Thứ sáu, 26/10/2012, 12:08 GMT+7

Có việc làm, nơi ở ổn định mới nhập khẩu thủ đô

Với lý do mỗi năm có 50.000 người nhập cư Hà Nội, gây quá tải cho giáo dục, y tế, giao thông, sáng nay Chính phủ đề xuất công dân phải có nhà riêng hoặc nhà thuê tạm trú 3 năm liên tục... mới được nhập hộ khẩu.
> Bí thư Hà Nội thuyết phục Thường vụ Quốc hội về Luật Thủ đô

Sáng nay, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường tiếp tục trình bày trước Quốc hội dự án Luật Thủ đô, sau khi dự luật này không được thông qua hồi tháng 3/2011. Theo đó, thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.

Nội thành thủ đô sẽ không mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có; không xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể một số biện pháp nhằm giảm số lượng dân cư tập trung quá đông ở nội thành, trong đó việc di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học ra khỏi nội thành là bắt buộc. Hiện có kế hoạch di dời một số cơ sở này khỏi nội thành song tiến độ thực hiện rất chậm.

Ảnh: Hoàng Hà.
Muốn được đăng ký thường trú ở nội thành, phải có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở. Ảnh: Hoàng Hà.

Ngoài ra, các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới ở thủ đô phải dành tỷ lệ diện tích đất ở, nhà ở cao hơn so với quy định chung của cả nước để phát triển nhà ở xã hội; các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp nguy hiểm phải được cải tạo, xây dựng lại theo tiêu chí bảo đảm mật đô dân cư theo quy hoạch, giảm mật độ xây dựng, tăng hiệu quả sử dụng đất. Luật cũng cho phép HĐND được ban hành biện pháp để thực hiện quy định này.

Những năm gần đây, Hà Nội đang phải chịu áp lực ngày một lớn do tình trạng tăng dân cư quá nhanh. Từ khi Luật cư trú ra đời, mỗi năm trung bình có khoảng 50.000 người đăng ký thường trú vào nội thành (tăng gấp 3 lần so với trước đây). Trong khi điều kiện cơ sở hạ tầng và khả năng cung ứng dịch vụ công như giáo dục, ‎y tế, giao thông... không thể đáp ứng kịp với số lượng người nhập cư. Thành phố cũng không có đủ kinh phí để cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng khả năng cung ứng dịch vụ công để đáp ứng số dân cư lớn như vậy.

Do vậy, Chính phủ đưa ra biện pháp hành chính về đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội chặt chẽ hơn so với Luật cư trú hiện hành. Ngoài các trường hợp chuyển hộ khẩu theo chồng hoặc vợ, công dân muốn được đăng ký thường trú ở nội thành thì phải có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 3 năm trở lên...

Dự thảo Luật cũng đưa ra một số cơ chế, chính sách như, mức phân bổ chi ngân sách cao hơn cho thủ đô; cho phép thủ đô được sử dụng các khoản thu ngân sách Trung ương vượt dự toán; ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn thực hiện các chương trình, dự án, nguồn tín dụng Nhà nước cho thủ đô để đầu tư các công trình, dự án quan trọng về xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và môi trường.

Ngoài ra, Hà Nội cũng được phép thu phí ở nội thành cao hơn, nhưng không quá 2 lần trong lĩnh vực giao thông vận tải so với mức thu do Chính phủ và Bộ Tài chính quy định.

Trong báo cáo thẩm định về dự thảo Luật Thủ đô, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, đa số ý kiến nhất trí với nội dung về điều kiện nhập cư như có nhà ở, có việc làm ổn định, nơi đề nghị được đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.

Nhưng, theo ông Lý, cũng có ý kiến cho rằng, quy định cần chặt chẽ hơn như muốn đăng ký thường trú ở nội thành thì phải đóng thuế hoặc phí cao hơn hoặc việc đăng ký thường trú ở nội thành phải do cấp chính quyền cao nhất là UBND TP Hà Nội quyết định hoặc thông qua biện pháp quản lý dân cư bằng quy hoạch, có thể quy định tăng diện tích sàn trên đầu người tối thiểu...

Một số ý kiến cũng cho rằng, nên giao cho UBND TP Hà Nội quy định lộ trình và chính sách hỗ trợ về tài chính, đất đai để di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, đại học thay vì giao Chính phủ như hiện nay...

