Thứ Bảy, 27/10/2012, 15:10 [GMT+7]
.
.

Danh hài Vượng râu chém gió hay nói thật nhất về lương?

(Sao Việt) – “Nếu vật giá tăng ầm ầm như vậy, lương không tăng thì những người công chức mang tiếng là làm cho Nhà nước nhưng phải vay tiền để sống, thử hỏi cuộc sống ấy sẽ như thế nào?”- Danh hài Vượng râu chia sẻ về lương công chức

Nghệ sĩ hài Chí Trung đề nghị không tăng lương

PV: - Tham gia hoạt động nghệ thuật từ nhiều năm, vì sao danh hài Vượng râu không chịu “đầu quân” cho các đoàn nghệ thuật Nhà nước để hưởng chế độ?

Danh hài Vượng râu: - Tính tôi không thích chịu sự gò bó, hơn nữa hoạt động nghệ thuật bên ngoài tôi có thời gian để làm nhiều việc hơn ở trong đoàn.

PV: - Chứ không phải vào đoàn Nhà nước, hưởng thụ đồng lương công chức eo hẹp, cuộc sống của anh sẽ khó khăn hơn?

Danh hài Vượng râu: - Câu hỏi bạn đưa ra cũng chính là câu trả lời của tôi.

Nói gì thì nói, vì nghệ thuật thì cũng phải vì nhân sinh nữa chứ, làm nghệ thuật mà không có tiền thì làm sao sống nổi? Nghệ sĩ gì mà không có nhà, không có tiền thì lấy gì để tồn tại?

Bản thân tôi vẫn cống hiến cho Nhà nước đấy chứ, chỉ có điều người ta ở trong tổ chức, còn tôi ở ngoài tổ chức mà thôi.

Tôi cho rằng, khi bị gò bó bởi một tổ chức thì kinh tế tài chính của mình sẽ bị khó khăn hơn, để ổn định cuộc sống cũng khó hơn.

Danh hài Vượng râu:
Danh hài Vượng râu: "Phải nói rằng, mỗi khi nghe đến chủ trương tăng lương của Nhà nước là tôi ủng hộ 5 tay, 5 chân luôn"

PV: - Cuộc sống bằng những đồng lương Nhà nước mà bạn bè anh – những người đang hoạt động trong các đoàn nghệ thuật hiện nay ra sao?

Danh hài Vượng râu: - Ối giời ơi! Tôi có mấy người bạn, tốt nghiệp ra trường được 10 năm, năm trước vừa được vào biên chế Nhà nước, lương tháng hình như được 1,6 triệu đồng thì phải, theo tôi tự nhẩm tính bằng miệng thì tiền xăng xe hàng tháng của bạn tôi phải tốn gấp đôi số lương hàng tháng Nhà nước trả.

Bên cạnh đó, bạn tôi còn phải thuê nhà, vì chế độ nhà tập thể của đoàn không có, cộng thêm bao nhiêu khoản chi phí khác, nhìn cuộc sống của bạn, tôi thấy họ là những con người quá dũng cảm, tuyệt vời…

Tuy nhiên, bạn tôi cũng tâm sự, họ bám đoàn, cố gắng đến mức độ nào đó thôi, khi không thể “trụ” với cuộc sống được nữa thì họ phải buông tay, rời đoàn để mưu sinh, tồn tại.

Chính cuộc sống của bạn tôi phần nào làm tôi ái ngại không dám vào Nhà nước. Tôi luôn nhận thức rõ ràng, đã vào Đoàn là để làm việc chứ không phải để chơi nhưng kinh tế không đáp ứng được cho mình thì sẽ khổ sở vất vả lắm, cái khổ ấy không chỉ riêng bản thân mình phải gánh chịu mà còn làm ảnh hưởng cả đến gia đình nữa.

PV: - Trong gia đình anh thì sao?

Danh hài Vượng râu: - Bố tôi là “cựu” công chức Nhà nước đấy chứ, bố tôi trước làm giám đốc giờ về hưu, mẹ tôi cũng là giáo viên, chị gái tôi cũng là giáo viên, chỉ có mấy anh em trai là làm ở ngoài.

PV: - Khi bố anh còn đương chức, cuộc sống của gia đình anh khi ấy như thế nào?

