11:43 | 04/10/2012

Cảnh sát giao thông làm xe ôm, lái taxi

> Nâng tầm văn hóa cho CSGT

TP - Sau khi trút bỏ bộ cảnh phục cảnh sát giao thông (CSGT), không ít người hành nghề xe ôm, lái taxi hoặc về làm nông để mưu sinh. Đằng sau cái nghề được đánh giá chỉ thích đứng đường và giàu sụ, có những thân phận khó tin...

Trung tá Kiên nén nỗi buồn từ bi kịch gia đình để hoàn thành nhiệm vụ Ảnh: Đình Thắng
Trung tá Kiên nén nỗi buồn từ bi kịch gia đình để hoàn thành nhiệm vụ.  Ảnh: Đình Thắng .

Cha CSGT, con hy sinh, ở nhà thuê

Chiều về trên một ngã tư đường phố Hà Nội, có một bác xe ôm mặt thể hiện sự nhẫn nại đợi khách. Ở một ngã ba khác, một CSGT đang tả xung hữu đột giữ dòng xe ngược xuôi.

Cả hai đều từng là đồng nghiệp, người đã hưu, người vài tháng nữa cũng đến lượt. Trung tá Nguyễn Hữu Kiên (thuộc Đội CSGT số 5 - Phòng CSGT Hà Nội) có gương mặt đen sạm, khắc khổ, vài năm gần đây khá quen mặt với nhiều người gần khu vực đầu cầu Chương Dương (phía Ngọc Thụy - Long Biên).

Ít ai biết, người CSGT dáng cao, kiên nghị ấy đang gánh chịu những mất mát, đến nỗi như anh nói: “Tôi cố làm cho xong vài tháng nữa để về hưu, rồi đưa vợ về quê Hưng Yên làm ruộng. Ở Hà Nội hiện cũng không còn nhà, phải đi thuê”.

“Tôi có đứa con trai sinh năm 1984 là thiếu úy Nguyễn Trường Quân, công tác tại Đội CSGT số 4 hy sinh đầu năm 2011. Sau khi cháu mất, tôi chán chường vô cùng, phải nỗ lực lắm để đi làm việc”, anh Kiên nói.

Số phận dường như thử thách sự kiên cường của gia đình trung tá Kiên. Những tưởng không gì hạnh phúc hơn: Con trai lớn là đồng nghiệp với bố (con làm ở đầu thành phố, bố cuối thành phố trên những tuyến đường huyết mạch), con gái thi đỗ điểm cao vào Khoa Ngoại ngữ và Pháp luật (Học viện An ninh).

Tương lai, cả nhà làm công an. Thế rồi, trong một lần đi tuần tra trên đường Giải Phóng (Hà Nội), một chiếc xe ô tô khách vi phạm luật giao thông đã đâm vào xe máy tuần tra của thiếu úy Quân làm anh tử vong.

Chuyện không dừng ở đó, “con tôi là người chất phác, trước đó đã bị một cô gái lừa phải cắm cả sổ đỏ của bố mẹ”.

Trung tá Kiên đã phải nhờ bạn bè về tận quê cô bạn gái của con trai và phát hiện nhiều sự thực đau đớn, nhưng mọi sự đã muộn: Tưởng được con dâu tốt, ai ngờ phải bán hết gia sản vì nó.

“Người tài xế đâm chết con tôi, nhưng tôi viết đơn xin bãi nại. Còn đứa con gái lừa lọc kia, tôi đã phải kiên quyết để pháp luật trừng trị và hiện đang thụ án 16 năm tù về tội lừa đảo”, anh Kiên chua chát nói.

Vừa mất nhà xong, lại tới mất con trai, tưởng như cú đấm của số phận đã quật ngã người đàn ông trông sương gió này. Bây giờ, hằng ngày, trung tá Kiên phóng chiếc xe máy cà tàng từ nhà trọ (anh bán nhà xong, thuê ở trọ chính nhà mình) tới nơi làm việc, vợ anh vốn thất nghiệp, nay xin một chân tạp vụ nhì nhằng.

