- Dạy học sinh, cô Diệu Lý không bao giờ phải phạt và cách đó cùng không bao giờ nằm trong phương pháp dạy học của cô. Bên cạnh việc chắt chiu mỗi hành động, việc làm của mình để dạy học sinh, cô Diêu Lý còn chắt chiu từng phần tốt, dù rất nhỏ của học sinh để tích lũy cho các em động lực để tiến bộ. Thế nên sau 30 năm làm nghề, cô luôn cảm nhận sâu sắc “nghề giáo có hậu”.
TIN LIÊN QUAN:
"Nếu một đứa trẻ luôn biết suy nghĩ trước khi làm thì khi vào đời sẽ không cần một quy tắc nào trong xã hội.” |
Không bao giờ phạt học sinh
Cách đây không lâu, một học sinh bị chứng tăng động khiến giáo viên đứng lớp rất vất vả nhưng con không tiến bộ. Cô giáo chủ nhiệm rất áp lực. Xuống lớp, giao bài cho con, con chỉ làm qua loa rồi chạy nhảy khắp lớp. Cô Lý quyết định xắn tay cùng cô giáo chủ nhiệm. Theo cách của cô Lý, cô chủ nhiệm không cho con làm những bài tập như các bạn trong lớp nữa. “Cô hạ tiêu chí xuống thật thấp, đến mức không thể tưởng tượng được. Con không cần viết hết bài, chỉ cần 3 dòng thôi, cô hãy cho con điểm 10 luôn.”- cô Lý kể lại.
Tất nhiên cô giáo không đồng ý ngay và còn trăn trở mãi về điều đó. Nhưng được cô Diệu Lý động viên, cô chủ nhiệm đồng ý phê điểm 10 đỏ chói vào trang vở chỉ có mỗi một dòng đúng của con.
Cô Diệu Lý kể lại: “Cậu bé sung sướng đến run cả người. Hóa ra mình cũng có thành tích. Con về khoe ầm ĩ với bố mẹ. Ngày mai, con phấn khởi làm thêm những bài khác. Rồi cứ thế tăng dần lên. Hàng ngày, cô giáo chăm chút, ghi nhận từng sự tiến bộ của con. Cuối năm con thi được điểm 8. Bố mẹ và cô giáo mừng rơi nước mắt.”
Trường hợp như vậy con vẫn ngoan, và chỉ cần cô giáo kiên trì, đồng hành cùng con mỗi ngày một chút là con đã có thêm rất nhiều động lực để vượt qua khó khăn. Nhưng lo nhất là đặc tính trẻ con, đôi khi các con hư mà không biết là mình hư. Hoặc chính cách cư xử của bố mẹ thì con lại càng thích làm như thế để gây sự chú ý.
“Có lần học sinh của mình đập phá. Mọi người ra can, nhưng càng can nó càng đập. Thực tế, con đập để mọi người chú ý và can ngăn. Mình ra lệnh: “Tất cả mọi người vào hết đi, không ai được nhìn ra. Mình cứ đứng đấy và nhìn nó, không làm gì cả. Đứng để nó biết rằng cô biết con đang đập. Đập mãi rồi con cũng chán. Lúc nó ngừng đập phá rồi mình mới nói chuyện với con.”- cô Lý dẫn chứng một “pha” học sinh gây ra.
Thậm chí, đã có những trường hợp thót tim: “Có con ngày nào đến trường cũng khóc thét rồi gọi điện về nhà, than ở trường khổ, như một cái nhà tù… Mẹ lại đến đón về. Hôm đó, mình không cho mẹ chiều con và đưa con về như vậy nữa. Mình giữ nó ở lại trường.
“Bạn có biết nó làm gì không? Con giơ kéo ra. Mọi người xông vào cầm kéo, giằng con ra. Mình bảo: “Không. Mọi người giằng ra làm gì. Con cầm kéo chứ có gì đâu mà sợ. Thứ nhất, con mà đâm mình, nếu đâm nhẹ thì nó chảy máu rồi sẽ lành. Đâm mạnh thì nó chảy hết máu, con chết thì do nó làm, nó phải chịu chứ ai làm?”
“Thế là thôi, cậu đứng im đó, không dám đâm mình nữa. Mình biết tâm lý của nó là đang muốn dọa mọi người. Nhưng sau đó cậu lại ra đâm vào tường. Mình bảo: “Bảo vệ, bắt ngay. Nó đâm hỏng tường, bắt nó gọi ngay công an ra, cho vào tù. Rồi gọi bố mẹ đến để đền nhé!” Lần này thì cậu chịu thua rồi. Lúc này mọi người mới vào và giằng được kéo ra khỏi tay cậu.
Những tưởng cô Lý là một cô giáo có tinh thần thép hay lạnh lùng. Nhưng không, xử lý một tình huống đứng tim như thế, cô phải thực sự nắm được tâm lý của đứa trẻ và cố gắng bình tĩnh. Giải quyết tình huống nào, cô Lý cho rằng, còn phải quan tâm đến hậu quả phía sau. Theo cô, trẻ con biết rằng người lớn lo lắng cho nó, làm thay nó. Vậy thì hãy để trẻ tự chịu trách nhiệm về việc làm của mình thì nó sẽ phải có ý thức hơn.
