Nobel văn chương cho Mạc Ngôn
TTO - Tác giả người Trung Quốc quen thuộc với độc giả Việt Nam, Mạc Ngôn, đã được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải thưởng danh giá nhất cho giới nhà văn, Nobel văn học, ngày 11-10, theo The New York Times.
Phần thưởng hiện vật cho ông trị giá 8 triệu kronor Thụy Điển, tương đương 1,2 triệu USD.
|
Mạc Ngôn - Ảnh: AP |
Mạc Ngôn, tên thật là Quản Mạc Nghiệp, sinh năm 1955 tại huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Thời thơ ấu, ông phải bỏ học tiểu học vì cách mạng văn hóa và tham gia lao động nhiều năm ở các vùng nông thôn trong điều kiện sống tồi tệ. Năm 1976, Mạc Ngôn nhập ngũ. Năm 1984, ông trúng tuyển vào khoa văn của Học viện nghệ thuật Quân giải phóng Trung Quốc, bắt đầu con đường văn nghiệp. Ông viết văn chuyên nghiệp từ năm 1987.
Từ khi công bố tác phẩm đầu tiên đến nay, Mạc Ngôn đã in tổng cộng trên 200 tác phẩm thuộc nhiều thể loại, tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, ký, phóng sự, tùy bút… Hiện Mạc Ngôn là sáng tác viên bậc một của Cục Chính trị, Bộ Tổng tham mưu quân đội Trung Quốc.
Trong tuyên bố trao giải, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã ca ngợi những tác phẩm của Mạc Ngôn “với thứ chủ nghĩa hiện thực đầy ảo giác pha trộn giữa truyện kể dân gian, lịch sử và văn chương hiện đại làm rung động lòng người”.
Ông nổi tiếng nhất với hai tiểu thuyết làm cốt truyện cho bộ phim trứ danh của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, Cao lương đỏ. Mạc Ngôn cũng được ca ngợi là Franz Kafka và Joseph Heller của Trung Quốc.
Giống như nhiều nhà văn hiện đại Trung Quốc, Mạc Ngôn tập trung sức lực cho những vấn đề của xã hội và chịu nhiều ảnh hưởng từ các đại văn hào Lỗ Tấn và Gabriel Garcia Marquez. Hình ảnh và nhân vật trong tác phẩm của ông thường rất phức tạp, nhiều tầng ý nghĩa, Mạc Ngôn thu hút độc giả vào những vũ trụ hỗn loạn, đẹp và như nhìn qua kính vạn hoa của ông. Nhiều câu chuyện của Mạc Ngôn cũng được sáng tác dựa trên bối cảnh quê nhà, thành phố Cao Mật.
Hàng loạt tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng Việt, bao gồm Châu chấu đỏ, Người tình nói chuyện mộng du (tạp văn), Trâu thiến, Ma chiến hữu, Hoan lạc, Bạch Miên hoa, Báu vật của đời, Cây tỏi nổi giận, Đàn hương hình…
Trong tiểu thuyết Ếch, Mạc Ngôn kể về truyền thống trọng nam khinh nữ ở Trung Quốc, dẫn tới việc phá thai và bỏ mặc những bé gái kéo dài tới ngày nay ở nhiều vùng nông thôn. Ếch là câu chuyện kể về một cô vợ lẽ ở nông thôn Trung Quốc bị buộc phải phá thai và triệt sản.
Trước khi giành giải Nobel, Mạc Ngôn cũng đã được trao nhiều giải văn chương uy tín khác trong và ngoài nước như giải Kiriyama năm 2005, giải Fukuoka 2006, giải thưởng văn chương châu Á 2007 và giải văn học Mao Thuẫn - giải danh giá bậc nhất ở Trung Quốc.
Ông Peter Englund, thư ký thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển, nói họ đã liên lạc với nhà văn trước khi công bố trao giải. “Ông ấy nói ông ấy rất vui mừng và sợ hãi” - Englund cho biết.
Mạc Ngôn không phải là nhà văn Trung Quốc đầu tiên được giải Nobel. Tác giả Cao Hành Kiện, một người Trung Quốc sống ở Pháp, từng được trao giải Nobel năm 2007. Bút danh của ông, Mạc Ngôn, có nghĩa là “không nói”.
HẢI MINH