Trong kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 13 vừa chính thức khai mạc vào sáng nay, Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về báo cáo kết quả thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ tại kỳ họp 2 và 3. Mời bạn đọc cùng điểm lại hành trình 1 năm sau 2 kỳ họp và việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng trước Quốc hội và cử tri cả nước, bắt đầu từ lời hứa của hai vị Bộ trưởng "nóng" nhất nền kinh tế.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Xăng dầu đã minh bạch?
Trong kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 13, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã có màn đăng đàn trả lời chất vấn đi vào lòng người, trong đó ông khẳng định một số giải pháp nhằm đưa giá xăng dầu ra công khai minh bạch. Khẳng định giá điện năm 2012 dự kiến tăng 4,6% so với giá ở thời điểm cuối tháng 11-2011 và giá điện cho người nghèo không tăng.
Dù sau đó ông có "đính chính" là mức tăng giá điện sẽ vào khoảng 10-15%, chứ không phải chỉ 4,6% như tuyên bố của ông tại phiên chất vấn trước Quốc hội ngày 24-11.
Tính đến thời điểm này, gần 1 năm sau phiên chất vấn, giá điện tăng 2 lần, mỗi lần tăng 5%, vượt lời hứa của Bộ trưởng tại phiên chất vấn song nếu xét theo con số đã được Bộ trưởng “đính chính” sau đó thì mức tăng giá điện vẫn nằm trong giới hạn được báo trước, tăng 10-15%.
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ nhận được nhiều ủng hộ sau phát biểu “vì lợi ích 80 triệu dân
chứ không vì lợi ích của vài DN kinh doanh xăng dầu”. Ảnh: Vnexpress
Một chủ đề làm nóng nghị trường chất vấn Bộ trưởng Vương Đình Huệ tại kỳ họp thứ 2 là những thông tin về lỗ lãi của Petrolimex, việc tăng giá xăng dầu, và câu trả lời của tân Bộ trưởng thời điểm đó phần nào cho thấy ý chí của Bộ trưởng Tài chính "vì lợi ích của 80 triệu dân chứ không vì số ít doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu”.
Nhiều kỳ vọng của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt ra với ông Huệ “giải pháp đột phá nào để giải quyết những vấn đề còn tồn tại của xăng dầu, điện… trong thời gian tới?”, Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định: “Theo tôi giải pháp của mọi giải pháp trong lĩnh vực này là minh bạch và công khai. Nhà nước thấy điều gì chưa phù hợp sẽ điều chỉnh, còn cán bộ các cấp thực hiện công vụ phải làm đúng chức trách, doanh nghiệp phải minh bạch số liệu”.
Người ta chưa quên câu khẳng định chắc nịch của ông Huệ: “Thủ tướng cũng đã chỉ đạo phải công khai số liệu lỗ lãi của các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước. Nếu chúng ta không minh bạch thì không thể tái cơ cấu lại được”.
Sau phiên chất vấn, rất nhiều hy vọng về việc minh bạch các con số, đi liền với đó sẽ là minh bạch việc định giá xăng dầu. Tuy nhiên, đến thời điểm này đã gần 1 năm sau phiên chất vấn, tiến trình của việc minh bạch này vẫn... "chưa rõ ràng".
Cuối tháng 9 và giữa tháng 10, thời điểm giá xăng dầu thị trường Singapore giảm trong nhiều ngày liên tục nhưng DN đầu mối trong nước không nhưng tảng lờ việc giảm giá thậm chí ngược lại, DN kiên trì trình phương án xin tăng giá.
Việc thị trường trong nước phản ứng chậm theo hướng có lợi cho DN nhập khẩu kinh doanh xăng dầu còn gây nhiều dư luận không hay bắt nguồn chính từ sự không công khai rõ ràng chi phí lỗ lãi của việc kinh doanh xăng dầu.
Việc không công khai rõ ràng chi phí kinh doanh xăng dầu, từ giá nhập khẩu và các loại thuế, phí, chi phí vận tải, hoa hồng đại lý, đến tay người tiêu dùng cụ thể ra sao khiến dư luận khó chịu bởi với một tập đoàn lớn dường như những việc tưởng rất giản đơn mà một DN tư nhân “phẩy tay” cũng xong thì đối với tập đoàn lớn lại khó khăn đến mức phi lý.
