Nữ cảnh sát đi bắt 'cọp'
Trung tá Hoa vào sào huyệt của những ông trùm ma túy khét tiếng sẵn sàng vãi đạn chống trả lực lượng công an bị vây bắt.
Trung tá Nguyễn Phương Hoa, Đội phó Cảnh sát phòng chống ma túy Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội là nữ cảnh sát duy nhất của đội. Chỉ trong năm 2011, đội ma túy của Hoàng Mai có tới 4 người xin chuyển công tác, thế nên lúc nào cũng thiếu người. Không ai muốn về công tác tại đội này, kể cả nam chứ đừng nói đến nữ.
Có 18 cảnh sát phải căng sức ở một địa bàn rộng và phức tạp về ma túy với nhiều “bongke”. Ngoài nhiệm vụ quản lý địa bàn, một năm đội phải bắt giữ từ 40 đến 45 vụ án theo chỉ tiêu thành phố giao, một cán bộ phải thụ lý từ 40 đến 60 vụ từ cơ sở chuyển lên.
Nhiều năm trong nghề, nhưng chị nhớ mãi lần truy bắt tội phạm ở Lóng Luông, Mộc Châu, Sơn La. Nói đến Lóng Luông là người ta nghĩ ngay tới “siêu thị ma túy” với những ông trùm ma túy khét tiếng, sử dụng súng ống không ghê tay, sẵn sàng vãi đạn chống trả lực lượng công an mỗi khi bị vây bắt. Trong một lần, đội cảnh sát ma túy chặt đứt một đường dây ma túy, tội phạm khai mua ma túy của Tráng A Da ở Lóng Luông.
Mở rộng chuyên án, đội đã cử một tổ công tác về Lóng Luông tuy nhiên để tiếp cận tên bán ma túy này hết sức khó khăn. Nhà của Tráng A Da nằm ở ven rừng, anh ta rất cảnh giác, chỉ một sơ suất nhỏ để bị lộ coi như phá hỏng cả chuyên án.
Chỉ huy chuyên án quyết định, gọi về đội tăng cường thêm một tổ công tác, trong đó có nữ chỉ huy Hoa. Lăn lộn với lực lượng đấu tranh chống ma túy nhiều năm, chị hiểu nhiệm vụ mình phải đối mặt. Kẻ phạm tội có súng kíp, nhà nuôi rất nhiều chó, có “động” là dễ dàng tẩu thoát vào trong núi. Nếu nam giới vào chúng dễ nghi ngờ.
Chị cùng với một công an xã đến nhà A Da trong vai là cán bộ huyện kiểm tra công tác bầu cử. Tuy nhiên, A Da cùng con trai đã đi làm nương. Lại mò ra tận nương đường rừng 3 cây số, cũng vừa hay A Da đi ra quốc lộ mua thức ăn và rượu để về uống. Từ chỗ làm nương đi ra quốc lộ chỉ có đường độc đạo, đây là cơ hội rất tốt để tổ công tác đón lõng ở ngoài có thể chặn bắt, nếu không nhanh sẽ “xổng”.
Quyết định trong giây lát, chị điện báo cho đồng đội phục kích chờ khi nào chị ra hiệu lệnh sẽ tiến hành bắt. Bị đón lõng bất ngờ, nghi can không kịp chống trả. Chuyên án thành công. Sau này, chị vẫn bị trêu đùa là nữ thám tử Hà Nội về Lóng Luông bắt "cọp".
Nhiều năm làm công tác điều tra, có chuyên môn “cứng” trong công tác tố tụng, chị luôn được lãnh đạo quận tín nhiệm giao cho mảng tham mưu về công tác chấp hành pháp luật, thẩm định các hồ sơ bắt giữ.
|
Chị Nguyễn Phương Hoa. Ảnh: ANTĐ |
Đối với nghiệp vụ công tác công an, hồ sơ được coi là xương sống của cả vụ án. Mỗi năm chị được giao phải hoàn thành tới 300 hồ sơ vụ án để truy tố trước pháp luật. Đặc biệt là công tác tham mưu cho cấp cơ sở để họ làm hồ sơ chặt chẽ, không để oan sai. Thế nên nhiều lúc ở nhà mà điện thoại của chị cứ “nóng” máy liên tục. Chồng chị cũng là công an, anh vẫn đùa với chị: “Cậu cứ như tổng đài 1080”.
Không những là chỉ huy đội, chị Hoa còn là tuyên truyền viên trong công tác phòng chống ma túy và Ban hòa giải của Hội phụ nữ. Cán bộ hội cấp cơ sở cũng thường xuyên gọi điện nhờ chị tư vấn pháp luật. Có khi mâu thuẫn hàng xóm đánh nhau, tranh giành đất cát. Có khi là người dân bức xúc tố cáo ổ nhóm sử dụng ma túy, có khi vợ chồng cãi vã nhau, ly hôn chia tài sản… Nhiều lúc buông điện thoại xuống, chị nghĩ: “Ừ hóa ra, chồng nói cũng phải, mình cũng giống tổng đài 1080 thật”.
Là nữ cảnh sát nên chị Hoa không tránh khỏi những rung động bản năng của một người vợ, một người mẹ. Chị kể có lần đến nhà bắt Nguyễn Thị Thủy (ở phường Yên Sở), nhìn đứa bé đứng nép vào cửa với ánh mắt sợ sệt, bất giác chị nghĩ đến con mình, thấy đứa trẻ đáng thương vô cùng. Nắm bắt tâm lý, chị Hoa đã động viên Thủy chấp hành pháp luật và tìm gọi người nhà giao cháu bé để chăm sóc. Chứng kiến hành động của chị, từ lỳ lợm không khai báo Thủy đã nhận tội.
Phụ nữ làm cảnh sát có những yếu thế là hay động lòng nhưng cũng có khi lại là một lợi thế bởi trắc ẩn đó đôi khi lại làm thay đổi được suy nghĩ của tội phạm. Đó là lần bắt kẻ có biệt danh Tôn "Bata" chuyên đi giày bata nhảy lên các thùng xe để trộm cắp. Nhìn vợ anh ta nghèo khó, lếch thếch bế con mới 8 tháng tuổi lên cơ quan công an thăm chồng, chị đã bỏ tiền túi giúi cho nói là để mua quà cho con, tiếp tế cho chồng.
Hơn chục năm sau khi đi tù về, Tôn "Bata" tìm gặp chị và nói: "Bây giờ khi đã trở thành người tử tế, làm ăn lương thiện mở xưởng quay thịt… mới dám đến gặp chị để cảm ơn. Không phải vì mấy chục đồng chị cho con em trong lúc em ở bước đường cùng mà chính những đồng tiền ấy đã khiến em phải suy nghĩ".
Có lần bắt tội phạm ở làng Kim Hoa - một “boongke” ma túy ở địa bàn, chị khám người một nữ nghi can, cô ta đeo chiếc dây chuyền rất to và đã thương lượng: “Cùng là chị em phụ nữ, chị bỏ qua cho em vụ này, em gửi chị chiếc dây chuyền”. Lúc đó chỉ có hai người, chị chỉ cần bỏ tép heroin vào toilet là xong. Nhưng nghĩ đến đồng đội, chị không thể làm thế. Là chỉ huy, chị cần phải tạo niềm tin cho anh em làm việc.
Đã mấy chục năm trong nghề, rồi 9 năm lăn lộn với đội cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy, người chỉ huy cương nghị này muốn nhắn nhủ với các chiến sĩ trẻ rằng "đã xác định chiến đấu trên mặt trận phòng chống ma túy phải biết hy sinh".
Theo An ninh thủ đô