Thứ Ba, 30/10/2012 - 08:46

Không ít cán bộ đạo đức, “tròn vo” nhưng… không được việc!

(Dân trí) - “Nhiều cán bộ đạo đức tốt nhưng hiệu quả công việc không tốt, nếu chỉ cố “tròn vo” để không đụng chạm, không có gì thay đổi và không có sản phẩm đầu ra”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói về tiêu chí đánh giá khi lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm.
 >>  “Lấy phiếu tín nhiệm đặt nền móng cho văn hóa từ chức”
 >>  Lấy phiếu tín nhiệm: Cần tập trung vào lãnh đạo Chính phủ

“Tư duy nhiệm kỳ” khi lấy phiếu tín nhiệm?

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) đặt hi vọng, lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm sẽ trở thành công cụ giám sát tốt, hiệu quả đối với những có chức vụ, “là biện pháp để thanh lọc những con sâu trong bộ máy”. Tuy nhiên, bà An cho rằng, chỉ nên lấy phiếu đối với những người quản lý quyền và tiền.

Cụ thể, là lấy phiếu đối với các chức danh từ bộ trưởng và chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội trở lên. Theo đại biểu, thực hiện trong phạm vi hẹp như thế mới hiệu quả và thiết thực.

Về chu kỳ lấy phiếu, đại biểu đề xuất phương án tổ chức hàng năm ngay từ năm đầu tiên của nhiệm kỳ. Cán bộ lãnh đạo nào có tỷ lệ tín nhiệm thấp nên kiên quyết thay ngay. Thậm chí, lấy phiếu lần đầu chỉ đạt dưới 50%, chưa đủ điều kiện bãi nhiệm thì cũng vận động để cán bộ đó từ chức.

“Chúng ta cũng không nên lo rằng không có người thay thế vì cán bộ, nhân tài rất nhiều, không sợ thiếu” – bà An phát biểu.
Không ít cán bộ đạo đức, “tròn vo” nhưng… không được việc!
Bộ trưởng Y tế: "Cần bổ sung thêm tiêu chí đánh giá cán bộ bằng hiệu quả công việc" (ảnh: Việt Hưng).

Với đề xuất danh sách cán bộ sẽ lấy phiếu ở “cấp 1” – cấp Quốc hội gồm 49 người trong đó có Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ, còn Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội thực hiện lấy phiếu đối với 380 người, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhận xét: “Đây là mô hình đánh giá cán bộ hiếm có trên thế giới khi được thực hiện đến cả tập thể thành viên Chính phủ. Ở nhiều nước khác, người ta chỉ tiến hành lấy phiếu với hàng nguyên thủ quốc gia”.

Cũng nêu quan điểm tán thành phạm vi cán bộ lấy phiếu giới hạn ở “cấp 1” nhưng nhìn nhận ở khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Thị Kim Tiến (TPHCM) đề nghị nên giữ tần suất 2 năm/lần, để cán bộ có cơ hội thể hiện hành động, tư duy của mình.

Lấy kinh nghiệm trong việc tuyển chọn cán bộ ở Bộ Y tế, bà Tiến phân tích, đánh giá để chọn cán bộ đến hàm thứ trưởng đã hết sức khó khăn. Ứng viên trải qua 3 vòng tuyển chọn cố định, rồi đến 3 vòng bỏ phiếu kín mới chọn ra 2 người “cao điểm” nhất. Khi đó, thuyết minh trước Hội đồng tuyển chọn thì ai cũng trình bày hay, công việc thì chắc chắn 1 mười 1 chín, nếu không muốn nói 1 mười, 1 chín rưỡi, biết chọn ai.

Khi đó, chỉ còn một thước đo cuối cùng để đánh giá, so sánh là hiệu quả công việc. “Ai cũng đạo đức tốt, học hành, bằng cấp đầy đủ cả. Vậy khi đó, ngoài thước đo năng lực, phẩm chất, còn cần xét hiệu quả công việc. Có người đạo đức tốt nhưng hiệu quả công việc lại không tốt nếu chỉ cứ “tròn vo” để không phải đụng chạm, mất lòng ai, không có gì thay đổi và không có sản phẩm đầu ra. Đánh giá cán bộ là khâu khó nhất và điều quan trọng nhất là phải đánh giá trên kết quả, sản phẩm đầu ra” – Bộ trưởng Y tế phân trần để thấy tiêu chí để lấy phiếu, bỏ phiếu cán bộ dựa trên năng lực, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ và đạo đức, lối sống, có lẽ vẫn cần bổ sung thêm.

