Phê bình phim ru ngủ trên cái “tôi” khoe chữ

- Đạo diễn Lan Phương cho rằng người viết phê bình phim không thể ru ngủ trên cái "tôi" khoe khoang chữ nghĩa, dẫn đến cách nhìn lệch lạc đối với điện ảnh.

TIN BÀI KHÁC

Với người trong nghề, công việc phê bình phim có lẽ là câu chuyện dễ đưa người ta về thế… phòng ngự bởi sự tế nhị và tính gây tranh cãi của nó. Sau vài đề nghị phỏng vấn mà không nhận được sự hợp tác từ một số đạo diễn, VietNamNet nhận được sự đồng ý của đạo diễn Lan Phương, một tên tuổi nổi bật của dòng phim tài liệu độc lập VN ở nước ngoài. 


Đạo diễn Lan Phương, tác giả của nhiều phim tài liệu độc lập gây tiếng vang như “Khóc mướn”, “Make-up cho người chết”…

Rất bận rộn vì đang trong thời điểm một mình gồng gánh nhiều dự án phim tài liệu cá nhân lẫn hợp tác với đồng nghiệp Pháp, chị cho biết vẫn cố gắng mỗi ngày ít nhất một lần lướt báo và để mắt tới trang điểm phim của nhật báo. Bởi báo chí với chị “là kênh cập nhật kiến thức giúp các nhà làm phim tài liệu tạo hình ý tưởng làm phim, dù nhiều lúc cần phải kiểm chứng lại. Chị sẵn sàng chia sẻ một cách thẳng thắn câu chuyện phê bình bằng am hiểu và kinh nghiệm sau nhiều năm làm nghề tại VN lẫn tại Pháp.

Sự nhầm lẫn giữa hai thế giới

Xét trong điều kiện lý tưởng, thì một nền phê bình điện ảnh hùng mạnh sẽ có ích thế nào cho ngành công nghiệp làm phim, thưa chị?

- Theo tôi được biết. Tương tự như nước ta  các nhà sản xuất và các hãng phim ở các nước tân tiến trên thế giới, họ đều rất coi trọng việc tổ chức họp báo cho bộ phim vừa hoàn thành và nó được đánh giá là một trong những công đoạn cuối để kiểm chứng ghi nhận ý kiến khách quan đại diện cho khán giả thông qua cảm nhận từ các nhà phê bình phim. Ở đó,  các nhà làm phim có thể nhận được sự chỉ trích và phân tích từ các chuyên gia phê bình và giúp cho việc sửa chữa kịp thời cho bộ phim mang đến chất lượng cao hơn,  dẫn đến việc truyền bá nhằm thu hút lượng khán giả lớn của loại hình nghệ thuật này trước khi đi kịch bản PR cho việc chính thức ra mắt bộ phim. Đừng quên, một câu chuyện điện ảnh được bán ra thì nó cũng là hình ảnh một nền văn hoá, một quốc gia và là một loại tiêu thụ mà các nước có nền điện ảnh tiên tiến thấu hiểu.

Vấn đề nào có lẽ cũng cần được xem xét đến yếu tố con người. Theo chị, báo chí VN đã có hay chưa một đội ngũ ký giả phê bình phim chuyên nghiệp theo đúng nghĩa của nó?

- Thế theo bạn thì như thế nào là một nhà báo chuyên viết phê bình phim chuyên nghiệp? Điện ảnh cần những lời phê bình và nếu không có nó thì khó có thể hoàn hảo được. Nhưng cũng vì thế chúng ta cần phải hiểu đúng nghĩa chức năng của nhà báo viết phê bình phim theo cách này, nếu không chúng ta sẽ đi đến nhầm lẫn và không phân biệt được giữa hai thế giới, đâu thuộc về điện ảnh và đâu thuộc về truyền thông. Sự khác biệt giữa một nhà phê bình phim chuyên nghiệp được xem như một chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh hoặc một nhà báo đơn thuần thể hiện rõ như sau:

Chuyên gia phê bình điện ảnh họ là những người có khả năng cảm nhận tốt, kiến thức tốt (bao gồm ba yếu tố chính đó là phân tích, lý luận phê bình đánh giá) và định hướng khán giả theo góc độ chuyên môn mang tính giáo dục về thẩm mỹ của điện ảnh. Với tính khách quan đó, họ giúp cho bộ phim tốt hơn.