Danh hài Vượng râu: Ban đầu, khi còn được bao cấp thì bố mẹ tôi vẫn nuôi được 7 anh chị em tôi, nhưng khi hết chế độ bao cấp thì cuộc sống của gia đình tôi vất vả lắm.

Đồng lương công chức eo hẹp của bố mẹ tôi gần như không kham nổi chi phí hàng tháng cho cả gia đình. Vì thế, ngoài giờ đi làm, bố mẹ tôi còn phải làm thêm nghề phụ để kiếm thêm thu nhập.

7 anh em chúng tôi được ăn học đàng hoàng là nhờ nghề truyền thống làm giò chả của bố mẹ tôi chứ còn chỉ trông vào đồng lương công chức của bố mẹ tôi thì chả biết thế nào.

PV: - Tuy không ăn lương của Đoàn này, Đoàn kia nhưng anh có háo hức trông chờ mỗi lần có chủ trương tăng lương hay không?

Danh hài Vượng râu: - Tôi mừng lắm! Rất mừng là đằng khác! Phải nói rằng, mỗi khi nghe đến chủ trương tăng lương của Nhà nước là tôi ủng hộ 5 tay, 5 chân luôn.

Thứ nhất, tôi mừng cho những người thân trong gia đình tôi đang hưởng lương công chức Nhà nước, tăng lương đời sống của họ sẽ được cải thiện hơn.

Tuy nhiên, tôi cũng có một chút buồn vì ngày bố tôi mất, đồng lương còn quá ít ỏi, đến giờ lương tăng rồi bố tôi lại không còn sống.

Vì vậy, tôi cho rằng, không riêng bản thân tôi mà còn nhiều người khác nữa không phải là công chức cũng nghĩ việc tăng lương là nên làm và phải làm.

Ngoài ra, tôi nghĩ, đi đôi với chủ trương tăng lương, Nhà nước cần phải có các biện pháp bình ổn giá và chống lạm phát. Một người bình thường như tôi, tôi nghĩ rằng, trong khi Việt Nam mình đang còn là một nước nghèo nhưng tại sao giá nhà lại đắt nhất thế giới, giá vàng cao nhất thế giới, giá xăng dầu hay rất nhiều thứ khác nữa cũng cao hơn thế giới và còn cao hơn cả những nước giàu hơn mình đến mấy chục lần.

Vượng râu: chưa tự tin làm “trụ cột” gia đình về tài chính nên chưa nghĩ đến chuyện lấy vợ.
Vượng râu: chưa tự tin làm “trụ cột” gia đình về tài chính nên chưa nghĩ đến chuyện lấy vợ.

PV: - Nhiều người như nghệ sĩ Chí Trung lại cho rằng, không bao giờ muốn tăng lương, bởi lương tăng 1, vật giá tăng 3, cuộc sống không những không cải thiện được mà còn khốn khó hơn?

Danh hài Vượng râu: - Đúng ra là như vậy, nên tăng lương là hình thức bù trừ. Trong khi vật giá quá đắt đỏ, đồng lương ít ỏi không thể chi tiêu nổi buộc phải tăng lương. Vì vậy, tăng lương thì công chức cũng vẫn cứ thiếu, làm gì có tiền để ra.

Tôi cho rằng, nhắc đến tăng là ầm ĩ lắm, cứ tưởng cái gì đó kinh khủng nhưng thực chất là để bù vào các khoản chi phí khi mà mọi thứ cứ đội giá tăng lên vù vù.

Nếu vật giá tăng ầm ầm như vậy, lương không tăng thì những người công chức mang tiếng là làm cho Nhà nước nhưng phải vay tiền để sống, thử hỏi cuộc sống ấy sẽ như thế nào?

PV: - Anh làm việc tự do thì thu nhập hàng tháng của anh gấp bao nhiêu lần so với những người bạn của anh hiện đang là công chức?

Danh hài Vượng râu: - Nói gấp bao nhiều lần thì không phải nhưng thu nhập hàng tháng của tôi cũng đủ sống và thời gian để phục vụ cho những công việc ấy không bị ép buộc quá nhiều.

Có thể, một buổi diễn của tôi bằng người ta lĩnh lương công chức một năm, tuy nhiên, không phải ngày nào mình cũng đi diễn như thế, hay tháng nào cũng diễn 10 buổi có thu nhập cao như thế.

  • Phương Trịnh (thực hiện)
;
.
.
.