Vua voi Ama Kông tại lễ thượng thọ lúc 100 tuổi.
Ama Kông tức là bố thằng Kông, tên gọi thông thường sau khi ông sinh con trai đầu lòng đặt tên là Y Kông - theo phong tục của người M’nông gốc Lào. Ama Kông là con trai của Y Ki, em ruột của Y Thu - người săn được gần 500 con voi rừng.
Theo thông tin từ gia đình, tên khai sinh của ông là Y Prông Êban. Căn cước của ông ghi sinh năm 1917, nhưng theo gia đình cho biết Ama Kông sinh năm 1909. Ama Kông nổi tiếng khắp Tây Nguyên vì đã săn bắt được 298 con voi rừng. Ông cũng được biết đến là một tay chơi “khét tiếng” và “tân thời” nhất Bản Đôn (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) thời bấy giờ.
Những năm 50, 60 của thế kỷ trước, trong khi người đồng bào M’nông, Ê-đê ở Bản Đôn còn đóng khố sinh hoạt thì Ama Kông đã diện đồ Tây, thắt cà vạt, đi giày Tây đen bóng lịch lãm.
Ông từng ngồi voi băng rừng, vượt núi từ Bản Đôn về Buôn Ma Thuột để rước cho được thợ chụp ảnh về tận Bản Đôn chỉ chụp ảnh kỷ niệm. Bây giờ trong căn sàn cổ kính vẫn còn lưu giữ và trưng bày một số bức ảnh đen trắng tuyệt đẹp. Đáng nói, thời đó một bức ảnh cỡ 13x18 đen trắng giá thành tương đương một con trâu khỏe của làng.
Sợi dây săn voi của Ama Kông.
Đầu năm 1960, trong một chuyến săn voi trong rừng sâu, Ama Kông đã săn được một con bạch tượng quý giá, ông đem biếu cho Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, Ngô Đình Diệm.
Thời đó Ama Kông còn được người Pháp đưa xuống Buôn Ma Thuột học chữ Tây nhưng sau đó ông bỏ về Bản Đôn. Lý giải điều này người ta bảo ông ham thích chu du, phiêu bạt, hoang dã nên không theo được tính kỷ luật nghiêm khắc của nhà trường.
Thế nhưng, nhờ quãng thời gian theo học ở đây mà sau này ông thông thạo tiếng Pháp. Những đoàn khách người Pháp đến Bản Đôn thực sự bị lôi cuốn, cực kỳ ấn tượng khi nghe chính tác giả thuyết trình, kể lại những chuyến săn voi kỳ thú của mình bằng tiếng Pháp.
Ngoài ra, Ama Kông còn được biết đến là một nam nhi hảo hán, dũng cảm như Đam San trong Sử thi khi một mình bắt sống bò rừng bằng tay không, chơi giỏi nhiều nhạc cụ dân tộc, biết thổi tù và…. Thế nên khắp Bản Đôn, ông có “sức hút” ghê gớm đối với các thiếu nữ. Ông được biết đến với 4 lần cưới vợ - mỗi lần cưới vợ là mỗi câu chuyện tình “lâm li”. Những năm 90 thế kỷ trước, Vua voi” Ama Kông đã ngoài 80 tuổi, ông làm hướng dẫn viên du lịch ở vườn Quốc gia Yok Đôn kể cho du khách nghe những câu chuyện hấp dẫn, thú vị xung quanh nghề săn bắt voi rừng.
Trong một lần dạo chơi ở buôn khác, tình cờ Ama Kông quen một cô gái mới 25 tuổi tên là H’Khăm. Vì phải lòng cô gái mang 2 dòng máu Ê đê – Ma Rốc, Ama Kông bỏ bê công việc để ngày đêm đến với tình nhân. Để danh chính ngôn thuận, Ama Kông đã dắt cô này về ra mắt buôn làng, chính thức kết duyên vợ chồng bất chấp H’Khăm đã có một con gái.
Người ta đồn tai rằng, Ama Kông biết một phương thuốc có tên là “T’Klơng Mlêng”. Do uống thuốc này thường xuyên nên mới giữ được “phong độ”?! Hiệu quả từ phương thuốc “tráng dương bổ thận” này lan truyền khắp nơi, ai đến Đắk Lắk cũng mua cho bằng được. Thấy lợi nhiều người cũng bắt chước vào rừng tìm xuân dược “Ama Kông”. Hồi đó khắp TP. Buôn Ma Thuột đâu đâu cũng thấy thuốc Ama Kông, thật giả lẫn lộn, khó phân biệt.
Viết Hảo