Đi tìm cận vệ của Bác Hồ nơi thâm sơn cùng cốc

06-11-2012 | 15:15

(Nguoiduatin.vn )- Ông là một trong những người được đi đón Bác, khi Người từ Trung Quốc trở về sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Ông cũng chính là người chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho Bác trong suốt thời gian Người làm việc tại Pắc Bó (Cao Bằng).

Rưng rưng nhớ ngày đi đón Bác

Người mà chúng tôi muốn nhắc đến ở đây là ông Giàng Chấn Nùng (SN 1925 tại xã Trung Thịnh, Hoàng Su Phì, Hà Giang). Từ khi còn nhỏ, cậu bé Nùng đã sớm trở thành một thành viên quan trọng trong các hoạt động của hội Thanh niên cứu quốc ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Bước chân của ông cũng đã bôn ba khắp các tỉnh phía Bắc để làm giao liên cho cách mạng. Từ bé đã nổi tiếng là thông minh, mới lên 15 tuổi, cậu bé giao liên người Tày đã nhanh chóng thông thạo tiếng phổ thông và hầu hết các thứ tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số như Thái, Mông, Dao, Nùng...

Sau này, trong quá trình hoạt động cách mạng, ông Nùng còn biết thêm cả tiếng Pháp, Mỹ, Trung Quốc. Có lẽ, chính vì sự hoạt bát, nhanh nhẹn, am hiểu địa hình và khả năng thông thạo nhiều thứ tiếng như vậy, nên năm 16 tuổi, ông đã được vinh dự là một trong những người được đi đón Bác từ Trung Quốc trở về sau 30 năm Người bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước.

Ông Nùng đang kể chuyện về cuộc đời làm cách mạng của mình với PV.

Mặc dù đã gần 90 tuổi, nhưng ông Nùng vẫn còn minh mẫn lắm. Nói chuyện với chúng tôi, ông vẫn nhớ những sự kiện xảy ra vào cái ngày 28/1/1941 (Tức mùng 2 Tết Nguyên đán năm Tân Tỵ). Tay run run nâng cốc trà nóng, ông rưng rưng nhớ lại những kỷ niệm trong ngày đi đón Bác từ Côn Minh (thủ phủ của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) trở về, qua ngả biên giới Việt - Trung.

Ông cho biết, người Nùng ở vùng núi phía Bắc vốn có phong tục cứ đến Tết Nguyên đán, các chàng rể không kể tuổi tác, xa hay gần đều phải mang đồ lễ về cúng ma ở nhà bố mẹ vợ. Vì thế, Bác và tất cả những người đi cùng đều hóa trang thành những chàng rể người dân tộc đang trên đường về nhà bố mẹ vợ để qua mắt kẻ thù.

Ông Nùng còn nhớ như in hình ảnh của Bác trong ngày hôm ấy: "Bác mặc trên người bộ trang phục đặc trưng của đàn ông người Nùng trong ngày Tết cùng chúng tôi đi bộ trên đường. Lúc ấy, Bác đội một chiếc mũ bê - rê may bằng vải màu chàm, đi một đôi giày vải đen và quàng thêm một chiếc khăn mỏng vừa để giữ ấm, vừa để che bộ râu cho khỏi lộ".

Khoảng giữa trưa ngày 28/1/1941, đoàn đi đón Bác do đồng chí Hoàng Sâm chỉ đạo đã đặt chân đến dãy núi Phia Sum Khảo, nơi có cột mốc 108 trên biên giới Việt - Trung thuộc xã Trường Hà (Hà Quảng, Cao Bằng). Cùng lúc đó, nhóm trực tiếp bảo vệ Bác Hồ cũng đã về đến nơi. Ông Nùng không giấu nổi giọt nước mắt xúc động của tuổi già khi nhớ lại hình ảnh Bác đứng lặng bên cột mốc 108. Người phóng tầm mắt ra xa, say sưa ngắm nhìn toàn cảnh núi rừng trùng điệp nơi mảnh đất địa đầu thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau đó, Bác lấy dao, đào một miếng đất nhỏ. Người nâng niu miếng đất ấy như đang cầm một viên ngọc quý rồi âu yếm áp miếng đất đó vào hai má mình. Có lẽ, Người xa quê hương đã quá lâu, nên nhớ tất cả những gì thuộc về đất nước thân yêu. Vừa kể cho chúng tôi nghe, ông Nùng lấy hai tay áp lên má để diễn tả lại hành động của Bác năm xưa. Lúc đó, bỗng nhiên tôi cũng cảm thấy xúc động như thể chính mình cũng đang trực tiếp có mặt trong thời điểm đó.

Vinh dự được Bác Hồ tặng quà

Sau khi về nước, Bác ở lại Cao Bằng và làm việc tại hang Pắc Bó, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước. Vì thông thuộc nhiều địa bàn, hiểu biết nhiều phong tục, tập quán cũng như nói được tiếng của nhiều dân tộc thiểu số nên chàng thanh niên Giàng Chấn Nùng được Bác giữ lại bên mình. Công việc của ông Nùng lúc này là lo chuyện cơm nước hàng ngày, dẫn đường, phiên dịch và bảo vệ Người khi đi thăm đồng bào ở các thôn bản trong vùng.

