Tại phiên thảo luận về tình hình tội phạm và công tác phòng chống tham nhũng sáng hôm nay (1/11), đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) thắc mắc, trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, nhà nước có thừa quyết tâm, quy định luật lệ không thiếu, Chính phủ có nhiều giải pháp nhưng tham nhũng vẫn không bị đẩy lùi. Ông Thuyền lo mức độ tham nhũng hiện đã lấn át cả những người tích cực thì đó là một nguy cơ thực sự lớn.
Về việc ít phát hiện tham nhũng, ông Thuyền đặt câu hỏi, có phải do cơ chế chưa cho phép CQĐT tiếp cận đối tượng tham nhũng. Hoặc ngược lại, có tiêu cực nằm trong chính lực lượng điều tra. Đại biểu đề nghị “xây dựng lực lượng điều tra chống tham nhũng độc lập với công an để chuyên điều tra những… ông lớn vì trước nay mới chỉ bắt được những vụ kiểu “con mèo ăn miếng mỡ”, chưa bắt được "con cọp cắp con heo”.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: Cần xây dựng lực lượng điều tra chống tham nhũng độc lập
Ông Thuyền cũng phản ánh, những vụ án tham nhũng dân kêu nhiều vì chậm xử lý. Cử tri đã nhiều lần hỏi ông Thuyền, phải chăng cơ quan chức năng có dụng ý, để sự việc nguội rồi mới xử. Đại biểu xác nhận có bất cập trong nhiều khâu giải quyết án. Có những vụ đưa nhận hối lộ, bắt được quả tang nhưng cơ quan chức năng vẫn đòi hỏi giám định vân tay trên phong bì… một cách rất cứng nhắc, nguyên tắc.
Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) đặt vấn đề, tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp nhà nước hiện đã đến mức “nghịch lý”. Trước đây khi xây dựng các tập đoàn, TCty thì nhà nước nắm vai trò quản lý, điều hành các tập đoàn này. Ngược lại, hiện giờ, dường như chính các tập đoàn là người điều hành nhà nước chạy theo các quyền lợi của mình.
“Như vậy thì chống tham nhũng có đề ra giải pháp nào cũng chỉ là hình thức” – nữ đại biểu đề xuất, tới đây sửa luật Phòng chống tham nhũng, mở rộng diện đối tượng kê khai tài sản thì cũng phải làm sao cho thực chất.
Thay đổi cả cách đánh, người đánh tham nhũng
Đại biểu Trần Đình Nhã (Thừa Thiên-Huế) khái quát, chưa bao giờ từ “tham nhũng” được nói với tần số xuất hiện nhiều như hiện nay. Tham nhũng không chỉ là thách thức với Đảng, nhà nước mà còn là thách thức với cả Quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất và thách thức cả sự kiên nhẫn, chịu đựng của người dân.
Cũng giống như đại biểu Thuyền, ông Nhã dẫn con số hơn 150 vụ án với 300 bị cáo được đưa ra xét xử về các tội danh liên quan đến tham nhũng thời gian vừa qua, đặt nghi vấn, sao chỉ xử được ngần ấy vụ và toàn án nhẹ mà đâu cũng ta thán, phải chăng là thực tế bị bôi đen hơn?
Đại biểu Trần Đình Nhã: Chống tham nhũng chưa có thương vong nhiều...
“Tôi không nghĩ thế. Chính phủ cũng không nghĩ thế nên mới nhận định tham nhũng phức tạp, có dấu hiệu tăng trong ngành tài chính, ngân hàng, ở các tập đoàn kinh tế lớn… đang thử thách niềm tin của người dân” – ông Nhã tự trả lời và kêu gọi “phải tuyên chiến thôi”.
Đại biểu dùng từ “tuyên chiến” vì theo ông, “cuộc chiến” chống tham nhũng như mọi người vẫn nói chưa xảy ra mà nếu xảy ra rồi thì cũng chưa quyết liệt vì “cả hai bên đều chưa có thương vong gì nhiều”. Ông Thuyền cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi cả cách đánh và người đánh tham nhũng.
Theo đó, về mức độ, đánh tham nhũng phải quyết liệt như với tội xâm phạm an ninh quốc gia, cần áp dụng những biện pháp như với kẻ khủng bố, nội gián. Về cách thức, cần đánh từ trên xuống dưới mới… đủ lực. Để triển khai cách đánh này, ông Nhã cũng đề xuất “tổ chức lại lực lượng chủ công”.
Theo đó, đại biểu cho rằng cần thành lập cơ quan độc lập điều tra về tham nhũng. Đây là cơ quan độc lập thuộc Quốc hội, giống như mô hình kiểm toán nhà nước, để chuyên điều tra, xét xử tội phạm tham nhũng, được tổ chức bộ máy từ những cán bộ tốt nhất, xuất sắc nhất từ lực lượng công an. Cơ quan này phải có thực quyền và được độc lập để điều tra chống tham nhũng, có thể có văn phòng ở địa phương hoặc ở ngay những ngành nhạy cảm có tỷ lệ tham nhũng cao.
Giải pháp “mạnh tay” khác, ông Nhã đề nghị kỳ họp này, khi ban hành Nghị quyết về công tác tham nhũng, Quốc hội quán triệt ngay việc không áp dụng án treo, không đặc xá, tha tù sớm với tội phạm tham nhũng.
Rào chắn “3 không” cho cán bộ định tham nhũng
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) “mổ xẻ” ở khía cạnh khác. Qua thanh tra phát hiện sai phạm, Thanh tra nhà nước đã kiến nghị thu hồi gần 8000 tỷ đồng nhưng con số thực tế thu về được chỉ khoảng 30%. Bà Khá hỏi thẳng, việc thu hồi từ thi hành án khi xét xử án tham nhũng đã buộc trả lại tài sản sai phạm bao nhiêu phần trăm.
Bà Khá cũng bàn về hướng xây dựng cơ chế để làm sao đạt được mục đích “3 không. Cán bộ không muốn tham nhũng vì đã có thu nhập xứng đáng, đệm ấm chăn êm. Thứ hai, có muốn cũng không dám tham nhũng gì sẽ bị thu hồi bằng hết tài sản “ăn vụng” được. Nguyên tắc này để chống tư tưởng chấp nhận hi sinh bản thân mình để cho người thân, gia đình hưởng lợi từ tài sản tham nhũng kiểu “hi sinh đời bố củng cố đời con”.
Chữ “không” thứ 3 là “không thể tham nhũng”. Đại biểu phân tích, vì người tham nhũng chắc chắn biết việc mình làm là sai nên đều có tính toán, kế hoạch chặt chẽ để “liên doanh – liên kết – liên thông” cùng nhau phạm tội. Vậy nên vụ tham nhũng nào phát hiện, số cán bộ “dính án” đều là số nhiều.
Và khi bị phát hiện, người tham nhũng cũng lại có “3 chạy”: chạy án, từ có tội thành không tội; chạy tội – từ tội nặng thành tội nhẹ và chạy tù – từ tù ngồi thành tù treo. “Tội phạm tham nhũng vì thế tha hồ yên tâm rỉ tai, động viên nhau làm tới, như kiểu một quảng cáo, không có gì phải lo vì trời mưa đã có ô, trời lạnh có áo và ốm đã có… thuốc” – nữ đại biểu ví von.
P.Thảo