Thứ Tư, 07/11/2012, 10:15 [GMT+7]
.
.

Thống đốc không dám hứa, “tư lệnh” Habubank bị cách tuột

(Trái hay Phải) – Trong khi Thống đốc khẳng định chỉ riêng cá nhân ông thì không thể hứa gì về xử lý nợ xấu, thì nguyên CEO Habubank Bùi Thị Mai bị cách tuột xuống làm lính trơn, cũng vì mấy cái “của nợ” đấy!

Trần gian kẻ khóc người cười
Trần gian kẻ khóc người cười.

Trong cùng ngày Thống đốc Nguyễn Văn Bình được đưa vào danh sách dự kiến đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội về nợ xấu, báo chí đồng loạt đưa tin nguyên tổng giám đốc Habubank bị SHB giáng từ chức phó tổng giám đốc xuống nhân viên đòi nợ!

Ngay lập tức, thông tin này trở thành nóng hàng đầu trên mặt báo và thu hút vô số những lời bình luận với đủ các sắc thái bi hài hỉ nộ ái ố. 

Người thì thở dài thương thay cho sự thăng trầm không lường trước được của kiếp nhân sinh, mà sự lạnh lùng của kẻ chiến thắng âu cũng là điều dễ hiểu và tất yếu, còn kẻ nọ lại quả quyết rằng người phụ nữ kiên cường này sớm muộn gì cũng tìm lại được vinh quang.

Thật ra, trong bối cảnh như hiện nay, người  ta cũng chẳng dám mạnh mồm mà khẳng định nguyên CEO cấp cao của Habubank tài năng đến đâu, đóng góp những gì vào sự phát triển của ngân hàng này, từ 5 tỷ đồng vốn điều lệ và 7 tỷ đồng tổng tài sản đến số vốn 4.000 tỷ đồng và tổng tài sản gần 50.000 tỷ.

Nhiều tấm gương to tày liếp đã cho thấy không nên đánh giá một con người thông qua những thành công mà ta nhìn thấy, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng ở Việt Nam.

Đông đảo độc giả cũng không rõ, bà có trách nhiệm đến đâu đối với sự gục ngã nhanh chóng của một ngân hàng có tiếng về quản trị và văn hóa doanh nghiệp. Nhưng có một điều chắc chắn là quá trình trở thành nhân viên đòi nợ của bà Bùi Thị Mai gắn liền với một cái tên vô cùng nổi tiếng khác – Vinashin.

Hóa ra sau mấy năm trời, cái tên lừng lẫy Vinashin vẫn không thể khiến thiên hạ quên được. Theo thông tin trên VnExpesss, thì nguyên nhân chính khiến Habubank gục ngã là vấp phải “cục đá” này, khi tổng dư nợ dành cho Vinashin lên đến 3.000 tỷ đồng, không phát sinh lợi nhuận.

Trong khi, tỷ lệ nợ xấu của Habubank trước sáp nhập là 3.729 tỷ đồng. Như lời thừa nhận cay đắng của nguyên chủ tịch Habubank Nguyễn Văn Bảng, dư nợ dành cho con tàu Vinashin là số nợ gần như mất vốn, thậm chí còn khiến ngân hàng phải chịu chi phí lãi khoảng 500 tỷ đồng mỗi năm.

Nhiều ý kiến đã đặt câu hỏi không biết có bao nhiêu ngân hàng và doanh nghiệp bị “vạ lây” từ Vinashin, mà không phải vì những khó khăn của kinh tế thế giới. Kể ra nếu chẳng có căn cứ nào mà cứ đổ lỗi cho con tàu ọp ẹp kia thì rất không sòng phẳng, nhưng khổ quá, hồi quả bom Vinashin phát nổ, hình như người ta không nói (hoặc có nói nhưng rất… thì thầm) về những khoản nợ kiểu như Habubank phải gánh.