Về mặt quản lý, việc người đứng đầu Bộ Tài chính, Bộ Công thương im lặng và thiếu một yêu cầu kiên quyết buộc các DN phải công khai chi phí, tạm hiểu là các cơ quan này hoặc thiếu quyết liệt, thiếu trách nhiệm trước dân, hoặc cũng có thể còn điều gì vướng mắc không dễ công khai, tháo gỡ trong việc cần công khai này.
Về điều hành giá xăng minh bạch hơn, Bộ trưởng Huệ đề nghị đưa một vài chỉ tiêu ra khỏi cách tính giá như lợi nhuận định mức. Cụ thể, sửa đổi chu kỳ tính giá cơ sở 10 ngày cho phù hợp với tần suất điều chỉnh giá, thay cho 30 ngày hiện nay. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng xem xét sửa đổi quy định về chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức theo hướng phù hợp hơn với thực tế.
Bộ trưởng Huệ cũng nêu giải pháp có đề xuất là Nhà nước đứng ra nhập chung và bán lại cho các đầu mối khác, như vậy sẽ đảm bảo được tính nhất quán về giá và nguồn vào. Bởi nhập xăng nguồn giá rẻ thì cũng tốt hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, từ sau phiên chất vấn, đề xuất này chưa được nhắc lại. Và DN xăng dầu vẫn mạnh ai nấy nhập và cùng đồng thanh kêu "lỗ tập thể".
Cùng với đó, việc sửa đổi chu kỳ tính giá cơ sở 10 ngày “cho phù hợp với tần suất điều chỉnh giá”, cũng chỉ ra đời được ít ngày sau đó lại quay về với quy định cũ, chu kỳ tính giá là 30 ngày. Bởi xét cho cùng, dù là tính 10 ngày hay 30 ngày, cũng không quan trọng bởi DN xăng dầu vẫn biết xét từ thời điểm nào đến mốc nào để kêu lỗ cho... hợp lý.
Khi “lời hứa” của Bộ trưởng Vương Đình Huệ về việc minh bạch giá xăng dầu chưa thực hiện được, ông vẫn nợ dân, những người kỳ vọng một vị Bộ trưởng với tuyên bố khẳng khái “vì lợi ích 80 triệu dân”.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Vẫn "ngổn ngang" chuyện tiền - vàng
Tại phiên chất vấn QH tháng 11 năm ngoái, tân Thống đốc Nguyễn Văn Bình có phần trả lời lưu loát về các vấn đề mà ĐB và cử tri quan tâm. Các chất vấn của đại biểu về điều hành lãi suất, sản xuất và kinh doanh vàng, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng… đã được Thống đốc trả lời thẳng thắn. Việc công khai nhận khuyết điểm của người đứng đầu ngành ngân hàng khi để xảy ra tình trạng thanh tra không hiệu quả các ngân hàng vi phạm trần lãi suất được cử tri và các ĐBQH đánh giá cao.
Ở một mức độ nhất định, Thống đốc Bình đã thực hiện được lời hứa. Bằng chứng, sau một năm nhậm chức của vị chỉ huy ngành ngân hàng, mặt bằng lãi suất (cả huy động và cho vay) đã dần hạ và tình trạng lách trần đã tạm lắng, không còn công khai thách thức như trước đó.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình. Ảnh: Petrotimes
Trong vòng chưa đầy một quý đầu năm 2012, mặt bằng lãi suất đã giảm tới 5%, từ mức 14% về mức 9%. Tỷ giá hối đoái luôn duy trì quanh ngưỡng dao động không quá 2-3%.
Gần đây nhất là động thái quyết liệt đưa lãi suất các khoản vay cũ về 15% từ 1/7. Dù đó là khuyến khích của Thống đốc, nhưng sau đó hàng loạt các ngân hàng, các địa phương đã vào cuộc để "chia lửa" với DN đang lâm vào cảnh khó khăn chật vật với các khoản vay lãi suất cũ đang chót vót ở mức trên 20%.
Với việc các ngân hàng vượt trần lãi suất 14%, ông Bình thừa nhận khuyết điểm vì những chế tài hành chính chưa được nghiêm. Đã có rất nhiều cuộc thanh tra nhưng chưa phát hiện ra vụ việc nào. Đây là yếu kém của Ngân hàng Nhà nước, trách nhiệm trước hết thuộc về lãnh đạo.