Sau khi thảo luận ở tổ và hội trường, dự kiến chiều 21/11, dự án Luật Thủ đô sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua.

Đoàn Loan

Không khả thi

Tôi thấy cái dự luật thủ đô này cứ loay hoay mãi mà cũng không đâu vào đâu. Dù có quy định ngặt nghèo bao nhiêu, cấm đoán bao nhiều về việc nhập hộ khẩu thì người ngoại tỉnh mà muốn ở Hà Nội người ta cũng vẫn cứ ở như thường. Vì vấn đề di cư về các thành phố lớn là tất yếu không chỉ với Hà Nội mà với tất cả các thành phố lớn trong cả nước cũng như trên thế giới. Việc cấm đoán, quy định ngặt nghèo về việc nhập hộ khẩu chỉ làm cho vấn đề tiêu cực trong việc xin cho trong lĩnh vực nhập hộ khẩu vốn đã trầm trọng lại càng thêm trầm trọng.

Việc quy định nhập hộ khẩu theo dự thảo luật càng làm cho người sống không có hộ khẩu ở Hà Nội tăng lên mà thôi còn vấn đề hạn chế dân nhập cư là không có tác dụng. Thay cho việc quy định nghiêm nhặt việc nhập hộ khẩu thì nên phát triển mạnh các thành phố vệ tinh, đặc biệt sau khi đã mở rộng thủ đô thì nên di dời các trường học, bệnh viện...ra ngoại thành. Tập trung mở rộng và phát triển ra khu vực ngoại đô thì mới có thể giảm tải được giao thông, cơ sở hạ tầng. Còn cứ đất vàng lại để cho các đại gia bất động sản xây dựng chung cư với dân số bằng cả một phường thì vấn đề càng thêm trầm trọng. Sự ngăn cản, gây khó khăn cho một xu thế tất yếu của sự phát triển xã hội là thể hiện sự bất lực, tầm nhìn hạn hẹp của quản lý. Tôi thấy Hà Nội là thành phố thể hiện sự yếu kém nhất trong quản lý, quy hoạch và phát triển đô thị.

Vấn đề không phải do hộ khẩu !!!

Siết chặt hộ khẩu không phải là giải pháp hay cho vấn đề hạn chế nhập cư vào Hà Nội hay các thành phố lón tại Việt Nam . Người tạm trú vẫn có thể thuê nhà , mua xe tỉnh đem vào hay có thể "tồn tại" giữa các thành phố lớn không cần hộ khẩu . Thiết nghĩ nên có tầm nhìn vĩ mô hơn vấn đề này ví dụ thành lập các thành phố vệ tinh gần thành phố lớn có sự uu đãi cho người dân , nâng cấp cuộc sống các vùng nông thôn hay vùng xa , cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng , ưu tiên phát triển kinh tế, văn hoá và cần thiết có sự trợ giúp hàng tháng hay hàng năm trên đầu người cho các hộ dân vùng nông thôn hay vùng khó khăn và xa xôi nhằm khuyến khích người dân ở lại tại đó hay bỏ thành phố về các vùng đó .

Tôi nhất trí 1000/100%

Hiện nay rất rất nhiều những kẻ không nghề, không ngỗng, ma cô, lười lao động, kéo nhau lên Thủ đô cũng như các thành phố lớn và dựa vào cũng như tổ chức thành những nhóm gây nên tình trạng mất an toàn xã hội. Sống dựa trên thân xác phụ nữ và tạo thành những ung nhọt xã hội ngay giữa thủ đô cũng như buôn bán các mặt hàng làm băng hoại thế hệ trẻ. Đất nước cần có sự đổi mới ngay từ thủ đô.

Tran

Sao lại làm khó người dân thế. Tại sao người ta phải di cư lên thủ đô kiếm sống? Thực ra thì không ai muốn xa quê hương đi tha phương cầu thực hết. Chẳng qua là cuộc sống khó khăn, người ta mới phải đi tìm con đường kiếm sống. Người ta muốn đổi đời, muốn tương lai con cháu họ tươi sáng hơn. Điều đó là hết sức chính đáng. Vậy mà luật đưa ra thì sao? Muốn cư trú ở thủ đô thì phải sở hữu nhà hoặc tạm trú liên tục 3 năm ở nhà mà có đăng ký kinh doanh nhà ở. Người nghèo đi kiếm sống thì làm thế nào mới có nhà ở thủ đô, rồi kiếm được nhà thuê cũng khó khăn lắm rồi chứ đừng nói là chủ nhà đăng ký kinh doanh nhà ở. Cái luật này hình như là chỉ thuận lợi cho người giàu thôi, cái luật này đang dập tắt ước mơ đổi đời của bao người dân. Mong các đại biểu trước khi đưa ra một dự thảo luật nào thì cũng cần đi tìm hiểu thêm về đời sống người dân trước đã. Khổ cho dân nghèo.

