Sau những ý kiến của đại diện các cơ quan chức năng liên quan đến Nghị định 71/2012/NĐ-CP về việc xử phạt người mua bán xe mà không sang tên đổi chủ trong 3 ngày qua, một “làn sóng” mới lại nổi lên trong cộng đồng mạng. Đã xuất hiện nhiều ý kiến ủng hộ Nghị định nhưng cũng không ít độc giả vẫn chưa hết “hoang mang” về những thủ tục hành chính, những quy định xử phạt được ban hành.
"Đã có quy định từ trước"
Độc giả Duy Anh lên tiếng: “Cá nhân tôi ủng hộ việc tăng tiền phạt để mang tính răn đe. Hiện nay, một bộ phận người sử dụng phương tiện giao thông đang nhờn các loại thuốc vì có nhiều quy định của chúng ta không đủ chế tài mạnh khiến người tham gia giao thông không thấy được lỗi hoặc 'khinh thường' lỗi. Tuy nhiên, như đã nói trên, quy định chỉ nên mang tính răn đe, và xử phạt khi phát hiện chính xác được lỗi chứ không phải là cái cớ để cơ quan công quyền nhăm nhăm đi soi lỗi để xử phạt. Từ trước chúng ta đã quy định bắt buộc phải làm thủ tục sang tên đổi chủ rồi, bây giờ chỉ là tăng giá trị phạt lên thôi”.
Có rất nhiều độc giả, sau khi đọc xong những bình luận của cư dân mạng, mà hầu hết là những bình luận tỏ ra lo lắng, hoang mang trước sự “nhập cuộc” nhanh chóng của Nghị định 71, họ đã nghiền, đã ngẫm để hiểu bản chất của Nghị định đưa ra. Những bình luận của họ vừa mang tính xây dựng vừa giúp độc giả có cái nhìn đúng đắn hơn về Nghị định này.
|
Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Internet) |
Chùm ảnh: Người dân lúng túng trước lỗi “sang tên, đổi chủ”
Độc giả Kupin Pull chia sẻ: “Các bạn biết đấy, bọn phản động đang lấy chuyện này ra nhằm kích động người dân. Luật không như các bạn nghĩ đâu, các bạn có thể lên các trang mạng tìm hiểu thêm. Đừng nghĩ tiêu cực quá mà xúc phạm Bộ trưởng nhé. Thân”.
Sau những chia sẻ chân thành của Kipin Pull, độc giả có nick name Hương Hạnh bày tỏ thêm: “Bạn Kipin Pull nói có lý. Mỗi luật đưa ra đều được nghiên cứu kĩ lưỡng. Có thể ngay lập tức mình cảm thấy bức xúc nhưng cũng có thể do mình chưa hiểu kĩ vấn đề. Các bạn hãy đọc thêm thông tin liên quan để có cái nhìn khách quan hơn. Tôi thấy giờ cứ mỗi vấn đề đưa ra lại “nóng” lên. Theo tôi, đối tượng Luật hướng tới là những người mua bán, trao đổi mà không qua đăng kí và tình trạng không kiểm soát được xe cộ trong dân chứ không phải hướng tới những bạn mượn xe của bố, mẹ, anh, chị, em…”.
Nhưng vẫn có không ít độc giả vẫn băn khoăn mặc dù đã đọc rất nhiều bài báo, nhiều văn bản liên quan đến việc hướng dẫn thi hành sang tên đổi chủ. Nick name Thao le Thi thắc mắc: “Thông tư này là như thế nào vậy? Mình không vi phạm gì nhưng nhiều lần bị công an gọi kiểm tra giấy tờ, nói rõ cho mình được không?”.
Hay bạn có nick name Không Bao Giờ Ẩn cũng đặt câu hỏi khi vẫn còn rất mơ hồ về Nghị định 71: “Nếu bị tuýt còi nhưng đi đúng luật mà để quên giấy tờ ở nhà thì có sao không các bác?”. Bạn có nick name Kangmin Hoang cũng cùng chung tâm trạng: “Nhưng làm thế nào để biết được mình là người thân???”.
Bạn Sau Gas Sau Petrol cũng đưa ra hướng mở: “Đi kèm với quy định như thế thì cũng phải có hướng mở cho việc đi đăng kí lại phương tiện chính chủ. Hơn nữa, mua một chiếc xe cũ nhưng phải mất một số tiền không nhỏ để sang tên, thay đổi giấy tờ đương nhiên sẽ khiến người dân băn khoăn, suy nghĩ. Theo mình, nên nói rõ số tiền không nhỏ là bao nhiêu?”.
"Đừng nghĩ oan cho Bộ trưởng"
Sau khi Báo Giáo dục Việt Nam đăng tải bài “Đại biểu Quốc hội “giải oan” cho Bộ trưởng Thăng”, nhiều độc giả đã cùng thảo luận để tháo gỡ vấn đề.
Độc giả có nick name Tấm Gương chia sẻ: “Xe cũ sẽ định giá khác theo thời gian lưu hành, ước khoảng 50% giá xe mới. Vụ này Bộ trưởng Thăng bị “oan” nặng”.
Bạn có nick name Lê Trung Úy cũng đồng tình “giải oan” cho Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - Đinh La Thăng và phân tích thêm: “Về vấn đề này, các báo nên làm một bài tính toán cụ thể. Ví dụ ở Hà Nội, hiện tại làm lại thủ tục sang tên ô tô mất 12% (dù xe đã cũ cỡ nào đi nữa), nhưng ở TP.HCM lại khác, ở các tỉnh cũng khác nữa. Xe máy cũng tương tự, nên diễn giải hết ra thì báo chí sẽ giúp người dân có cái nhìn khách quan hơn. Bộ trưởng Thăng bị “oan” rõ rồi. Quản lý chặt hoạt động mua bán - sang tên cũng là cần thiết. Nhưng việc này do quá khứ để lại, muốn làm cần đề ra lộ trình thực hiện. Ví dụ như chỉ quy định xử phạt xe đăng ký mới từ năm 2010 trở lại chẳng hạn... thì sẽ được chấp thuận hơn”.
Chùm ảnh: Người dân lúng túng trước lỗi “sang tên, đổi chủ”
Trong 1 buổi trả lời báo chí gần đây, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội cũng nêu rõ tính khả thi của Nghị định 71. Thượng tướng cũng nhấn mạnh: Nghị định có thực thi được hay không là phụ thuộc phần nhiều vào người tham gia giao thông.