Đi đâu Bác cũng đưa ông đi cùng như một người bạn đường thân thiết. Ông tâm sự, những ngày được sống và làm việc cạnh Bác Hồ có lẽ là những ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời làm cách mạng của mình.

Ông Nùng và khẩu súng được Bác Hồ tặng.

Không chỉ được Bác Hồ tin yêu hết mực, ông luôn tạo được mối thiện cảm lớn với những đồng chí hoạt động cách mạng cùng thời, đặc biệt là đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh... Nhớ những ngày đầu mới chuyển về hoạt động ở Tuyên Quang để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa, đồng chí Võ Nguyên Giáp và một số đồng chí khác cùng nhau lên bản người Tày xin cót về phơi thóc. Gặp mấy cô gái bản đang giã gạo, đồng chí Võ Nguyên Giáp ngỏ lời xin 10 cái cót. Nhưng không hiểu sao, vừa nghe mấy anh bộ đội trình bày xong, các cô gái trong bản mặt đỏ ửng, rủ nhau bỏ chạy tán loạn.

Biết ông Nùng là người Tày lại hiểu biết phong tục của đồng bào các dân tộc thiểu số, nên mọi người vội chạy về gọi ông lên tận bản để hỏi cho ra nhẽ. Nghe kể lại sự việc, ông Nùng ôm bụng cười lăn cười bò. Hóa ra trong tiếng Tày từ "cót" có nghĩa là "váy" cho nên thấy các anh bộ đội tự dưng đến nhà xin 10 cái "váy", các cô gái mới sợ hãi mà "chạy mất dép". Sau khi nghe ông giải thích, cả đoàn người đi xin cót được một trận cười nghiêng ngả về việc nhầm lẫn do bất đồng ngôn ngữ. Ông bảo: "Từ đấy về sau, mỗi khi có việc phải đi lên bản, ông Giáp lại đưa tôi đi cùng".

Ngoài những lúc ở bên Bác, ông Nùng còn đảm nhiệm rất nhiều công việc khác do cách mạng giao phó. Và hầu như trong bất cứ công việc nào, ông đều cố gắng hoàn thành và đã hoàn thành một cách xuất sắc. Với sở trường về ngôn ngữ cũng như vốn hiểu biết phong phú về văn hóa các dân tộc thiểu số vùng cao, cho nên trong các hoạt động tuyên truyền, phổ biến đường lối của Đảng đến với đồng bào các dân tộc thiểu số hoặc kêu gọi quân địch đầu hàng, ông đều hoàn thành xuất sắc.

Trong không khí sôi sục của những ngày tiền kháng chiến 1945, một mình ông trong vai trò "sứ giả" đã không quản khó khăn, nguy hiểm, tiếp cận và liên tiếp kêu gọi được hơn chục đồn địch của Pháp, đóng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh lân cận ra hàng.

Trong số đó có hai chánh tổng độc ác khét tiếng làm việc cho Pháp là chánh Chung và chánh Thùy thuộc hai đồn chủ chốt của Pháp đóng tại địa bàn là Hàm Yên và Sơn Dương. Sau hàng loạt chiến công dụ hàng quân địch, các đồng chí, anh em đều gọi ông là nhà thương thuyết đại tài. Ông được Bác Hồ tặng cho một khẩu súng AK để ngợi khen.

Năm 1945, được sự phân công của Đảng, ông trở về Hoàng Su Phì (Hà Giang) tiếp tục tham gia hoạt động bí mật vùng hậu địch, chỉ đạo công tác tình báo, trinh sát. Năm 1955, ông may mắn được gặp lại đồng chí Phạm Văn Đồng lúc đó đang là Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đồng chí Phạm Văn Đồng đã đề nghị phong tặng cho ông Huân chương kháng chiến hạng nhất. Đồng thời, ông cũng được về thăm Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch và được Người đưa đi thăm một số địa danh nổi tiếng ở Thủ đô. 

Chỉ mong gặp lại Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đến tuổi nghỉ hưu, vinh dự nhận danh hiệu 60 năm tuổi Đảng, ông lui về sống cùng người con trai út ở thôn Khuẩy Trang (Lập Xuân, Lâm Bình, Tuyên Quang), một vùng núi heo hút mà không đòi hỏi gì cho những năm tháng cống hiến của mình. Năm nay, đã ngót 90 tuổi, nhưng hàng ngày ông vẫn đi bộ hơn chục cây số lên rừng kiếm củi, say sưa kể chuyện kháng chiến. Trước khi về, tôi hỏi ông có mong muốn gì không. Ông nắm chặt tay tôi lắc đầu: "Ta còn sống được bao nhiêu nữa đâu. Chỉ mong được gặp ông Giáp thêm một lần nữa để cùng nhau ôn lại những năm tháng kháng chiến gian khổ mà oai hùng".

Dương Dung

Tags: cận vệ, Bác Hồ, thâm sơn