Có dấu hiệu tham nhũng bị đình chỉ công tác?
TTO - Đó là một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, được đặt ra tại thảo luận tổ về dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) trong chương trình làm việc chiều 2-11 của kỳ họp thứ 4 Quốc hội.
|
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Ảnh: Việt Dũng |
Tại buổi thảo luận của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, đại biểu Huỳnh Thành Lập - trưởng đoàn - đề nghị các đại biểu tranh luận thêm quy định cho phép tạm đình chỉ ngay công tác đối với những người có dấu hiệu tham nhũng.
Ông cho biết có ý kiến cho rằng “làm như vậy là hồ đồ”.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói trước hết phải làm rõ thế nào là “dấu hiệu”. Khi tạm đình chỉ sai thì bồi thường đối với người bị oan ra sao, không đơn giản. “Tăng cường chống tham nhũng là cần thiết, nhưng cũng phải có trách nhiệm bảo vệ những người lương thiện, trung thực, thẳng thắn”, ông Nghĩa lưu ý.
Ông Lập cho biết Chính phủ có báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội công tác phòng chống tham nhũng. “Đã có nhiều nỗ lực quyết tâm trừng trị tham nhũng”, ông Lập nói.
Theo ông Lập, bốn biện pháp phòng ngừa được đánh giá là có hiệu quả tích cực: cải cách hành chính (tập trung đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, sử dụng ngân sách…); công khai, minh bạch trong tổ chức hoạt động của các cơ quan nhà nước; xây dựng, thực hiện các chế độ định mức tiêu chuẩn; xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Tuy nhiên, hai biện pháp phòng ngừa tham nhũng được đánh giá có hiệu quả ở mức trung bình: chuyển đổi vị trí công tác, xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Ba biện pháp có nhiều ý kiến đánh giá hiệu quả thấp trong phòng ngừa tham nhũng: kê khai tài sản, thu nhập; trả lương qua tài khoản; nộp lại quà tặng.
Ông Lập đặt vấn đề trong 9 giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa có 3 biện pháp được cho là hiệu quả thấp thì phải sửa trong luật.
Về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập, có ý kiến cho rằng quy định việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi người có nghĩa vụ kê khai thường xuyên làm việc, công tác. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị cần quy định việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại cả nơi người có nghĩa vụ kê khai thường xuyên làm việc, công tác và nơi cư trú.
Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng, Ủy ban Tư pháp cho biết qua thẩm tra báo cáo phòng chống tham nhũng hằng năm của Chính phủ và giám sát, khảo sát của ủy ban này tại một số địa phương cho thấy việc thực hiện các quy định về xử lý trách nhiệm đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng còn gặp lúng túng và ở một số nơi chưa thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm.
Không ít ý kiến cho rằng trên thực tế, việc thực hiện các quy định này dường như là một nghịch lý, thủ truởng cơ quan quản lý nhà nước càng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để phát hiện tham nhũng thì người đó lại càng phải chịu trách nhiệm về công tác quản lý cán bộ vì đã để xảy ra nhiều hành vi tham nhũng.
Do đó, việc bao che hành vi tham nhũng rất khó tránh khỏi. Ủy ban Tư pháp đề nghị những bất cập nói trên cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, quy định rõ và cụ thể hơn để góp phần tháo gỡ khó khăn, bất cập, hiệu quả thấp như hiện nay.
Chính phủ đã ban hành 96 nghị định, 49 nghị quyết, 67 quyết định về quản lý và điều hành về phòng chống tham nhũng. Các bộ ngành, địa phương đã ban hành 3.141 văn bản, sửa đổi, bổ sung hơn 1.000 văn bản liên quan về phòng chống tham nhũng. |
QUỐC THANH