An ủi lớn nhất là cô con gái học giỏi tương lai sẽ nối gót bố trong lực lượng CAND.

Chả ai giống như trung tá Kiên, CSGT thường muốn xin ra ngoại thành Hà Nội làm cho thoáng, nhưng đằng này được tạo điều kiện lại từ chối. Đã thế lại xin về chốt trực tại điểm khá vất vả vào giờ cao điểm ngay đầu cầu Chương Dương với lưu lượng phương tiện qua lại hằng ngày lớn.

Ngày CSGT, tối xe ôm chuyên nghiệp

 

Trung tá Nguyễn Hữu Kiên tại chốt trực quen thuộc Ảnh: Bảo Khánh

Ảnh: Bảo Khánh.

Mới về hưu năm 2008, nhưng trung tá Lê Hồng Hà (nguyên CSGT đội 6-Phòng CSGT Hà Nội) chẳng còn “dấu vết” của một người từng làm CSGT. Ông Hà quê Nghệ An (sinh năm 1957), ra Hà Nội học rồi ở lại lấy vợ sinh 2 cô con gái. Cho đến nay, ông vẫn ở cùng bố mẹ vợ.

Gia cảnh hai bên ngoại nội đều khó khăn, 2 con gái đến tuổi ăn, học nên khi còn công tác, ông Hà (lúc đó mang hàm thiếu tá) ngày đi trực, tối về trút bỏ quân phục chạy xe ôm.

Để trấn an cho bản thân, ông tự nhủ thử làm xe ôm chạy đêm biết đâu khám phá ra các vụ cướp. Thế rồi, ông giấu vợ con lẫn đồng nghiệp ra khu vực cây đa nhà bò (trên đường Lò Đúc - Hà Nội) gia nhập đội quân xe ôm.

Mới đầu vì sĩ diện nên ngại không dám mời khách, sau dần quen, ông còn tuyên truyền luật giao thông đường bộ và phòng tránh tội phạm cho “đồng nghiệp” xe ôm.

Những người cùng cảnh cứ mắt tròn, mắt dẹt không hiểu ông xe ôm này mới vào nghề sao hiểu luật pháp ghê thế. Nhiều lần đang hành nghề, gặp đồng đội đang tuần tra kiểm soát trên phố, ông Hà nói dối là chở người nhà ra bến xe, ga tàu.

“Lúc đó, còn 1 năm nữa về hưu, nhưng con bé đầu vào đại học, bé thứ hai học cấp 3, tuy lương khoảng 6 triệu đồng/tháng, nhưng nếu trang trải các khoản thì khó lắm”, ông Hà kể.

Thế rồi, vợ con cũng biết vì địa điểm đứng xe ôm cách nhà không xa, nhưng tất cả nhìn bố, chồng mình với ánh mắt trìu mến hơn. Bố mẹ vợ, và mẹ ruột ông Hà (vẫn ở quê Nghệ An) năm nay đều trên 80 tuổi lúc nào cũng dặn con về hưu rồi, chân tay yếu nhớ chạy xe ôm cẩn thận.

Gia đình bé nhỏ của ông Hà tuy ở trong khu tập thể vài chục mét vuông, nhưng luôn đầy ắp tiếng cười. Các con ông giờ đã trưởng thành, có tháng lương đầu tiên đã biết biếu ông bà và bố mẹ.

Bản thân ông Hà là con một, phải sống cảnh mồ côi bố từ lúc vài tuổi (bố là liệt sỹ ngành công an) nên rất quý trọng cuộc sống gia đình.

Giờ về hưu vài năm, ông Hà đã chuyển vị trí hành nghề sang chỗ khác trên đường Lò Đúc. Cuộc sống tuy không còn chật vật như xưa, nhưng lỡ quen với cách mưu sinh này, giờ làm cho vui là chính.

