuống viết lại, coi như không hề có chuyện gì xảy ra.

Ngay cả một vụ thời sự đình đám như bầu Kiên bị bắt, trang báo mạng lớn nhất nhì Việt Nam còn vô tư làm ra vẻ rất chuyên nghiệp: "...Theo thông tin riêng của XXX, bầu Kiên bị bắt tại TP HCM và di lý ra Hà Nội". Đúng là nguồn tin riêng có khác, chỉ duy nhất trang báo mạng này đưa tin… trật lất.

Thêm vào đó, là model "nhặt lá đá ống bơ, đếm tiền cho người lao động" của một số phóng viên báo mạng. Họ rị mọ ngồi nhẩm tính xem bà bán xôi xéo ngày lời bao nhiêu tiền, ông bán trà đá tháng thu nhập bao nhiêu, cô giúp việc nhà kiếm được mấy triệu một tuần… Sau khi tính toán cẩn thận, họ cho bà bán xôi mỗi tháng kiếm 20 triệu, ông bán trà đá ít hơn chỉ tròm trèm 15 triệu, còn cô giúp việc khoảng 10 triệu một tháng.

Tiếc là tôi không có dịp gặp các đồng nghiệp này, nếu có cơ hội chạm mặt, thế nào tôi cũng hỏi: "Tại sao cho đến giờ anh (chị) vẫn đi làm báo mà chưa chịu chuyển nghề?".

Làm báo kiểu này có khó không, hẳn độc giả đã có câu trả lời(!).

Ý thức người cầm bút

Tôi không rảnh đến độ, bàn về những thứ ba láp ba xàm lề phải lề trái, lề cong lề thẳng, lề dốc lề bằng… như một số anh chị không hiểu gì về báo chí đang ra rả trên các blog cá nhân, Facebook, diễn đàn.

Tôi chỉ cho rằng, chọn nghề báo, tức là đang bắt đầu cuộc chơi chữ nghĩa. Đã chơi với chữ nghĩa, thì phải giữ được tinh thần cao cả và cẩn trọng.

Không ai cao cả và cẩn trọng lại đi cười cợt vào nỗi đau của người khác. Không ai cao cả và cẩn trọng lại "sáng tác thêm những tình tiết rùng rợn" trong sự không may của một gia đình… Không ai cao cả và cẩn trọng mà lại có thể nhẩn nha nhai đi nhai lại như bò nhai rơm khô về một tay sát thủ dưới 18 tuổi mà tội ác làm rúng động toàn xã hội.

Không ai cao cả và cẩn trọng mà có thể cho xuất hiện những bài báo dửng dưng trước sự mất mát của đồng loại. Không thể nói chuyện "thượng tầng", thì đừng cố gắng khiến "hạ tầng" trở nên đầy u ám.

Đã không có được tinh thần cao cả và cẩn trọng, đã không khiến chữ nghĩa chuyển tải cảm xúc… thì thôi, cứ dũng cảm chọn nghề khác mà làm. Chứ ai làm báo mà lại thế. Mỗi cá nhân đâu tự sống cho riêng mình mãi, còn có gia đình, người thân, bạn bè. Trước khi sốt sắng trục lợi từ tang thương của người khác, cũng cố một lần đặt mình vào hoàn cảnh bi ai ấy, để thử xem cảm giác như thế nào(?).

Gieo nhân nào, thì gặt quả đó thôi… Tiền nhân đã dạy như vậy. Bức xúc thì viết, chứ vẫn biết chưa chắc đã thay đổi được điều gì. Bởi hiện tại, "con buôn" đang nhiều và chiếm ưu thế về tài chính hơn… nhà báo(!) 

Theo Công an Nhân dân
Ý kiến của bạn In bài này
Dành cho quảng cáo