Hành trình "kiến tha lâu cũng đầy tổ"
Đang nuôi con nhỏ 10 tháng tuổi, chồng lại đi lái tàu sông vắng nhà biền biệt nên hầu như ngày nào chị Nguyễn Hải Yến, 26 tuổi, cũng phải tự thân vận động. Với mức lương công nhân may 4 triệu đồng một tháng, chị phải đau đầu đối mặt với bài toán chi tiêu trong thời điểm mọi thứ đều tăng giá một cách chóng mặt. Để tồn tại ở Hà Nội mà không quá thiếu thốn, bà mẹ một con này lên hẳn một kế hoạch chi tiêu hợp lý và tiết kiệm nhằm tích lũy cho bản thân.
2 năm áp dụng chi tiêu và tiết kiệm theo cách này, người phụ nữ 26 tuổi "năng nhặt chặt bị" ấy đã nuôi con nhỏ khá thoải mái. Bên cạnh đó, chị còn tiết kiệm được một khoản cho gia đình phòng lúc trái gió trở trời hoặc khi con ốm đau cần thuốc thang.
“Từ lúc lập gia đình mới thấy đồng lương hiện nay không chạy kịp theo giá cả leo thang. Ở chỗ mình, mọi chị em đều làm thêm khiếp lắm. Mình có con nhỏ, chồng lại thường xuyên đi xa nên không 'cày cuốc' được. Nhưng mình cũng có những cách để giảm chi phí tới mức thấp nhất”, Yến nói. Cụ thể mức chi tiêu nhà chị mỗi tháng như sau:
- Tiền gửi con: 1 triệu đồng
- Tiền ăn sáng, tối của 2 mẹ con: 1,5 triệu đồng
- Tiền sữa: 800.000 đồng
- Chi tiêu linh tinh: 500.000 đồng
- Tiền điện nước, gas: 300.000 đồng.
|
Dù lương thấp, chị Yến vẫn còn tích lũy. |
Như vậy, tổng chi phí mỗi tháng, chị Yến chi khoảng 4 triệu đồng. Còn số tiền lương của chồng (dao động 7 - 8 triệu đồng), chị để tích lũy.
11 mẹo giảm chi tiêu và tích lũy của chị Yến
Một mình nuôi con nhỏ, lại vất vả làm việc nhưng chị Yến cũng cố gắng có chút của ăn của để. Bản thân chị giãi bày: "Cuộc sống ai mà chả vất vả, nhất là khi có con nhỏ và chồng thường đi xa như chồng mình. Nhưng cũng phải cố thu vén để tích lũy phòng lúc sa cơ lỡ vận. Cho đến giờ gần 2 năm kết hôn, vợ chồng mình cũng để ra được hơn 200 triệu đồng. Nói chung, có chút tích lũy trong tay, mình cũng yên tâm hơn".
Theo người phụ nữ này thì, để tích lũy thành công, hằng ngày chị đều thực hiện theo những mẹo giảm chi phí tới mức tối thiểu. Và sau 2 năm, mẹo này đã trở thành thói quen khó bỏ của chị.
1. Để tiết kiệm xăng xe khi đi lại, thay vì đi xe máy, chị đi chiếc xe đạp cà tàng của mình, nhất là khi cần đến những nơi không quá xa.
2. Hạn chế sử dụng điện, nước ở mức tiết kiệm nhất khi ở nhà. Khi không cần thiết, không bật điện. Hoặc khi sử dụng xong, phải tắt các thiết bị điện, nước luôn nhằm tránh lãng phí.
Chị cũng mua thêm bếp than tổ ong để sử dụng khi cần hầm nấu gì lâu như ninh xương, sắc thuốc. Mỗi khi sử dụng bếp than, để đảm bảo sức khỏe, chị cũng lưu ý mang lên sân thượng hay nấu ngoài sân.