Nguồn điện duy nhất trên một con tàu của Vinashin là một máy phát... công nông! - Ảnh: Lao Động
Nguồn điện duy nhất trên một con tàu của Vinashin là một máy phát... công nông! - Ảnh: Lao Động

Cũng có ý kiến nói khoản nợ 4 tỷ USD (tương đương khoảng 90.000 tỷ đồng) của Vinashin không phải là đã mất hẳn như cá nước chim trời, điều này có thể không sai, nhưng cũng chẳng biết đến bao giờ, Habubank (và nay là SHB sau khi sáp nhập) mới dám mơ đến ngày nhận lại khoản 3.000 tỷ nho nhỏ kia.

Mới tuần trước thôi, báo chí trong nước đã tiếp tục tìm ra thêm nhiều những con tàu của – hoặc đã từng là của - Vinashin nằm vật vờ “chết lâm sàng” như những bóng ma ở nhiều nơi từ Bắc chí Nam, thậm chí cả ở nước ngoài, khiến thủy thủ trên tàu cũng phải lên tiếng kêu cứu vì sống dở chết dở.

Đến hôm 5/11, báo Lao Động lại phát hiện ra một ụ nổi trị giá hàng trăm tỷ bị bỏ hoang, đang nằm chình ình ở vịnh Cam Ranh.

Nhìn những “của nợ” này, nhiều người đã thấy mừng thầm cho Bà Huyện Thanh Quan, bởi nếu nhà thơ này còn sống, cứ với những nỗi niềm đau đáu “Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt/Nước còn cau mặt với tang thương”, không biết nữ thi sĩ này sẽ sống ra sao với những thứ gần như vô thừa nhận như thế.

Mà, phải khá khen cho phóng viên nào đã biết dùng từ “con tàu ma” trong bài viết, bởi nghĩ cho kỹ, ngay cả đám “người Hà Lan bay” có khi cũng chẳng phù phép để tạo ra chúng được với những đặc điểm kỳ dị, như không đèn, không xăng, thủy thủ không thức ăn nước uống…

Dông dài như vậy để thấy, người ta khó mà kìm được lòng mình để không gửi lời thăm hỏi tới người đàn bà 50 tuổi này. Quý vị thử nghĩ mà xem, với tất cả những thông tin tràn ngập mặt báo về Vinashin như vậy, việc phác thảo tương lai cho nữ nhân viên đòi nợ của SHB thật dễ như trở bàn tay.

Nhưng dầu gì chăng nữa, so với các nhân viên SeaBank đang khóc lóc thảm thiết vì bị sa thải hàng loạt mới  đây, thì nguyên tổng giám đốc của Habubank có thể vẫn còn may mắn!

Nghĩ cho cùng, trong chốn thương trường đầy hiểm ác, chuyện giáng chức tuột từ tổng giám đốc xuống làm lính trơn, hay bỗng dưng thất nghiệp là chuyện bình thường. Lý giải của SHB nghe kể cũng xuôi tai: Ai liên quan đến nợ quá hạn, nợ khó đòi thì phải chuyển qua phòng thu hồi nợ để xử lý khoản nợ đó.

Mấy ngày tới đây, Thống đốc NHNN dự kiến sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội về hàng loạt vấn đề nóng, trong đó có nợ xấu, câu chuyện đã được nhắc đi nhắc lại không chỉ một lần tại diễn đàn Quốc hội.

Chẳng biết các đại biểu Quốc hội sẽ hỏi những gì, nhưng có lẽ ta nên nhắc lại hai điểm nhấn trong phát biểu của Thống đốc hồi cuối tháng 10: Xử lý nợ xấu là trách nhiệm của nhiều cơ quan, trong đó có cả Quốc hội và Chính phủ, Thống đốc khẳng định chỉ riêng cá nhân ông thì không thể hứa gì về quá trình này.

Thế mới biết, nguyên CEO Habubank Bùi Thị Mai thật là dại dột không để đâu cho hết! Ngược lại, đề nghị quý vị dành một tràng pháo tay cho SHB khi cách tuột bà từ vị trí “tư lệnh” xuống làm lính trơn!

  • Tam Thái
;
.
.
.