Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UBTU MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim
Ảnh: Hoàng Long
Tham nhũng ngày càng tinh vi
Thưa Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký (PCTKTTK), nguy cơ tham nhũng đã được Đảng và Nhà nước nhìn nhận, Hội nghị Trung ương 4, 5 cũng như trên diễn đàn Quốc hội cuối tuần qua đều khẳng định tham nhũng tràn lan, nghiêm trọng, đang đặt ra những thách thức lớn cho Việt Nam?
Phó Chủ tịch Vũ Trọng Kim: Mặc dù Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể rất quan tâm và nỗ lực trong vấn đề phòng chống tham nhũng, nhưng phải thừa nhận rằng, lâu nay, chúng ta vẫn chưa ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn này. Bởi hình thức của tham nhũng ngày càng tinh vi với những biểu hiện độc quyền, bưng bít thông tin và thiếu sự giải trình công khai minh bạch, đồng thời lại diễn ra trong phạm vi rộng ở nhiều cấp, nhiều ngành nên việc tổ chức vận động, thực hiện cuộc đấu tranh này chưa đúng tầm.
Nếu chúng ta chỉ nhìn vào cơ quan Ban Chỉ đạo do Bộ Chính trị phụ trách, chỉ nhìn vào cương vị của Trưởng ban Chỉ đạo chống tham nhũng là Tổng Bí thư; nếu chúng ta tiếp tục ỷ lại, tiếp tục đứng ở ngoài chỉ trích xem Đảng làm được gì thì mọi nỗ lực của Đảng bằng không. Cả hệ thống chính trị, mọi người, mọi nhà cần phải có trách nhiệm đối với vận mệnh của dân tộc.
|
Nhân dân đang bức xúc và cũng ta thán quá nhiều rồi. Điều này là thách thức tồn vong của Đảng, của chế độ, thách thức lòng kiên nhẫn, sự chịu đựng của nhân dân. Các cụ, các vị trong MTTQ bảo rằng, "không thể không làm quyết liệt mà không làm thì thôi để Mặt trận làm. Có bấy nhiêu việc cứ loay hoay mãi”. Đây là tấm lòng của các cụ chứ tôi nghĩ, các cụ không thể thay được chính quyền, thay được Đảng để làm việc này.
Một trong những công cụ phòng ngừa tham nhũng hữu hiệu là giám sát và phản biện xã hội. Việc này vốn là nhiệm vụ quan trọng của MTTQ, nhưng chúng ta không thể phủ nhận nhiệm vụ này vẫn còn "nói nhiều làm ít”?
MTTQ là cơ quan đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân nhưng khi Mặt trận muốn yêu cầu các cơ quan tổ chức trả lời kiến nghị, đề xuất của Mặt trận, sự phúc đáp lại rất thấp, đạt khoảng hơn 30%. Thấp như vậy, việc giải quyết được bao nhiêu? Ngay cả Văn phòng Chủ tịch nước khi yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan trả lời về những đơn thư, vấn đề tham nhũng cũng chỉ nhận được 50% phản hồi. Vậy, công khai, minh bạch ở đâu, như thế nào khi chúng ta không đặt ra trong dự thảo sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng những chế tài xử lý?
Luật Phòng chống tham nhũng ra đời đã bảy năm nhưng chưa bao giờ đặt vấn đề kiểm soát tài sản, kiểm soát thu nhập trong khi việc minh bạch công khai tài sản, thu nhập vẫn chỉ thực hiện một cách hình thức, chưa thực chất. Quan điểm của PCTKTTK về vấn đề này như thế nào?
Minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ công chức như vừa rồi chúng ta làm chỉ là kê khai lấy lệ qua loa. Đây cũng là việc dung túng cho tham nhũng, lãng phí. Tại sao chúng ta chỉ kê khai cho vợ chồng công chức đó, còn con cái, cha mẹ, anh chị em của họ dễ dàng đứng tên khai hộ tài sản. Kê khai xong lại cất vào ngăn kéo, không ai biết. Như thế kê khai để làm gì? Tôi mong rằng, tới đây chúng ta cần mở rộng đối tượng cán bộ công chức kê khai tài sản thu nhập, phải có chế tài cụ thể hơn để theo dõi giám sát.
