- “Lãnh đạo cứ nói đang an toàn, hãy yên tâm. Xin mời các đồng chí thử về đó ở xem có thấy an toàn không?”, ông Ngô Văn Minh nêu giả thiết, trong phiên điều trần sáng nay (20/10).
>> Dân Sông Tranh: Bỏ làm ăn, trông chừng động đất
>> Thủy điện Sông Tranh: Dân không tin báo cáo!
Đã quá giờ trưa, phiên điều trần của UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường QH sáng nay (20/10) về thủy điện Sông Tranh 2 vẫn nóng bỏng chưa dứt, bởi nhiều ý kiến tranh luận chưa ngã ngũ. Tan phiên họp mà nhiều người vẫn nán lại nói thêm.
Lãnh đạo các bộ ngành cam kết mọi việc vẫn trong giới hạn an toàn và được kiểm soát. Song ĐBQH tỉnh Quảng Nam và các chuyên gia độc lập tất thảy đều e ngại tính xác thực của thông tin, nhất là nguy cơ động đất đang đe dọa tính mạng người dân. Có ý kiến đề nghị QH phải làm rõ trách nhiệm trong sự cố này.
'EVN đã tạo ra động đất'
Theo ông Phan Văn Quýnh (ĐHQG Hà Nội), động đất ở Sông Tranh 2 nên được gọi đúng tên là động đất của EVN, do EVN tạo ra. “Các bộ ngành nói an toàn. Chúng tôi xin khẳng định là không an toàn”, ông Quýnh nói.
Chính phủ đã chỉ đạo dừng tích nước tại thủy điện Sông Tranh 2. Nhưng phát biểu sáng nay, Phó TGĐ EVN Trần Văn Được cảnh báo, nếu không tích nước thì đến mùa khô sang năm bà con sẽ thiếu nước tưới tiêu.
Cũng theo ông Được, công trình phải được tích nước để phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, vì lợi ích của bà con nông dân: “Chứ còn nói về lợi ích cho ngành điện thì so với các công trình khác, thủy điện Sông Tranh 2 chẳng đáng kể gì, nhất là so với thủy điện Sông Đà”.
Ý kiến trên lập tức bị phản bác.
Các nhà khoa học đòi hỏi bộ, ngành cung cấp thông tin trung thực. Ảnh: Lê Nhung |
ĐBQH Quảng Nam Ngô Văn Minh “phản công”: “Nói đúng ra là chưa tích thêm 14 mét nước nữa mà thôi. Chứ hiện nay mực nước đã lên tới 161m rồi. Hai tổ máy hoạt động bình thường. Hàng ngày thu mấy tỷ đồng mà các đồng chí cứ nói không lấy đâu ra lợi nhuận nghĩa là thế nào?”.
Cũng theo ông Minh, ranh giới giữa tích nước cho đầy hồ (175m) và mức nước hiện giờ (161m) chỉ cách nhau vỏn vẹn 14m. Chính phủ đã yêu cầu tạm tích nước, nhưng hệ lụy nào sẽ xảy ra với mức nước hiện nay thì chưa thấy tính đến?
Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ, Môi trường Võ Tuấn Nhân bổ sung thêm, đoàn công tác của ông đã khảo sát tại Sông Tranh 2 hồi giữa năm, đưa ra nhiều khuyến nghị, nhưng đến nay chưa thấy khắc phục.
“Tôi rất cảm ơn các đồng chí EVN đã nói vì lo nước nông nghiệp cho dân. Nhưng hãy đặt tính mạng của dân lên trước. Đáng lý với trách nhiệm của mình, các đồng chí phải chủ động đề nghị hoãn tích nước để xử lý sự cố. Chứ để xảy ra sự cố mà ảnh hưởng đến dân, gây thiệt hại là các đồng chí EVN phải bồi thường. Chưa nói đến lâu nay tái định cư rất không ổn. Tôi rất bức xúc về tình hình này”, ông Nhân cho hay.
Mời lãnh đạo bộ ngành về ở xem có an toàn?
Cũng theo ông Nhân, phát điện cũng là chuyện ích nước lợi dân, song phải cân nhắc đặt tính mạng người dân lên trên hết.
Còn theo ĐBQH Ngô Văn Minh, phát ngôn của các bộ ngành vừa qua chưa đủ sức làm an dân bởi chuyện động đất vẫn còn hiển hiện hàng ngày, thậm chí có ngày lên tới 7 trận. Ngay kết luận của cơ quan chức năng về độ an toàn cũng chỉ dừng ở câu “đến thời điểm này là an toàn”, nhưng nay mai liệu sẽ ra sao thì chưa ai kết luận, hệ quả là lòng dân bất an.
