Tập Cận Bình đi lên từ gian khó
Những chi tiết ít ỏi được hé lộ về Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho thấy một cuộc đời và sự nghiệp được xây bằng những năm tháng rèn luyện trong gian khó.
> Nữ tướng tài sắc của Tập Cận Bình
Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP |
Lãnh đạo tối cao của Trung Quốc trong tương lai đã dành một phần thời trai trẻ cho cuộc sống trong một căn nhà liền vào một quả đồi. 7 năm của ông Tập tại vùng xa xôi phương bắc được khắc họa bằng việc lao động cực nhọc cùng với những người dân làng cả ngày, rồi lại nằm ngủ trên nền gạch khi đêm về. Điều này tương phản hoàn toàn với những năm được sống đầy đủ tại Bắc Kinh trước đó.
Xuất thân ưu tú, khởi đầu khó khăn
Ông Tập sinh năm 1953 trong một gia đình ưu tú. Là con trai của cựu phó thủ tướng Tập Trọng Huân, ông Tập trải qua những năm 1950 trong cuộc sống no đủ, với căn nhà tiện nghi, những chiếc xe có tài xế riêng, những trường học tốt nhất, khi mà hầu hết người Trung Quốc còn nghèo.
Tuy nhiên, ông Tập Trọng Huân bị mất chức vào năm 1962. Sau đó, Tập Cận Bình bị đưa tới vùng nông thôn ở tỉnh Thiểm Tây vào năm 1969, một phần trong chiến dịch của cố chủ tịch Mao Trạch Đông với việc đưa các trí thức trẻ ở đô thị về các vùng quê thời Cách mạng Văn hóa. Khi được trở lại Bắc Kinh, ông Tập được gửi tới một trại lao động trong 6 tháng.
Trước đó, khi ở làng Lương Gia Hà tại Thiểm Tây, ông tham gia làm các con kênh thủy lợi. Lương Gia Hà là một cộng đồng nhỏ sống trong những cái hang được đào thẳng vào các quả đồi khô cằn và được che chắn bởi những bức tường bùn khô, những hàng rào bằng gỗ.
Những năm ở làng Lương Gia Hà nằm trong số những chi tiết hiếm hoi được biết tới về cuộc sống và nhân cách của Tập, một phần vì ông đã tự ghi chép lại như một kinh nghiệm đáng quý. Những năm đó là một phần trong bức tranh chưa thật hoàn chỉnh về một người thu hút được ít sự chú ý trong suốt phần lớn sự nghiệp chính trị, nhưng lại sắp trở thành tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc trong tháng tới và chủ tịch Trung Quốc trong năm sau."Dao không được mài trên đá thì không sắc. Những người được thử lửa đều trưởng thành", Tập nói trong một bài trả lời phỏng vấn hiếm hoi trên một tạp chí Trung Quốc hồi năm 2001. "Bất khi nào tôi gặp rắc rối, tôi chỉ nghĩ sẽ khó khăn thế nào để đưa mọi việc trở lại bình thường và rồi không có gì là khó khăn cả", phó chủ tịch Trung Quốc nói.
Dân làng Lương Gia Hà vẫn còn nhớ một "mọt sách", người mà về sau họ rất tôn trọng. "Ông ấy luôn rất chân thành và làm việc chăm chỉ cùng chúng tôi. Ông ấy là một độc giả trung thành của những cuốn sách dày cộp", Shi Shunyang, một người bạn cũ của Tập và nay là một quan chức địa phương, nói. Ông Shi đứng trước căn nhà một phòng nay đã bỏ hoang, nơi ông Tập từng sống cùng một gia đình người địa phương, và nhớ về cái ngày bạn ông rời đi khi 22 tuổi. "Không ai muốn ông ấy rời khỏi nơi này", ông Shi nói.
Sau nhiều gian khổ, ông Tập vào đảng năm 1974 và rồi theo học trường đại học Thanh Hoa danh tiếng. Sau đó, vào năm 1992, ông trở lại Lương Gia Hà một lần duy nhất, để tặng một chiếc đồng hồ báo thức cho mỗi hộ gia đình ở đây, ông Shi kể lại.