Và một điều chắc chắn là họ đa phần là những người nghiên cứu sâu rộng về chuyên môn như: Văn chương, nghệ thuật biểu diễn, lịch sử nghệ thuật, nghệ thuật hình ảnh và nghe nhìn…Công việc của họ được xem là một hoạt động đóng góp to lớn trong thế giới điện ảnh, và là một công cụ marketing, một sản phẩm truyền thông cần thiết và rất hiệu quả đối với lĩnh vực văn hoá, kinh tế điện ảnh nói riêng. Trong khi đó các nhà báo đơn thuần nặng về tính phản ảnh lý thuyết hơn là phân tích.

Điện ảnh không thể làm tổn thương khán giả

“Tối nay 8 giờ”, bộ phim quảng bá bằng nội dung chân dài, đại gia và…siêu xe

Nhìn lại tình hình điện ảnh VN những năm gần đây, phim Việt có vẻ bị một thành kiến rất xấu trên truyền thông và trong mắt khán giả. Phải chăng, phim Việt đang hứng chịu bất công từ một đội ngũ viết về phim ảnh xộc xệch và không được đào tạo? Hay bản thân chất lượng phim Việt đang ngày một đi xuống khiến truyền thông và công chúng phải liên tục chịu đựng?

- Tôi được biết là công tác kiểm duyệt báo chí củng như nghệ thuật ở nước ta rất khắt khe mà? Thật khó để bào chữa cho tình hình thực trạng điện ảnh hiện nay. Nghệ thuật vốn dĩ phải được tự do mới có thể mang đến sự thăng hoa cảm xúc. Thế nhưng không phải cảm xúc nào cũng trở thành tuyệt tác. Nhà trường có chức năng tuyển chọn và đào tạo nhưng không hẳn là họ có khả năng kiểm soát những suy nghĩ của các nghệ sỹ sáng tạo mãi được. Chưa nói là cảm xúc của nghệ sỹ rất bất chợt, nhất là các nhà làm phim hoặc nhà biên kịch…Bên cạnh đó việc quản lý các nhà làm phim đến từ nhiều nguồn khác nhau chỉ có thể dựa trên công đoạn sàng lọc, sơ duyệt…và dựa vào đó mà đánh giá trình độ của đội ngũ. Không thể phủ nhận truyền thông và khán giả đã có lý do để phản ứng lại bởi đằng sau những chiến lược PR đẹp đẽ là sự thất vọng nhận được từ phía truyền thông và khán giả.

Một thực tế không mấy tốt lành là các nhà sản xuất lắm tiền có thể mua các nhà báo và các bài báo viết tốt cho phim của họ. Đâu là ranh giới đạo đức trong chuyện này, cho cả hai phía, khi mà khen chê thường rất cảm tính, thưa chị?

- Trong một bối cảnh chịu nhiều sự chi phối từ nhiều xu hướng khác nhau. Một nhà phê bình không chỉ dựa vào cảm tính " khẩu vị" cá nhân. Họ không thể phát ngôn những điều mình thích hay là không thích mà cần có thêm cả sự tỉnh táo, lạnh lùng mang tính chất xây dựng cho bộ phim và sẵn sàng tranh luận với khán giả mang tính thuyết phục để chiếm lĩnh được lòng tin yêu của họ bằng thái độ diễn dịch trí thức. Chứ không thể ru ngủ dựa trên cái "tôi" khoe khoang chữ nghĩa, điều đó dẫn đến cách nhìn lệch lạc bao gồm cách ứng xử từ phía khán giả đối với điện ảnh.

“Hotboy nổi loạn”, bộ phim nỗ lực tìm đường ra nước ngoài nhưng bị giới phê bình quốc tế chê bai nặng lời

Các nhà sản xuất phim Việt gần đây có vẻ chẳng còn bận tâm đến chuyện khen chê của báo chí, bởi bộ phim của họ đã có cách thu hút khán giả bằng những trò PR kiểu lộ hàng, cảnh sex, chân dài, đồng tính…Theo chị, điều này có lợi hay có hại cho ngành phim?