Cô Lý tâm sự: “Mình luôn đặt ra nguyên tắc con làm gì cũng phải biết suy nghĩ rồi mới làm. Bất kỳ một lỗi gì của trẻ, mình không bao giờ phạt, đặc biệt trước mặt các bạn khác. Mình chỉ nhắc nhở hoặc lờ nó đi. Sau đó mình gọi con ra và nói chuyện như một người lớn. Dù con kể nguyên nhân gì khiến con làm thế, mình đều đứng về phía con. Nhưng sau đó mình luôn hỏi con: “Còn giải pháp khác không? Thông minh tức là phải tìm ra nhiều giải pháp khác nhau. Trong những cách đó, cách nào tốt nhất.” Mình phân tích hậu quả và dạy con suy nghĩ trước khi làm. Theo mình, nếu một đứa trẻ luôn biết suy nghĩ trước khi làm thì khi vào đời sẽ không cần một quy tắc nào trong xã hội.”
“Nghề giáo có hậu”
Hơn 30 năm trong nghề, cô giáo Vũ Thị Diệu Lý vẫn nguyên vẹn một niềm đam mê dạy học. Cô tâm sự: “Bây giờ, lúc nào mình cũng muốn vào lớp, muốn gặp gỡ học sinh.”
Niềm đam mê của cô xuất phát từ tâm niệm “nghề giáo rất có hậu”. Từ bản thân cô đã được hưởng sự có hậu của nó ngay từ khi còn đi học. Lời phê của người thầy năm xưa trong sổ học bạ : “Lý là cô bé có nhiều triển vọng” đã tiếp thêm động lực, sự tự tin và thôi thúc cô gái trẻ luôn hoàn thiện mình.
Cô cũng hưởng sự có hậu đó từ nhà sư phạm lỗi lạc, giáo sư Hồ Ngọc Đại. Người thầy này đã bồi đắp thêm niềm đam mê dạy học và khơi dậy những triển vọng của cô mà ông nhận thấy.
Từ những người thầy ấy, tâm niệm tìm ra những điểm tốt, dù rất nhỏ của học sinh để ghi nhận, để cho các em một động lực, một niềm tin vào bản thân và cố gắng trở thành một trong những phương châm dạy học của cô.
Ba mươi năm làm nghề dạy học, cô Diệu Lý cũng trải qua những ngày tháng khốn khó nhất của người giáo viên vào những năm 80. Nhiều đồng nghiệp của cô đã bỏ nghề vì không chịu nổi khổ cực nhưng trái lại, ngày ấy, cô Lý lại tự nhận mình và các đồng nghiệp trong trường Thực nghiệm “như con thiêu thân” với nghề dạy học.
“Được tiếp nhận những học thuyết, phương pháp dạy học mới mẻ của GS Hồ Ngọc Đại, tất cả giáo viên chúng tôi đều bị thuyết phục và thực sự là “say như điếu đổ”.”- cô Diệu Lý chia sẻ niềm đam mê nghề nghiệp cháy bỏng khi đó.
Vì thế, cái có hậu lớn nhất cho đến hôm nay là hơn 30 thế hệ học sinh đã đi qua đời cô. Bên cạnh 30 thế hệ đó cũng là 30 thế hệ phụ huynh. Vui sướng nhất khi có những phụ huynh nói với cô rằng: “Con chỉ được học cô một năm thôi nhưng con cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc.”
Chắt chiu từng chi tiết nhỏ trong nghề để tích lũy lại thành kho vàng phương pháp dạy học, dạy làm người, dạy cách sống cho học trò, hôm nay, khi làm quản lý, cô Diệu Lý cho biết, đó cũng là cách để cô đào tạo những thế hệ giáo viên mới.
“Khó khăn về vật chất, tiền bạc chỉ là khó khăn trước mắt thôi. Nhưng nhìn về lâu dài, nếu hôm nay mình tích lũy, mai kia mình sẽ trở thành chuyên gia. Mà lúc đó thì mình chỉ muốn được đến trường, đi dạy. Nghề sẽ mang lại cái hậu cho mình.”- nhà giáo Vũ Thị Diệu Lý nói một cách hạnh phúc.
- Nguyễn Hường
MỜI VIẾT BÀI VỀ NHỮNG THẦY CÔ ẤN TƯỢNG Bạn đọc thân mến! Trong cuộc sống, các bạn đã được học hành hay gặp gỡ những người thầy, người cô có phương pháp giáo dục tốt, cách dạy dỗ đặc biệt, truyền cảm hứng và khát vọng cho mình. Để chia sẻ những bài học, kinh nghiệm và cảm xúc của mình về những người thầy - người cô, mời bạn đọc tham gia viết bài cho chủ đề này. Bài viết bằng tiếng Việt có dấu, không quá 1.200 chữ, có thông tin đầy đủ về tác giả và nhân vật được đề cập. Bài được chọn đăng sẽ hưởng chế độ nhuận bút của tòa soạn. Bạn đọc gửi về theo địa chỉ: [email protected]. Cảm ơn các bạn |