Còn nữa

Trường hợp của trung tá Nguyễn Hữu Kiên khi được hỏi, hầu như Phòng CSGT Hà Nội đều biết. Nhiều CSGT vẫn chưa quên cảnh trung tá cha đẫm nước mắt chít khăn tang tiễn biệt thiếu úy con. Đội trưởng CSGT số 6 Nguyễn Ngọc Mẽ vẫn nhớ như in hình ảnh thiếu tá Lê Hồng Hà (về hưu mới lên trung tá) hiền lành, lam lũ luôn tận tụy với công việc cho tới khi nghỉ hưu.

 

Đình Thắng

Khó tin
Chuyện khó tin như rắn hổ mây ở rừng u minh.
Công Bình
Cảm động
Đề tài độc đáo. Chúng ta vốn quen những hình ảnh tiêu cực của cảnh sát giao thông, mà quên rằng, bên cạnh đó vẫn còn những tấm gương thầm lặng, những số phận đáng trân trọng.
Nguyễn Vĩnh Nguyên
Hai nét mặt khác nhau
Cứ mỗi lần nghĩ đến việc CSGT phạt người vi phạm giao thông lại hình dung ra 2 nét mặt khác nhau , một người thì mặt tái dại, nhăn nhó rất khắc khổ để xin xin xỏ xỏ , còn một người thì mặt lạnh như đồng tiền . Liên hệ với việc báo chí kể khổ của những anh CSGT này không biết người dân sẽ nghĩ gì? Giờ nghỉ hưu ai chẳng giống ai? Tóm lại nghề CSGT bạc lắm các anh ạ .
thanhbinh
Cam phuc nhung can bo cong an
Toi rat kham phuc nhung tam guong mau muc cua CSGT nhu Anh Kien; anh Ha- Rat mong trong xa hoi ta con nhieu nhung tam guong nhu cac anh de long dan duoc an tam, tin tuong....
Vu xuan doai
Đề tài hay, chân thật
Đề tài mới mà hay. Chân thật, xúc động. Các anh luôn vì nhân dân quên mình
Nguyễn Văn Hùng
Đâu phải tất cả đều xấu
Quê tôi ở Vĩnh Long, tôi cũng đã từng lên TP HCM sống một thời gian và tôi cũng đã từng chứng kiến và trải nghiệm nhiều chuyện tiêu cực của CSGT. Không phải chỉ riêng tôi mà rất nhiều người đều mang tư tưởng CSGT gắn liền với tiêu cưc. Cám ơn tác giả nhiều lắm. Cuộc đời đâu phải tất cả đều xấu xa, mà vẫn còn có những con người nói chung và CSGT nói riêng vẫn sống vì lý tưởng.
Thành thật cám ơn
Nguyễn Văn Công
CSGT làm xe ôm
thật thà thì thường thiệt thòi, âu cũng là số mệnh các anh ạ
DU SAO CÁC ANH CŨNG ĐÁNG ĐƯỢC KÍNH TRỌNG CHÚC CÁC ANH KHỎE VÀ CỐ GẮNG LÊN NHÉ.
người lính
Hi vọng còn nhiều người như thế
Hy vọng trong ngành công an vẫn còn có nhiều người trong sạch thật sự như các anh.Chỉ tiếc cho các anh một điều rắng các anh quá nghèo nên phải chấp nhận về hưu sớm
huỳnh HIếu Quốc
Muốn đọc nhiều bài viết về gương tốt của các anh
Cám ơn tác giả. Tôi hết sức cảm động khi đọc bài báo về tấm gương tận tụy, quên mình vì công việc của các anh. Tôi thấy tiếc vì những tấm gương tốt ít khi được nói đến, mà báo chí chỉ nhạy với những thông tin tiêu cực thôi (tôi cảm thấy như vậy). Rất mong chính phủ có chính sách đãi ngộ xứng đáng cho những người đã và đang hết mình vì sự bình yên của nhân dân. Cám ơn các anh công an nhiều lắm.
Nguyễn Sáu Tâm
Các tin khác