Ông Tập tiếp tục con đường học vấn và có bằng cử nhân hóa học. Sau khi Mao chủ tịch qua đời, cha của ông Tập được phục chức. Tiếp đó, ông Tập có được vị trí thư ký của Bộ trưởng Quốc phòng Geng Biao, một trong những đồng chí cũ của cha ông.
Ba năm tiếp sau đó, ông Tập có bước đi hiếm gặp khi đảm nhận một vị trí thấp ở tỉnh thuần nông Hà Bắc, vì ông muốn "đấu tranh, làm việc chăm chỉ, và thực sự gánh vác một việc gì đó to lớn". Ông làm việc tại thị trấn Chính Định, nơi người dân đi lại bằng xe ngựa.
Khi ở đó, ông đã lên hầu hết các kế hoạch cho Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc để làm bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết kinh điển "Hồng Lâu Mộng". Hy vọng tạo nên sức hút du lịch, ông Tập đã xây dựng một cốt truyện mới cho tác phẩm đã quá quen thuộc với người Trung Quốc.
"Có thể nói rằng ông Tập có suy nghĩ đi trước mọi người. Bằng cách này, ông đã tạo nên nhiều việc làm và rất nhiều doanh thu cho Chính Định, dù khi đó nơi đây hầu như không có gì cả", Liang Qiang, một người tham gia làm bộ phim kể trên, nói.
Tập đạp xe quanh thị trấn trong trang phục của một anh nuôi trong quân đội, và thích được giới thiệu là một bí thư huyện mà không kèm theo liên hệ nào tới gia đình ông, đồng nghiệp cũ Wang Youhui nhớ lại. "Ông ấy luôn trả tiền cho đồ ăn. Ông ấy không muốn nhận bất cứ sự đối xử đặc biệt nào", Wang nói.
Cuộc sống ở tầng lớp cao những năm đầu đời giúp ông có một mạng lưới các mối quan hệ cá nhân, được cho là rất quan trọng với những năm đầu sự nghiệp, đảm bảo sự ủng hộ từ Bắc Kinh với những dự án địa phương. Là lãnh đạo đảng, ông Tập sẽ dễ dàng có được sự tôn trọng từ những quan chức và quân đội, một phần nhờ vào sự tôn trọng của họ đối với cha ông.
Căn nhà tại làng Lương Gia Hà mà Phó Chủ tịch Trung Quốc từng sống. |
Ảnh làng Lương Gia Hà ngày nay |
Những bước thăng tiến
Có một điều rõ ràng đó là ông Tập giỏi trong việc âm thầm thăng tiến qua các cấp bậc bằng cách tạo tên hai gương mặt trong cùng một con người. Ông được cho là một người kiệt xuất, có nền tảng giáo dục tốt với các mối quan hệ với những người sáng lập nên đảng Cộng sản Trung Quốc, một lợi thế quan trọng trên chính trường nước này. Ông Tập đồng thời thành công trong việc xây dựng hình ảnh một con người bình thường nhưng không kém phần bí ẩn, điều giúp ông thu hút được sự chú ý của công chúng.
Ông Tập nhận chức phó thị trưởng tại thành phố cảng Hạ Môn ở tỉnh Phúc Kiến vào năm 1985. Trong 17 năm tiếp đó, ông gây dựng được danh tiếng trong việc thu hút đầu tư. Ông treo một khẩu hiệu tạm dịch là "Làm xong việc" tại hành lang của một văn phòng.
Sau đó, ông Tập có được vị trí lãnh đạo cao nhất tại tỉnh láng giềng Chiết Giang, một điểm nóng của khu vực kinh tế tư nhân, một xã hội dân sự sống động với những ứng viên ngoài đảng chạy đua vào các hội đồng địa phương. Ông Tập được nhìn nhận là cho phép các cải cách quản lý địa phương, dù không khởi xướng bất cứ điều gì.