3. Hằng ngày chỉ mang một số tiền cố định để đi chợ. Điều này tránh được tình trạng mua theo hứng và tính được tiền chợ hằng ngày. Những lúc mua rau củ, hành tỏi, cà chua, chị cố gắng tìm mua ở những chỗ bán buôn chứ không mua ở hàng bán rau lẻ để tiết kiệm. Đặc biệt, chọn mua rau củ đúng mùa vụ, không ăn rau trái vụ. Bởi ăn rau trái vụ đắt đỏ và không an toàn.
Bên cạnh đó, nếu mua sữa, xà phòng, đồ dùng khác thì chị chọn mua ở đại lý chứ không mua ở các siêu thị như trước vì tại đại lý, chúng có giá rẻ hơn nhiều.
4. Chị tự nấu ăn sáng và tối ở nhà, vừa đảm bảo vệ sinh và tiết kiệm. Để không nhàm chán và đơn điệu khi ăn uống, thay vì ăn xôi sáng, chị mua thêm mấy thùng mì tôm, bánh đa cua, miến, cháo ăn liền, bánh quy... để sẵn trong nhà. Sáng ra thích loại nào chị tiện ăn loại đấy. Ngoài ra, chị cũng mua sẵn những thức ăn để được lâu như lạp xường, ruốc, muối vừng ... để lúc nào cũng có thức ăn sẵn.
5. Những bữa trưa, chị mang cơm đi và vi sóng tại công ty nên vẫn nóng hôi hổi, lại đảm bảo và ngon miệng. Ăn trưa như vậy vừa rẻ, sạch sẽ, hợp vệ sinh, giảm ra đường, đỡ tốn tiền xăng, tốn tiền shopping...
Để tránh việc phải nấu nướng lích kích, buổi tối chị nấu thừa thức ăn một chút. Cơm thì chỉ cần sáng dậy cắm, rồi đánh răng, rửa mặt, ăn sáng xong là cơm cũng chín. Hoặc lười thì cắm cơm từ tối bởi chị nói "Đằng nào hôm sau cũng quay vi sóng".
6. Làm mẹ, chị cũng hạn chế mua sắm quần áo và khi mua thì luôn lưu ý đến độ bền của sản phẩm. Nói chung việc mua sắm chị luôn cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định. Chỉ mua những gì cần thiết chứ không mua lung tung.
7. Với các thực phẩm cho em bé, chị không chọn loại nhập ngoại hay hàng xách tay mà cho con sử dụng các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam vì giá thực phẩm ngoại quá đắt, con chị ăn hàng nội vẫn khỏe mạnh.
8. Mỗi cuối tuần, chị vẫn tự tăng gia trồng rau sạch để sử dụng. Ăn rau sạch vừa tiết kiệm, vừa yên tâm (cạnh nhà chị có một mảnh vườn nhỏ của nhà bác hàng xóm bỏ trống nên chị tranh thủ thâm canh trồng rau sạch).
9. Chỉ gọi điện thoại khi cần, hạn chế "nấu cháo" điện thoại hay tám dài dòng lê thê với bạn bè, người thân.
10. Dành 15 phút mỗi sáng khi con còn ngủ để tập thể dục. Điều này theo chị Yến giúp nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng nhằm tránh bị bệnh. "Khi có sức khỏe, bạn chẳng phải lo thuốc men tăng giá nữa và đỡ bị stress với bão giá đang tung hoành. Mình cũng khuyên anh xã khi ở trên tàu bỏ hút thuốc lá vì chúng có hại cho sức khỏe" - bà mẹ một con hồ hởi nói.
11. Tại công ty, 8 giờ làm việc, chị luôn cố gắng tập trung làm thật tốt bất cứ công việc nào. Điều này đồng nghĩa với việc sản phẩm mình tạo ra sẽ được nhiều hơn. Hoặc cơ hội được tăng lương, tăng chức thì càng đến gần hơn với mình.