“Thiệt hại hữu hình mới lớn. Dân ngủ không yên, luôn lo lắng, nơm nớp”, ông Minh nói. Người dân chỉ mong cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ hơn tình hình và cam kết về mức độ an toàn.
Nhưng thực tế, nhiều thông tin của cơ quan chức năng chỉ khiến người dân âu lo. Chẳng hạn, báo cáo đánh giá tác động môi trường không yêu cầu đánh giá động đất kích thích, nhưng thực tế lại xảy ra và không ai giải thích với dân để trấn an.
Công trình cũng không có hệ thống xả đáy, khi xảy ra thấm nước đã không đối phó kịp. Chính phủ cũng chỉ đạo phải lắp may đo địa chất để đánh giá chính xác tình hình xong đến nay gần hết tháng 10 mà mới lắp đặt xong một máy. Người dân chất vấn thì được giải thích là “ách tắc trong quá trình nhập khẩu”. Việc đảm bảo tính mạng cho dân chưa được coi trọng đúng mức. Những người dân bị thiệt hại do động đất cũng được hứa hẹn sẽ sớm bồi thường song đến nay chưa thấy gì.
Cũng theo ông Minh, những quy định để tránh động đất có vẻ “nghe chưa lọt tai”. “Lãnh đạo cứ nói đang an toàn, hãy yên tâm. Xin mời các đồng chí thử lên về ở còn mời bà con về thành phố xem các đồng chí có thấy an toàn không?”, ông Minh giả thiết.
ĐBQH Hà Nội Bùi Thị An bức xúc bởi phiên giải trình liên quan đến một sự cố nghiêm trọng lại vắng mặt lãnh đạo nhiều cơ quan chức năng, chỉ một số bộ cử cấp phó (Thứ trưởng) đến dự họp, còn lại đều là đại diện các cục chuyên ngành.
Ai nấy đều khẳng định mức độ an toàn nhưng động đất vẫn cứ xảy ra, vậy cần làm rõ sai sót xảy ra ở khâu nào.
“Nếu có chuyện gì xảy ra, một vài người rơi vòng lao lý cũng không sao bù đắp lại được tính mạng hàng vạn dân. EVN cứ nói các đồng chí cứ yên tâm chứ nói thật không yên tâm được vì động đất cứ xảy ra”, bà An nói. Theo bà, Quốc hội phải làm rõ trách nhiệm, quy trách nhiệm cụ thể để sự cố sớm được khắc phục.
Các chuyên gia thuộc Liên hiệp các hội khoa học Việt Nam cũng phân tích nhiều nguy cơ cho thấy tình hình đang ở mức “rất nguy hiểm”.
Chẳng hạn, theo TS Vũ Trọng Hồng (nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi), “hồ chứa quan trọng nhất là an toàn của dân chứ không phải là an toàn thân đập. Động đất vừa qua đồ đạc rơi, dầm nhà gãy, mặt đất xáo trộn. Như thế mà nói không nguy hiểm là không đúng. Tôi đã đi nhiều nơi, thấy động đất như thế này là quá nguy hiểm”.
Chốt các tranh luận, Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng khẳng định, mọi sự cố sẽ được giải quyết, không vì lợi ích của một nhóm nào mà phải vì người dân. UB sẽ tổng hợp tư liệu để hoàn thiện báo cáo gửi tới đại biểu QH.
Chủ tịch Hội cơ học đất và địa kỹ thuật Nguyễn Trường Tiến: Đừng đánh lừa dân nữa Tôi đề nghị bên cơ quan QH phải tổng hợp thông tin một cách trung thực, thẳng thắn và để cho các nhà khoa học được tiếp cận. Chúng ta phải thực sự khách quan về chuyện này chứ không nên vì lợi nhuận, ích lợi của bất kỳ ai. Nên có 1 tổ công tác liên ngành với các chuyên gia đầu ngành đánh giá tình hình. Đừng đánh lừa người dân nữa. Ta phải nói thẳng nói thật. Chứ để người dân chết thì có tội với dân lắm. Động đất không dừng ở đây. Sẽ còn tiếp tục với cường độ ngày càng tăng. Hãy tính đến sự an toàn của đập với hệ số an toàn cao nhất có thể. |
Lê Nhung