Sống tốt
27 tuổi, tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Thường Tín (bằng khá) chưa xin được việc Nguyễn Thanh Huệ về quê làm một cán bộ, tham gia các hoạt động đoàn đội của xã.
Thời buổi kinh tế nhốn nháo, Huệ xin đâu cũng khó. 4 năm vất vưởng chờ việc, chờ đến đợt thi tuyển công chức nhưng có đến đợt thì cũng không đến lượt Huệ trúng tuyển.
Huệ có người bạn ra trường cùng đợt nhưng gia đình có điều kiện, lại có người trong ngành thế mà lúc thi công chức thấy bảo cũng lót tay cả mấy chục triệu.
Gia đình Huệ thuộc hàng thường thì lấy đâu ra ngần ấy tiền mà chạy chọt. Năm 2010, Huệ đánh liều nộp hồ sơ thi ở Hà Nội. Biết mình trúng tuyển Huệ mừng như bắt được vàng ròng.
Đó là một trường cấp II xịn trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Huệ dạy môn Sử + Địa cho lớp 7, 8. Xin được bố mẹ, Huệ xách con xe Dreem cũ sáng lao đi từ 5h và trở về khi tối mịt.
Lương 2,6 triệu/tháng nhưng chưa bao giờ Huệ xin bố mẹ một đồng chi tiêu, đóng học mà còn thừa tiền tiết kiệm
Ngày mới đi dạy, lương của Huệ được hơn 1,9 triệu, tiền xăng xe đi lại hết khoảng 400.000 đồng/ tháng (xăng lúc đó khoảng 16-17.000 đồng/1l) + tiền ăn ở chi tiêu cá nhân khi ở trường khoảng 600.000 đồng/ tháng (tiền cơm trưa lúc đó khoảng 20.000 đồng/suất).
Huệ vẫn dành khoảng 300.000 đồng phục vụ cho nhu cầu làm đẹp, mua sắm. Số còn lại là tiền ma chay, cưới hỏi, hội nghị, sinh nhật.
Nếu nhìn vào số lương 1,9 triệu mặc dù không dư dả nhưng Huệ vẫn có một suộc sống đàng hoàng, đầy đủ. Khi nhà trường tổ chức đi chơi xa, nghỉ mát Huệ vẫn nhiệt tình ủng hộ nhưng nếu đi nước ngoài thì Huệ tìm lý do tránh. Còn đi chơi bạn bè thì đám bạn trai toàn tranh trả tiền, Huệ không phải lo rút ví.
Lương vậy nhưng Huệ chưa vắng mặt bất cứ đám cưới một đứa bạn nào, vẫn tiền mừng quà cáp đầy đủ. Riêng trong tháng 9 vừa rồi (9/2011) Huệ có tới 6 đám cưới (xoàng xoàng cũng mất đứt cả 1,2 triệu đồng). "Tháng đủ bù tháng thiếu" Huệ cũng không phải xin thêm bố mẹ bao giờ.
Thừa tiền gửi tiết kiệm
Sang năm 2011, Huệ ra gần Hà Đông thuê nhà trọ ở cùng với mấy em sinh viên. Tốn thêm một ít nhưng không phải đi xa, Huệ cũng có thời gian nhận dạy thêm cho hai học sinh gần nhà môn văn.
Từ năm 2011, 2012 lương cơ bản tăng, thực lĩnh của Huệ được khoảng 2,657 triệu/tháng ([(1.050x2,1) + 30% (lương đứng lớp của tổng 1.050x2,1)] - 9,5% tiền bảo hiểm = 2,657 triệu). Mỗi tuần Huệ nhận dạy thêm 4 buổi, 1 tháng cũng có thêm 1,2 triệu.
Huệ lại học tiếp liên thông lên Đại học Sư phạm hệ vừa học vừa làm. Học trong 2 năm, 5 kỳ, tiền học phí mỗi kỳ là 2 triệu, vị chi trong 2 năm Huệ mất khoảng 10 triệu.
Mặc dù lương chỉ có 2,6 triệu nhưng từ khi đi làm chưa bao giờ Huệ biết xin thêm bố mẹ một đồng để chi tiêu, đóng học mà ngược lại Huệ còn thừa tiền gửi tiết kiệm.
Hàng tháng, Huệ chỉ tiêu hết số tiền lương thực lĩnh, còn nguyên tiền dạy thêm Huệ gửi mẹ giữ hộ. Chưa kể, mỗi tháng Huệ chơi họ cùng một nhóm đồng nghiệp trong trường (500.000 đồng/ tháng/ 20 người). Tiền tiết kiệm cùng các khoản thêm nếm này nọ từ phụ huynh khi dạy thêm, Huệ vừa đổi xe tay ga cho tôn dáng nữ tính.
Trong thời buổi giá cả leo thang, ai cũng kêu như vạc, lương 20 triệu vẫn không đủ chi tiêu thì với Huệ hơn 2 triệu vẫn sống đàng hoàng.