Trách nhiệm chính trị - chỗ ẩn náu của nhiều quan chức
Chống tham nhũng là lĩnh vực nhạy cảm, động chạm nhiều sẽ làm mọi người né tránh nhất là trong khu vực công quyền. Cán bộ dưới quyền e ngại, e dè trong tố cáo tham nhũng với thủ trưởng lãnh đạo cơ quan, phải chăng trong quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu có những điểm không rõ ràng, thưa Phó Chủ tịch?
Trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra tham nhũng cần quy định rõ phải chịu hình thức kỷ luật, hoặc truy cứu trách nhiệm trước pháp luật. Vì anh quản lý, làm lãnh đạo mà không ngăn chặn được, hoặc có ngăn chặn mà không hiệu quả, để xảy ra tham nhũng lãng phí anh phải liên đới chịu trách nhiệm.
Thưa, Phó Chủ tịch đang nói tới trách nhiệm chính trị của người đứng đầu?
Đúng vậy, nhưng vẫn có nhiều trách nhiệm thuộc về hành chính. Người đứng đầu chịu trách nhiệm về các quyết định hành chính và kể cả không ra quyết định hành chính để cho hậu quả tham nhũng xảy ra, rõ ràng, anh phải chịu trách nhiệm hành chính chứ không phải lấy trách nhiệm chính trị để thay nhiều trách nhiệm khác, thậm chí cả trách nhiệm hình sự. Nếu chúng ta không làm rõ vấn đề này thì nhiều năm qua, trách nhiệm chính trị chính là chỗ ẩn náu, né tránh của nhiều quan chức.
Có một thực tế, hiện người dân muốn thực hiện quyền tố cáo, nhưng không phải ai cũng dám làm, quan điểm của PCTKTTK như thế nào về vấn đề bảo vệ người tố cáo?
Đây là sự thật và điều này khiến cho xã hội đang rơi vào tình trạng mặc kệ, "đèn nhà ai nhà nấy rạng”, làm nảy sinh những tư tưởng bi quan, hữu khuynh tiêu cực. Chống tham nhũng mà dân không quan tâm, dân quay lưng lại, đó là một thất bại. Trong Luật Hình sự cũng như trong Luật Phòng chống tham nhũng, đều cho rằng, người tố cáo và người bị tố cáo đều có trách nhiệm như nhau, theo tôi là không nên. Nếu người tố cáo trong hoàn cảnh đưa hối lộ, sau đó thức tỉnh, tố giác thì họ phải được giảm nhẹ hoặc miễn trừ trách nhiệm. Làm rõ vấn đề này người tố cáo chắc chắn sẽ mạnh dạn hơn.
Để góp phần chống tiêu cực, tham nhũng trong cán bộ công chức, Chính phủ đã thực hiện một số giải pháp chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ công chức, viên chức có liên quan đến quản lý ngân sách, tài sản nhà nước, PCTKTTK nhận xét gì về quá trình này?
Về vấn đề này, ngay trong Luật Phòng chống tham nhũng tôi thấy chưa rõ ràng, còn lòng vòng. Chính vì vậy vừa qua chúng ta đã không thực hiện được việc luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác. Theo tôi, cán bộ công chức trong diện chuyển đổi này cần mang tính liên thông liên ngành. Một anh kế toán từ cơ quan A được chuyển sang cơ quan B, từ địa phương này sang địa phương khác, từ cấp dưới lên cấp trên, và ngược lại. Bộ Nội vụ phải chịu trách nhiệm về thống kê, thông báo kế hoạch luân chuyển đối với những cán bộ này. Như thế mới có kế hoạch chung về luân chuyển hoán đổi vị trí cho nhau và không phải chỉ làm cục bộ trong một cơ quan đơn vị.
Cần mở rộng cơ chế để Mặt trận và các tổ chức nhân dân tham gia giám sát
Trong thời gian qua, người dân rất bất bình trước những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, thiếu gương mẫu của một bộ phận người có chức vụ cao, nhưng lại "không nắm được thông tin” về việc này. Chúng ta không thể phủ nhận rằng vẫn có những "vùng cấm” trong cung cấp thông tin cho người dân, thưa PCTKTTK?
Báo chí và các tổ chức của nhân dân là một kênh phản ánh của nhân dân. Quyền yêu cầu cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí cần được đáp ứng. Nhưng tôi thấy có những sự can thiệp không cần thiết, vì có Luật Báo chí rồi. Tới đây chúng ta không nên đặt ra những "vùng cấm” những việc cần thông tin cho nhân dân giám sát thì lại cho rằng "bí mật”, nên để cho các nhà báo nêu lên sự thật, giải tỏa những đòi hỏi, tâm lý cần có thông tin của nhân dân. Đây chính là một hình thức để nhân dân giám sát kiểm tra thông qua việc cung cấp thông tin cho báo chí và cho các tổ chức nhân dân.