Yêu nước Việt Nam

1. Phải phân loại đối tượng nhập cư, phân tích lý do nhập cư & đưa ra biện pháp giải quyết (Cần phối hợp tất cả các biện pháp: Hành chính, kinh tế & tổ chức. Phải dân chủ, tiết kiệm & hiệu quả nhất) 2. Tập trung giải quyết mâu thuẫn cơ bản của vấn đề này. Nên xem xét, phát hiện mâu thuẫn cơ bản ở từng loại chủ thể như: đối tượng nhập cư, lý do họ nhập cư & vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp có đối tượng di cư trong việc giải quyết vấn đề này như thế nào. Còn giải quyết vấn đề “Nhập cư” mà lại bắt đầu từ chủ thể Hà Nội thì có thể chưa ổn (Giống như ta muốn nút cống nước ở một cái hồ mà thực hiện nút ở đuôi cống chứ không phải là từ đầu cống, như thế thì sẽ khó khăn thay vào đó ta nút phía trên đầu cống) 3. Trong các lý do di cư chính thì “để làm kinh tế” cần được chú trọng hơn: Nhất thiết phải quản lý đảm bảo, tiết kiệm & hiệu quả của đồng vốn ngân sách TW & địa phương trong phần chi “Đầu tư phát triển”, khuyến khích thu hút đầu tư của DN trong & ngoài nước, cần sản xuất nhiều hàng hóa hơn nữa nhất là phát huy được những lợi thế sẵn có (Nông nghiệp chẳng hạn) … Cần thiết phải có nhiều việc làm tốt thích hợp với mọi đối tượng ở tại các địa phương. 4. Hà Nội đã đầu tư như thế rồi thì tiếp tục hoàn thiện, trong điều kiện đang khó khăn không nên cải tạo, di dời, phá dỡ nhiều, tốn kém mà tập trung khai thác tốt những gì đã đầu tư xây dựng.

Muộn còn hơn không

Rất ủng hộ dự Luật Thủ đô, mong sớm được thông qua.

Vùng kinh tế mới

Ngày trước các vùng kinh tế mới như Lâm Đồng, Đắc Nông... nhưng ngày nay vùng kinh tế mới là các thành phố lớn như Hà Nội hay HCM... Cũng không thể trách họ được vì những nơi đó có các trường học, môi trường lao động tốt. Nhưng những gì họ mang lại thì quả thật buồn cho các nơi họ đến - tôi nói chung không vơ đũa cả nắm. Cứ thấy phố phường vắng tanh khi ngày lễ, Tết mới thấy không khí của thành phố.

Nhưng một mặt nào đó tôi cũng phục người ngoại tỉnh tới thành phố học và làm việc. Họ học và làm việc tốt hơn, chịu khó hơn người dân ở đó - lại mạn phép nhận xét phần lớn thôi nhé. Do đó, nhà nước cần cân đối sự phát triển chung cho cả đất nước - không chỉ có các thành phố lớn.

Nhìn vào con phố trung tâm Singapore, 20 năm trước kể từ ngày đầu tôi sang, đến nay gạch lát đường vẫn thế, vẫn mới, vẫn tốt. Còn ta thì sao???

Các ý kiến rất hay

Tôi rất ý kiếm của đọc giả Hùng và Antonio rât đúng, hiện này vấn đề này vấn đang quá nhiều bất cập, phải nói là tiêu cực. Dân lao động ở các tỉnh khác đổ về HN cũng như các TP lơn chỉ là kiếm việc làm, mang tính chất thời điểm, nếu có việc họ ở lại k có thì tìm chỗ khác

Không đồng ý

Chào bạn Gia Gia, Tôi chia sẻ nhưng không hoàn toàn đồng ý với quan điểm của bạn. Những ung nhọt xã hội là vấn đề phổ quát ở mọi nơi, mọi loại hình tổ chức xã hội, dù thành thị hay nông thôn, dù phát triển cao hay kém phát triển. Bạn nên nhớ ở khắp nơi đều có tệ nại mại dâm, trộm cắp, v.v... Không thể chỉ vì hiện tượng phổ quát thế này, vì một bộ phận ung nhọt mà phủ nhận, gây khó khăn cho rất rất nhiều con người đang đổ những giọt mồ hôi, công sức, trí tuệ để nuôi sống bản thân trong khi đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô. Vấn đề là tầm nhìn và trách nhiệm của các vị lãnh đạo thủ đô bạn ạ, còn đã là con người thì vấn đề mưu sinh là ưu tiên trước mắt nhất!

