Luật sư Trần Thị Miền:
Thiếu quy định về quyền chụp ảnh của báo chí
Luật báo chí năm 1990 (đã được sửa đổi, bổ sung) cho phép “nhà báo có quyền hoạt động báo chí trên lãnh thổ CHXHCN VN”. Thế nhưng đến giờ quyền này vẫn chưa được cụ thể hóa đầy đủ.
Trong việc chụp ảnh, ghi âm, nghị định 51/2002 của Chính phủ (khoản 3 điều 8) chỉ đề cập hoạt động nghiệp vụ của báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai. Cụ thể, báo chí “được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai...”. Còn ở các nơi khác thì lại không có quy định cụ thể nên đôi khi cho cũng được mà cấm cũng không sai (?).
"Nếu bình thường thì chờ “cấp phép” cũng được nhưng nếu có tình huống đột xuất hoặc có “hơi hám” tiêu cực cần quay phim, chụp ảnh thì làm sao xin phép và nếu xin thì có ai bảo đảm cho báo chí quyền thu thập thông tin?"
|
Thông thường, các cơ quan áp dụng những quy định chung dành cho mọi công dân để yêu cầu nhà báo thực hiện và đôi khi còn có phần khắt khe hơn vì tính “nhạy cảm” của hoạt động báo chí. Đối với những khu vực được chính quyền cắm biển “khu vực cấm”, “địa điểm cấm” theo pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000 thì mười mươi là không ai được chụp ảnh, quay phim như trường bắn, thao trường, trạm rađa, cơ quan ban chỉ huy quân sự, trụ sở công an tỉnh, huyện...Riêng đối với những khu vực nằm trong phạm vi các cơ quan, xí nghiệp, công trường..., cũng để đảm bảo an ninh, người dân muốn chụp ảnh, quay phim thường phải được sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan. Dù nghề nghiệp có nhiều đòi hỏi đặc thù nhưng nhà báo vẫn không được xếp vào diện ngoại lệ cho nên khi muốn chụp ảnh, quay phim các hoạt động tại những nơi này nhà báo đều phải xin phép người có thẩm quyền.
Trong vụ nhà báo Hữu Danh nói trên, nếu đối chiếu với cách xử lý phổ biến lâu nay của nhiều địa phương thì xem như PV này đã làm chưa chặt chẽ khi tự ý chụp ảnh ở Công an TP Mỹ Tho. Tuy nhiên, nếu nói là PV đã vi phạm nghị định 73/2010 của Chính phủ ở chỗ “chụp ảnh ở khu vực cấm” và phải bị phạt hành chính thì e rằng không đúng. Bởi lẽ những khu vực cấm quay phim, chụp ảnh đều buộc phải có biển báo để tất cả mọi người biết mà thực hiện. Nếu Tiền Giang không làm đúng như thế thì không có đủ cơ sở để phạt. Chưa kể cách kiểm tra, xem xét về việc chụp ảnh của Công an TP Mỹ Tho có quá nhiều vi phạm mà cụ thể là đã xâm phạm tài sản, danh dự, nhân phẩm, bí mật thư tín của nhà báo.
Khoản 4 điều 15 Luật báo chí quy định: “Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo hoặc phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo trong hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”. Như đã phân tích ở trên, một khi hoạt động nghề nghiệp của nhà báo chưa được “pháp luật hóa” chi tiết mà còn tùy thuộc cách tiếp nhận, ứng xử của từng cơ quan thì các hành vi “quá đà” như của Công an TP Mỹ Tho sẽ còn tiếp diễn. Điều trớ trêu là nhà báo làm sai thì bị xử lý nhưng các cơ quan làm sai Luật báo chí thì không bị sao cả.
* Luật sư Nguyễn Văn Hậu:
Phải có biển “Cấm chụp ảnh”
Để có thể khẳng định PV Hữu Danh có vi phạm vào điểm K khoản 1 điều 25 của nghị định số 73/2010/NĐ - CP ngày 12-7-2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội hay không thì cần phải làm rõ hai vấn đề. Thứ nhất là có quyết định của UBND tỉnh Tiền Giang hoặc văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định trụ sở Công an TP Mỹ Tho là địa điểm cấm chụp ảnh, thứ hai là có biển báo quy định cấm chụp ảnh trụ sở Công an TP Mỹ Tho hay không. Trường hợp có văn bản và biển báo xác định trụ sở Công an TP Mỹ Tho là địa điểm cấm chụp ảnh thì mới có thể xử phạt PV Hữu Danh.
Tuy nhiên, cho dù việc PV nếu có chụp ảnh sai quy định thì việc thu giữ, khám xét laptop của PV cần phải được lập thành biên bản vi phạm và biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong đó có chữ ký, ý kiến của PV vi phạm theo đúng quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
Theo Tuổi Trẻ
|