Thứ tư, 14/11/2012, 12:11 GMT+7

Bộ trưởng Y tế: 'Hãy gửi ảnh bác sĩ nhận phong bì cho tôi'

"Bệnh nhân và người nhà hãy dứt khoát không đưa phong bì và nếu thấy bác sĩ, điều dưỡng nào nhận thì chụp ảnh, gửi cho chúng tôi", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra giải pháp để nâng cao y đức lương y.
> Bộ trưởng Y tế không muốn 'vừa đá bóng vừa thổi còi'

Thừa nhận thực trạng xuống cấp y đức, tiêu cực trong ngành mình quản lý, song Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, đây là cuộc đấu tranh giữa cái thiện, cái ác và còn lâu dài. Theo bà Tiến, trong điều kiện quá tải, cơ sở vật chất chật chội, bác sĩ khám nhiều quá thì không thể hòa nhã, nhân cách cũng khó mà giữ được...

"Một nguyên nhân nữa là lương quá thấp. Bệnh viện Bạch Mai và Việt - Pháp chỉ cách nhau bức tường nhưng ở Việt - Pháp không có phong bì còn Bạch Mai thì phải phát động phong trào", bà Tiến nêu ví dụ để trả lời cho câu hỏi của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương về "căn bệnh trầm kha" này.

Phần "trình bày hoàn cảnh" của nữ Bộ trưởng, theo như cách nói của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, là quá dài và ông mong được nghe giải pháp. Theo Bộ trưởng Y tế, các giải pháp cụ thể của bộ là phát động các phong trào để nâng cao y đức, giảm tiêu cực; tăng cường trang thiết bị ở các cơ sở khám chữa bệnh để giảm tải; tăng lương cho y, bác sĩ... và sự ủng hộ của đại biểu Quốc hội, cử tri.

"Chúng tôi hiểu, người nhà mong muốn bệnh nhân được chăm tốt nhưng hãy dứt khoát không đưa phong bì và giám sát nếu thấy bác sĩ, điều dưỡng nào nhận phong bì thì chụp ảnh gửi cho chúng tôi", bà Tiến nói.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Ảnh: Hoàng Hà.

Chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Trần Thị Dung cho rằng, tham nhũng vặt, lót tay đã là chuyện thường ngày, đến nỗi "viện phí chỉ bằng nửa lệ phí". Thậm chí, tình trạng bác sĩ thiếu tôn trọng với bệnh nhân có bảo hiểm y tế và bệnh nhân nghèo đã làm "mờ nhạt hình ảnh lương y như từ mẫu". Nhân câu hỏi này, Chủ tịch Quốc hội muốn Bộ trưởng khẳng định, sắp tới vấn đề này có cải thiện không.

Cho rằng, y đức là vấn đề nhạy cảm, bộ cũng đã và đang có các giải pháp, bà Tiến nhắc lại: "Nhân diễn đàn này, tôi mong muốn các đồng nghiệp vì lòng tự trọng hãy thay đổi. Còn bệnh nhân, người nhà cương quyết không đưa phong bì".

Chia sẻ với người đứng đầu ngành y, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cam kết của nữ bộ trưởng sẽ khiến y đức được cải thiện trong thời gian tới, bởi đây là văn hóa, danh dự của ngành y, là trách nhiệm của thầy thuốc và của người dân. Năm 2013 - 2014 Quốc hội sẽ theo dõi thêm thực trạng này.

Trong phần trả lời chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Y tế cũng giải trình thêm một số vấn đề liên quan tới giá thuốc. Theo đó, giá thuốc ở Việt Nam đều thấp hơn các nước láng giềng chứ không phải cao hơn như thông tin của đại biểu. "Tổ chức Y tế thế giới vừa rồi đánh giá nhầm. Giá thuốc Việt Nam không cao hơn khu vực Đông Nam Á, thậm chí thấp hơn, nhưng thu nhập của người dân Việt Nam còn thấp", bà Tiến giải thích.

Còn về chất lượng khám chữa bệnh của cơ sở y tế tuyến xã, huyện, bà Tiến không giấu nổi vẻ tự hào: "Chính Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới đã tham quan ngẫu nhiên 3 trạm y tế xã ở Việt Nam. Họ không tưởng tượng được rằng ở một nước có thu nhập trung bình chỉ 1.000 USD lại có trạm y tế xã có thể thực hiện các ca đỡ đẻ, tiêm chủng, chăm sóc suy dinh dưỡng... và có cả quầy thuốc".

Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận, lực lượng này chỉ dừng lại ở chức năng chăm sóc ban đầu còn các ca bệnh khó, phức tạp thì phải chuyển lên tuyến trên. Theo kế hoạch đào tạo, năm 2013, với số lượng bác sĩ ra trường tăng lên đáng kể, ngành y tế sẽ có thêm điều kiện để đáp ứng nhu cầu của cơ sở.

Ảnh: Hoàng Hà.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: "Bà con cần gương mẫu không ăn gà nhập lậu". Ảnh: Hoàng Hà.