Cách Làm Sai Rồi

Tôi biết rằng dân số ở Thủ Đô ngày càng quá tải, chính quyền muốn hạn chế tăng trưởng để có thể giải quyết được chuyện y tế, giáo dục...
Theo tôi, chúng ta đang làm sai về cách phân luồng trong giáo dục, y tế, điều đó dẫn đến sai trong cách nhìn nhận hộ khẩu thủ đô hay ở tỉnh.
Về giáo dục, cần thi cử rõ ràng đầu vào, bất cứ ai cũng bình đẳng. Chi phí học tập tại các trường này cũng phải cao hơn các trường ở tỉnh.
Về y tế, bệnh viện tuyến dưới sẽ có mức phí thấp hơn, chuyên môn thấp hơn tuyến trên. Như vậy người dân sẽ lựa chọn phù hợp với mình.
Quy luật tự nhiên là như vậy, ở Thủ Đô thì chi phí mắc mỏ hơn ở tỉnh lẻ, nếu người dân nào muốn định cư ở đây thì phải chịu đựng được. Ai không chịu đựng được sẽ bị đào thải về quê thôi.
Ở Mỹ làm gì có chuyện Hộ khẩu như chúng ta.
Ngay như thuế trước bạ oto cũng thấy sai lầm. Tôi có hộ khẩu ở Hà Nội nhưng đang sống và làm việc ở tỉnh khác, khi co nhu cầu mua oto tôi lại phải chịu phí thuế cao, trong khi bạn tôi hộ khẩu ở tỉnh khác, mua xe để đi lại trong thủ đô Hà Nội thì lại đóng thuế, phí rẻ hơn!!!

KHONG KHA THI !!!

Tôi thấy dự luật này chẳng có tính khả thi , bởi vì nếu thích ở thủ đô thì chẳng cần hộ khẩu vẫn cứ ở như thường . Mặt khác có phải ai cũng muốn ra thủ đô để ở đâu ; chẳng qua cũng vì miếng cơm manh áo , vì cái sự học hành của bản thân thôi . Theo tôi muốn hạn chế nhập cư vào thủ đô chỉ cần làm 3 việc lớn là giải quyết được ngay : 1. Chuyển 2/3 các trường đại học lớn ra các thành phố vệ tinh , và các thành phố trung tâm ở từng khu vực . 2. Nhà nước nghiên cứu khuyến khích các chủ đầu tư san bớt ra các khu vực khác ngoài hà nội để tạo công ăn việc làm cho người dân tại địa phương. 3. Đặc biệt cải tạo hệ thống giao thông giữa hà nội với các đô thị vệ tinh sao cho thật tốt để giảm thời gian đi lại của các chủ đầu tư đến các thành phố vệ tinh . Tóm lại : tôi là người dân tỉnh lẻ ; yêu HÀ NỘI vì đã ở và làm việc tại đây tròn 10 năm nhưng Tôi vẫn không thích nhập khẩu HÀ NỘI ( dù đã đủ khả năng và điều kiện ) bởi vì tôi cũng yêu và thích sống ở THÀNH PHỐ NHỎ QUÊ HƯƠNG TÔI - chút tâm tình gửi các bạn .

Lại Hộ khẩu

Không có Hộ khẩu HN người dân họ vẫn sống ung dung giữa HN hàng chục năm, Hiến pháp ghi rõ Người dân VN có quyền sống và làm việc trong lãnh thổ VN.

Ý kiến của bạn

 
 Thay hình khác
  
Off Telex VNI VIQR
 
Link Site

Quá trình xin học bổng tại Australia

“Làm sao để xin được thư nhập học nhanh và vào học các trường danh tiếng?”. Câu trả lời nằm trong sự chuẩn bị và chủ động của bạn.

 
 
 
 
Lien he quang cao