Tán thành quan điểm này, đại biểu Nguyễn Phước Lộc cũng yêu cầu đề án xác định tiêu chí cụ thể hơn để người tham gia bỏ phiếu đủ thông tin, an tâm hơn về quyết định của mình. Đồng thời, tránh hiện tượng “tư duy nhiệm kỳ”, không dám làm gì của cán bộ vì mỗi hành động mang tính đột phá, mở đường chắc chắn sẽ tạo ra những va chạm rất lớn ban đầu. Khuyến khích được cán bộ thể hiện mình, theo đại biểu, là yêu cầu quan trọng.

Ý kiến cử tri rất đồng tình việc đưa vấn đề lấy phiếu, bỏ phiếu ra; chỉ yêu cầu làm thế nào cho thực chất, không hình thức.

Giải pháp chống “chạy tín nhiệm”
Đại biểu Trần Du Lịch: Chất vấn xong có thể tổ chức bỏ phiếu luôn? (ảnh: Việt Hưng) 
Đại biểu Trần Du Lịch: "Chất vấn xong có thể tổ chức bỏ phiếu luôn?" (ảnh: Việt Hưng) 

Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) cho biết, cử tri đặt vấn đề với ông phải kiến nghị Quốc hội làm thế nào để việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm thực chất, không dàn trải, hình thức. Theo đó, việc lấy phiếu thực chất mới là thăm dò mức độ tín nhiệm của một cán bộ, mang tính chất cảnh báo, nhắc nhở người giữ chức vụ là mức độ tín nhiệm chưa cao, phải ráng làm hơn nữa.

Còn bỏ phiếu, ông Lịch cho rằng, về bản chất chính là bỏ phiếu bất tín nhiệm, người nào vượt qua được thì tồn tại, không thì buộc phải nghỉ. Đây là biểu hiện cao nhất của quyền giám sát tối cao của đại biểu Quốc hội mà có thể thực hiện trực tiếp nhất ở việc chất vấn tại kỳ họp.

Ông Lịch đề xuất, khi người trả lời chất vấn không đạt, đại biểu đặt vấn đề không còn tín nhiệm nữa, Quốc hội cần “giải quyết” luôn, tổ chức lấy phiếu, bỏ phiếu luôn về cán bộ đó. “Chất vấn phải đi đến trách nhiệm” – đó là thông điệp ông Lịch muốn truyền đạt.

Một số ý kiến khác cũng lo lắng, khoảng thời gian từ lúc lấy phiếu thăm dò đến khi bỏ phiếu có thể là kẽ hở cho tiêu cực phát sinh. Vì vậy, QH nên đi thẳng vào khâu bỏ phiếu luôn thay vì vòng vo ở công đoạn lấy phiếu.

Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) nêu tình huống nếu qua quy trình lấy phiếu để thăm dò thì e sẽ dễ dẫn đến tiêu cực như làm thế nào có đủ phiếu ủng hộ. Đại biểu Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh) cũng góp ý, QH nên tiến hành bỏ phiếu, chứ nếu đặt ra nhiều công đoạn lại xảy ra chuyện “chạy đêm chạy hôm”. Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) đề nghị cần quy định chặt nếu không sẽ có chuyện “chạy tín nhiệm”, vì hiện cũng đã có nhiều thứ chạy rồi. 

Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định), nên có cơ chế khuyến khích những người tín nhiệm thấp chủ động từ chức. Do đó, không cần quy định cứng nhắc tỷ lệ bao nhiêu phần trăm mới có thể xin từ chức bởi chỉ cần qua thăm dò mà tín nhiệm thấp thì vị cán bộ đó đã phải cân nhắc xin rút lui rồi.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha lật lại vấn đề, để tạo ra văn hóa từ chức phải có sự đồng thuận từ hai phía, cả quan chức lẫn tâm lý xã hội: "Xã hội đừng kỳ thị với người từ chức, như vậy họ cũng cảm thấy làm việc đó dễ dàng hơn".

Ông Pha kể lại chuyện từng có một cán bộ khi đi hiệp thương để bầu cử QH, mọi thứ đang tiến triển tốt thì đột nhiên xin rút vì lý do sức khỏe, thế là dư luận "xì xào bảo ông ấy chắc thế nọ, thế kia". Xã hội định kiến nếu ai đó từ chức chắc là “có tội mới từ chức” trong khi đây là chuyện hết sức bình thường.

P.Thảo

Không ít cán bộ đạo đức, “tròn vo” nhưng… không được việc! Không ít cán bộ đạo đức, “tròn vo” nhưng… không được việc!
7 10 1
Không ít cán bộ đạo đức, “tròn vo” nhưng… không được việc! Không ít cán bộ đạo đức, “tròn vo” nhưng… không được việc! 10 7 1