Hiện nay trong các cơ quan đơn vị đều có tổ chức thanh tra nhân dân, chăm lo việc chống tiêu cực lãng phí, thực hành tiết kiệm. Để vai trò thanh tra nhân dân đạt hiệu quả hơn, theo Phó Chủ tịch, các cơ quan này cần phải làm những gì?
Luật Phòng chống tham nhũng cần có những quy định các tổ chức chuyên trách về chống tham nhũng. Các cơ quan phải rà soát lại tổ chức này, đồng thời sửa đổi bổ sung chức năng nhiệm vụ, bố trí cán bộ có năng lực, phẩm chất. Đặc biệt là Ủy ban Kiểm tra Đảng, Ủy ban Kiểm tra của các tổ chức chính trị xã hội nên kiện toàn, không chờ đại hội mới làm. Đồng thời cần biểu dương công khai kết quả xây dựng đội ngũ chuyên trách để mọi người cùng theo dõi, ủng hộ và góp ý.
Tuy nhiên cũng có những vụ tham nhũng được phát hiện do người ngoài. Vì vậy, cần mở rộng cơ chế để Mặt trận và các tổ chức nhân dân tham gia giám sát việc này. Khi cần thiết những tổ chức này có thể tổ chức những đoàn giám sát độc lập. Quốc hội, Hội đồng Nhân dân nên mở hòm thư, địa chỉ cho người dân phản ánh. Hàng tháng nên công bố, công khai nhưng thư tố cáo đúng, thư tố cáo sai để thấy rằng sự tham gia đóng góp của nhân dân thực sự cần thiết.
Quốc hội phải có chứng cứ độc lập
Cuối tuần qua, Quốc hội "nóng” hơn khi bàn về công tác phòng, chống tham nhũng, cũng như những sửa đổi, bổ sung về Luật Phòng chống tham nhũng. Với tư cách là một đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch có kiến nghị gì?
Theo tôi, Luật cần quy định bổ sung chức năng nhiệm vụ chống tham nhũng cho cơ quan kiểm toán để phục vụ một cách hiệu quả cho chức năng giám sát của Quốc hội. Đồng thời với vấn đề này, cần thành lập mới cơ quan chuyên trách thực hiện nhiệm vụ điều tra độc lập về chống tham nhũng của Quốc hội. Hai cơ quan này do UBTV Quốc Hội chỉ đạo, điều hành. Chính phủ cũng có những văn bản sau khi luật mới ra đời nhằm hướng dẫn thực hiện, đặc biệt phân công cho từng ngành từng thành viên chính phủ làm gì, trách nhiệm đến đâu. Mặt trận và các tổ chức nhân dân cũng phải được phân công, nhận trách nhiệm cụ thể, đặc biệt thực hiện tập hợp ý kiến nhân dân phản ánh phòng chống tham nhũng, thực hiện giám sát và phản biện xã hội từ trung ương đến địa phương.
Thưa Phó Chủ tịch, Hội nghị Trung ương 5 đã đưa ra quyết sách mạnh mẽ là thay đổi cách tổ chức bộ máy phòng chống tham nhũng, cụ thể là Ðảng trực tiếp nắm giữ thẩm quyền chỉ đạo, điều hành bộ máy này. Với một quyết sách như vậy, người dân có thể trông đợi gì ở kết quả phòng chống tham nhũng?
Theo tôi, điều này rất cần thiết. Đó là cơ quan đề ra chiến lược, sách lược cho từng giai đoạn, thời kỳ chống tham nhũng. Đó là cơ quan thực hiện phân công phân cấp trách nhiệm cho các cơ quan trong hệ thống chính trị, giải quyết những phần việc vụ án cụ thể và yêu cầu báo cáo. Nhưng không phải đến đó là xong mà cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Đặc biệt, Quốc hội cũng phải có những chứng cứ độc lập, làm cơ sở để phát huy quyền giám sát tối cao, phản biện lại những vụ việc mà các cơ quan cung cấp, buộc đúng tội người có tội và gỡ tội cho người bị vu oan.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch!
Dạ Yến (thực hiện) |