"Ông ấy sẽ không làm bất cứ điều gì gây suy yếu sự kiểm soát của đảng, nhưng ít nhất người ta có thể thấy ông ấy quan tâm tới đời sống của nông dân và những người dân thường khác", Li Baiguang, một luật sư nhân quyền ở Chiết Giang ngày ấy cho biết.
Tập đã cố gắng để xóa tiếng xấu về trách nhiệm của chính quyền, bằng cách giải quyết hàng loạt khiếu nại công dân trong một ngày chớp nhoáng tại thành phố Cù Châu. Ông thiết lập 15 văn phòng tạm thời để giải quyết khiếu nại về tịch thu đất, việc làm và những vấn đề khác. Việc làm này thu hút được 300 người làm đơn khiếu nại và giải quyết được 70 vụ.
Sau một thời gian ngắn làm lãnh đạo tại Thượng Hải, ông Tập được điều tới Bắc Kinh và nhận được một nhiệm vụ quan trọng, đó là giám sát quá trình chuẩn bị Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Ông cũng chịu trách nhiệm giải quyết các mối quan hệ với đặc khu hành chính Hong Kong.
Giới quan sát cho rằng ông Tập có thể là một người dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ, sau khi ông phát biểu trước Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tháng trước về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với các đảo trên biển Hoa Đông vốn đang được kiểm soát bởi Nhật Bản.
"Những láng giềng của Trung Quốc, bao gồm cả Mỹ, nên được chuẩn bị để thấy chính phủ Trung Quốc dưới thời ông Tập sẽ quyết đoán hơn thời ông Hồ", Steve Tsang, giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Trung Quốc tại đại học Nottingham ở nước Anh, nhận định.
Sự nghiệp của ông Tập được thêm với ánh hào quang từ người vợ, ca sĩ nhạc dân gian Bành Lệ Viên, người mà thực tế lại nổi tiếng hơn trong phần lớn quãng thời gian hôn nhân giữa hai người.
Cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Jon Huntsman mô tả ông Tập là một người khá khác biệt so với ông Hồ Cẩm Đào. "Ông ấy là người mà bạn có thể tiếp cận được", Huntsman nói. Cựu bộ trưởng tài chính Mỹ, Henry Paulson thì từng gọi ông Tập là "người thực sự biết phải làm thế nào để đạt được mục đích".
Đặc trưng của chính trường Trung Quốc khiến ít người có thể biết về khuynh hướng chính sách của ông Tập. Ông không gắn với sự cải cách mạnh mẽ nào. Tuy nhiên bản lý lịch của ông Tập tại những vị trí cấp tỉnh cho thấy ông cởi mở với kinh tế tư nhân cũng như có một số cải cách về quản lý, với điều kiện là các cải cách đó không phương hại tới quyền lực của đảng Cộng sản.
Chính quyền trong tay ông Tập được kỳ vọng sẽ theo đuổi một chính sách ngoại giao mạnh mẽ hơn, trên cơ sở niềm tin của Bắc Kinh rằng đối thủ chính là Mỹ đang suy thoái và rằng sự phát triển của Trung Quốc hướng tới sự vượt trội trên toàn cầu là trong tầm tay.
"Tập được chọn một phần vì ông có tính cách tự tin và quyết đoán để dẫn dắt một chiếc lược như vậy", Andrew Nathan, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc ở đại học Columbia, New York, nói.
Ông Tập sẽ đương đầu với những thử thách khó khăn. Sau hai thập kỷ tăng trưởng và thay đổi xã hội với tốc độ cao, nền kinh tế đang đi chậm lại. Sự phân cực ngày một lớn đã tạo ra một số ít người giàu có và rất nhiều người nghèo khổ cũng như phẫn nộ. Tình trạng tham nhũng đang bào mòn lòng tin của người dân đối với các quan chức.
Ngoài vấn đề trong nước, Trung Quốc còn đang gặp những vấn đề đối ngoại, ví dụ như tranh chấp chủ quyền trên biển với Nhật và một số nước Đông Nam Á. Cùng lúc này, Bắc Kinh cũng cảm thấy bị Mỹ tìm cách phong tỏa, khi Washington hâm nóng quan hệ với các nước quanh Trung Quốc.
Hà Giang (theo AP)