- Tôi không nghĩ rằng các nhà sản xuất phim Việt họ không bận tâm đến sự khen chê của báo chí đâu, mà họ rất là rất quan tâm đấy chứ. Nhất là sự đánh giá của một số tờ báo có uy tín thì họ càng phải dè chừng. Có một câu nói rất hay của Đạo Diễn kiêm nhà sản xuất, biên kịch nổi tiếng thế giới David Lean: "Tôi thích những bí ẩn nhưng không thích sự nhầm lẫn". Điện ảnh như chiến lược của một cô gái đẹp  thông minh và quyến rũ. Điện ảnh cần có thời gian chăm chút, không thể sống gấp mà làm tổn thương đến khán giả và cũng chính là tự đào hố chôn mình.

Buồn ư? Tôi chỉ lấy làm tiếc

Được biết chị thường xuyên theo dõi các bài phê bình phim ảnh trên thế giới. Những chuẩn mực của các bài phê bình quốc tế có gợi hướng mở nào cho các cây viết về phim ảnh ở VN hiện nay học tập hay không?

- Tôi rất thích cách tiếp cận nhân vật của các nhà phê bình phim hay các nhà báo đơn thuần đến từ các toà báo. Họ hiểu rằng điện ảnh là loại hình nghệ thuật trong đó có tất cả các loại hình nghệ thuật đồng nghĩa với sự phối hợp đa ngôn ngữ để có thể tóm gọn bằng 5 từ "hình ảnh và âm thanh". Vì vậy họ luôn tìm cách gợi mở những thông tin từ nhiều lớp lang trong một tác phẩm. Họ giúp cho khán giả hay độc giả hiểu hơn những gì mà ai đó còn hạn chế. Thông thường, phim hay thì lẽ dĩ nhiên được họ phân tích ca tụng từ tổng thể cho đến từng chi tiết của tính độc đáo. Ngược lại đối với phim kém chất lượng, cũng hiếm khi họ chê bai thậm tệ. Mà họ cùng lý luận phân tích để xây dựng bằng một ngôn ngữ có văn hoá.

Không ngôi sao, không event quảng bá, không được phát hành rộng rãi, mảng phim tài liệu của chị dù có làm hay đến mấy chắc cũng là “áo gấm đi đêm”. Chị có thấy buồn vì sự trống vắng hoàn toàn các bài điểm phim hay phê bình phim tài liệu hiện nay trên báo chí?

- "Áo gấm" ư ? Tôi chỉ dám nhận những đứa con của mình là "lạ và sạch" thôi. Ở Châu Âu, phim của tôi được các nhà sản xuất rất quan tâm và họ tự tổ chức quảng bá bằng nhiều hình thức to, nhỏ khác nhau để đưa đến giới thiệu với khán giả. Nhưng ở Việt Nam thì...chắc số tôi chưa gặp may (cười ). Buồn ư ? Tôi chỉ lấy làm tiếc khi đâu đó khán giả yêu phim tài liệu đang tìm kiếm thông tin về lĩnh vực phim tài liệu mà báo chí, truyền thông chưa là cầu nối giữa hai phía chúng tôi.

Theo chị, việc xây dựng một đội ngũ phê bình điện ảnh thuộc về trách nhiệm của trường đào tạo báo chí, trường dạy điện ảnh hay là của riêng từng cá nhân muốn đi theo nghề nghiệp này thì phải tự đào tạo?

- Tôi có rất nhiều thầy giáo, nhiều bạn là chuyên gia trong lĩnh vực phê bình phim tại Châu Âu. Phần lớn họ đều đến từ các trường đại học mà bạn vừa nêu. Ở đó, họ có điều kiện tiếp cận và nghiên cứu chuyên biệt thế giới rộng lớn của nghệ thuật điện ảnh trong đó bao gồm cả các chức năng kĩ thuật cấu thành nên tác phẩm. Và tôi rất ngưỡng mộ họ.

Xin cảm ơn chị !

  • Minh Chánh (thực hiện)

vietnamnet.vn
© 2010 Báo VietNamNet. All rights reserved. Thông tin Tòa soạn - Liên hệ Tòa soạn - Nhận tin RSS
® Ghi rõ nguồn "VietNamNet" khi phát hành lại thông tin từ website này.