Bên cạnh đó, tái cơ cấu ngân hàng thông qua việc hợp nhất, sáp nhập ngân hàng bước đầu đã có những chuyển động tích cực. Tuy nhiên, nợ xấu trong khối ngân hàng, đặc biệt là các khoản nợ liên quan đến BĐS đang ngày càng tăng dần gây nên mối lo ngại về số phận của không ít ngân hàng và lo ngại về bất ổn thị trường tiền tệ.
Câu nói "tái cấu trúc NH như "đánh chuột nhưng không được đổ bình", nghĩa là phải giữ được mục tiêu, xử lý được tổ chức tín dụng yếu kém, đảm bảo không đổ vỡ ngoài vòng kiểm soát..." của ông Nguyễn Văn Bình được giới chuyên gia nhìn nhận là sự thận trọng cần thiết trong việc thay đổi dù nhỏ đối với lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận, thời gian qua việc thanh tra, giám sát ngân hàng đã bộc lộ quá nhiều bất cập, yếu kém, từ đó dẫn tới phát sinh nhiều vụ việc tiêu cực. Theo đó, ông cho biết, NHNN sẽ chấn chỉnh lại hoạt động này trong thời gian tới để lấy được niềm tin của nhân dân.
Tuy nhiên, gần 1 năm sau phiên chất vấn, sự việc gây chấn động thị trường tài chính, tiền tệ - bắt bầu Kiên, bắt TGĐ ACB Lý Xuân Hải và một số nhân vật có liên quan tiếp tục chứng minh thực tế công tác thanh tra giám sát của NHNN yếu kém như thừa nhận của Thống đốc.
Về quản lý thị trường vàng miếng, sau liên tiếp các cơn sốt vàng gây rối loạn thị trường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ siết chặt việc sản xuất và kinh doanh vàng miếng theo nguyên tắc nhà nước độc quyền. Nhóm lợi ích nào đi ngược lại nguyên tắc trên là đi ngược lại lợi ích quốc gia và sẽ bị loại bỏ. Nghi ngại về tính độc quyền của thương hiệu vàng miếng SJC khi Nghị định quản lý kinh doanh vàng miếng có hiệu lực, ĐBQH đã băn khoăn đặt câu hỏi với Thống đốc về sự độc quyền của SJC.
Theo thống đốc Bình, theo quy định của Nghị định kinh doanh vàng miếng, Nhà nước sẽ độc quyền sản xuất kinh doanh vàng miếng. Hoạt động sản xuất kinh doanh của SJC sẽ trực thuộc NHNN.
Thống đốc Bình cho rằng, bằng cách này NHNN thực hiện được 2 mục tiêu: một là độc quyền trong sản xuất kinh doanh vàng miếng. Hai là tiết giảm chi phí vì hiện đã có hàng trăm tấn vàng đã dập ra vàng SJC, nhãn hiệu này đã được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận. "Chúng ta phải hiểu rằng: từ giờ phút này trở đi, nhãn vàng SJC là nhãn vàng của NHNN, khi có điều kiện sẽ chuyển đổi chữ SJC thành SBV cho cử tri yên tâm" – ông Bình nhấn mạnh.
Tuy nhiên, không suôn sẻ như vậy, chỉ ít lâu sau khi được công bố vị thế độc quyền, vàng miếng SJC một mình một chợ tung hoành thị trường với mức giá luôn luôn cao hơn thế giới xấp xỉ 3 triệu đồng, gây bức xúc trong các DN sản xuất vàng miếng bị khai tử cũng như người dân từng tin tưởng chính sách quản lý thị trường vàng của NHNN sẽ giúp thị trường bớt loạn.
Nếu như con sốt vàng trước đây có sự góp mặt của nhiều tên tuổi cùng "nhìn nhau làm giá" thì nay sự độc quyền chỉ dành riêng cho SJC. NHNN tạo thế độc quyền cho SJC với mong muốn kìm thị trường, điều chỉnh theo xu hướng có lợi, nhưng kết quả đến thời điểm này dường như hoàn toàn đi ngược lại mục tiêu, khi thế níu giữ giá vàng trong nước lại đang do các thương hiệu ngoài SJC, bị khai tử, tạo ra.
Tuy nhiên, với nhiệm kỳ còn dài phía trước, cử tri quan tâm vẫn chờ đợi Thống đốc tiếp tục thực hiện lời hứa bằng quyết tâm như khi ông vừa nhậm chức.