'Người bà hôi quá, bỏ cháu xuống đi'

- “Người bà hôi quá, bỏ cháu xuống đi, cháu không thích đâu.” Lặn lội từ quê lên thăm đứa cháu, nghe câu này mà thấy tủi thân, mặt bà trĩu xuống.

Ảnh minh họa

Nói thật mất lòng

“Người bà hôi quá, bỏ cháu xuống đi, cháu không thích đâu.” Lặn lội từ quê lên thăm đứa cháu, nghe câu này mà thấy tủi thân, mặt bà trĩu xuống. Mẹ Ken ở ngay đó cũng không kịp ngăn chặn con trai nói lời khó nghe. Trẻ con thường nghĩ gì nói nấy. Có những chuyện không nên nói cũng đem ra nói. Nhiều lần ba mẹ Ken ngượng mặt khi con nói những điều không hay với người khác. Người lớn nhiều khi tránh mất lòng cũng hay nói những câu không thật. Sự việc lần này càng làm cho ba mẹ cu Ken không thể trì hoãn việc dạy con khi nào phải nói thật, khi nào nên nói dối để vui lòng người khác.

Lợi ít mà hại thì nhiều

Từ khi dạy con phải nói lời hay, không nên chê người khác, cu Ken đã bỏ bớt được cái tật nghĩ gì nói nấy. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cậu cũng nói dối luôn cả ba mẹ, điều mà trước đó chưa từng xảy ra. Điều này khiến ba mẹ Ken phải suy nghĩ, liệu việc mình dạy con nói dối làm vui lòng người khác có phải là sai lầm ?

Việc người lớn nói dối trong quan hệ giao tiếp là đôi khi rất khó tránh. Tuy nhiên, ở chừng mực nào đó, người lớn cũng có thể giữ mình không bị nói dối quá đà, phân biệt lúc nào có thể, lúc nào không nên. Còn trẻ con, chúng rất dễ lạm dụng để chối bỏ trách nhiệm, để thu hút sự chú ý, hay để khỏi bị phạt…Khi cha mẹ dạy con nói dối, thì vô tình trẻ cũng hiểu đó là cách xử lý tốt nhất trong những tình huống mà chúng đối mặt. Chúng sẽ không chịu suy nghĩ xem có thể nói thật mà vẫn giải quyết được vấn đề không. Thói quen nói dối sẽ tạo cho trẻ sự thiếu cố gắng, chúng có thể không làm tốt những vẫn nghĩ chỉ cần nói dối là qua chuyện. Nói thật giúp người ta sống tốt, hạn chế làm việc xấu để khỏi che giấu. Trong khi đó, nói dối sẽ tạo điều kiện hình thành sự dễ dãi, thiếu cố gắng vươn lên.

Dạy con lựa lời mà nói

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Có nhiều tình huống trong cuộc sống ta hoàn toàn có thể nói thật mà vẫn làm đẹp lòng người khác.

Thay vì miễn cưỡng nói dối là trang phục của ai đó đẹp ta có thể phát hiện một chi tiết nào đó đáng khen. Có thể là màu tóc và màu áo rất hợp nhau hay màu váy này là xu hướng mới của năm nay đấy…

Thay vì nói thẳng “Người bà hôi quá, bỏ cháu xuống đi, cháu không thích đâu”, có thể nói “Bà đi đường mệt, cháu mở nước cho bà tắm rồi bà ra chơi nhé”.

Bác sỹ thay vì khuyên bệnh nhân “Bệnh của bác không sao đâu, cứ yên tâm về nhà điều trị” thì cũng có thể nói “Bác cứ yên tâm, tôi đã chữa cho bệnh nhân A cũng tương tự như bác. Bác ấy giờ đã hoàn toàn khỏe mạnh và tôi tin bác cũng làm được”.

Một khi đã tin vào việc nói dối là cách giải quyết tốt nhất trong những tình huống khó thì sẽ mất thói quen nói thật một cách khôn ngoan. Suy nghĩ để ứng xử thật khôn ngoan mà không phải nói dối cũng là cách giúp trẻ tăng cường khả năng suy luận. Dạy con vừa ngoan vừa khéo nói là việc lâu dài, cần sự theo sát của cha mẹ. Lời nói phải đúng sự thật, nhẹ nhàng, lễ phép xuất phát từ lòng yêu thương mọi người. Những lời nói mất lòng, không hay thì không nên nói.

Những lời nói chân thật, mang lại ích lợi cũng cần tế nhị chọn đúng chỗ, đúng lúc mới mang lại hiệu quả.

Đối với cha mẹ, việc không nói dối cũng không phải dễ. Tuy nhiên, nếu cha mẹ không làm gương thì khó có thể dạy bảo cho trẻ nghe lời. Cha mẹ hãy lắng nghe con nhiều hơn và chia sẻ cho con cách nói thật tốt hơn trong mỗi tình huống mà con gặp phải để giúp con hoàn thiện mình.

  • Trần Quốc Tuấn
vietnamnet.vn
© 2010 Báo VietNamNet. All rights reserved. Thông tin Tòa soạn - Liên hệ Tòa soạn - Nhận tin RSS
® Ghi rõ nguồn "VietNamNet" khi phát hành lại thông tin từ website này.