Cùng giải đáp băn khoăn của đại biểu về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong buổi sáng còn có Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Đi thẳng vào vấn đề, Phó thủ tướng cho hay, trước 31/12 năm nay, các tỉnh đang làm quy hoạch về giết mổ gia súc phải hoàn thành. Đối với các vụ ngộ độc thực phẩm chủ yếu diễn biến tập trung ở khu công nghiệp, bếp ăn công nghiệp, hướng giải quyết là các công ty, doanh nghiệp tập trung nhiều công nhân phải có bếp ăn riêng; yêu cầu các xã cam kết không trồng rau mất an toàn...

Đi sâu vào vấn đề liên quan tới thông tin 20% gà nhập lậu có thuốc kháng sinh quá giới hạn vừa công bố, Phó thủ tướng khẳng định, ngoài tác hại về kinh tế, gà lậu rất nguy hiểm tới sức khỏe người dân."Gọi là gà lậu nhưng không bí mật vì cả nước không quá 20 chủ hộ chuyên tổ chức kinh doanh gà nhập lậu. Phải chuyển đổi ngành nghề cho họ", ông Nhân nói.

Và ông cho biết thêm, xe chở gà không phải xe thường mà xe chuyên dụng, phải có điểm tập kết nên chỉ cần nhìn là biết. Ngoài ra, có những điểm tập kết nơi gà nhập lậu tản vào gà địa phương thì địa phương đều biết hết...

"Chủ tịch Hà Nội vừa ký đề án, trong vòng một năm người Hà Nội không còn phải ăn gà nhập lậu. Bà con cũng cần gương mẫu không ăn gà nhập lậu", Phó thủ tướng nói khiến cả hội trường ồn ào vì nhiều tiếng cười. Ông thậm chí còn gợi ý người dân khi đặt tiệc cưới nên hỏi "gà này là gà gì".

Tủm tỉm cười trước câu nói của Phó thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, đại biểu Quốc hội không thể biết gà nào an toàn gà nào không. Ông hy vọng trách nhiệm cao hơn trong việc kiểm tra từ đầu của các Bộ Nông nghiệp, Công thương và Công an.

Đối với Bộ Y tế, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận nỗ lực của đội ngũ y - bác sĩ, nhân viên ngành y và "mong chất lượng khám chữa bệnh thời gian tới sẽ cao hơn, nhiều bệnh viện công, tư đạt chuẩn quốc gia, khu vực".

Chốt lại phiên chất vấn Chủ tịch Quốc hội mong muốn việc quản lý giá thuốc sẽ chặt chẽ để không có sự chênh lệch với thị trường quốc tế, giữa các quầy thuốc hay địa phương vùng chênh lớn. Để làm được điều đó cần đổi mới cách đấu thầu, đổi mới cơ chế tài chính,khuyến khích phát triển bệnh viện tư thục nhưng quản lý giá thành, phục vụ.

Nguyễn Hưng

Không phải họ muốn

Người bệnh không muốn đưa tiền,nhưng muốn yên tâm,thái độ tốt của đội ngũ y sĩ. Người nhận họ cũng chẳng muốn,nhưng để vào được vị trí đó chính họ cũng phải chạy xuôi chạy ngược. Phong bì,phong thư mới được làm mới vào biên chế. Đôi khi có người còn bỏ ra cả trăm triệu để vào biên chê của một bệnh viện,bốn đến năm chục triệu chỉ được hợp đồng. Thì khi vào được họ phải lấy lại chứ. Chính ngay chính sách tuyển dụng đã có sự thoái hóa tham nhũng rồi.

Có lẽ không có bệnh nhân nào vừa đưa phong bì cho bác sỹ, vừa chụp ảnh gửi Bộ trưởng

Yêu cầu của Bộ trưởng y tế thật đơn giản! Có lẽ không có bệnh nhân nào (hoặc người nhà bệnh nhân) vừa đưa phong bì cho bác sỹ, vừa chụp ảnh gửi Bộ trưởng trong khi đang lo lắng về tính mạng của mình, của người thân.
Đề nghị của Bộ trưởng y tế giống với đường dây nóng, hộp thư góp ý đang hiện diện ở nhiều cơ quan công quyền hiện nay. Chắc chắn, máy ảnh để làm việc này sẽ còn nguyên bộ nhớ như cái hòm thư nọ mà thôi.

'Hãy gửi ảnh bác sĩ nhận phong bì cho tôi'

Vấn đề cán bộ y tế nhận phong bì đã diễn ra phổ biến, đã bùng phát rầm rộ từ lâu, không cần bàn cãi. Mặt khác, đây là vấn đề mà ngành y tế cần phải giải quyết, cũng như chữa 1 căn bệnh thì trước hết bản thân người bệnh phải phát hiện và quyết tâm chữa thì mới khỏi. Yêu cầu gửi ảnh bác sĩ nhận phong bì như kiểu mất trộm xe máy đến trình báo công an thì công an hỏi: Yêu cầu cung cấp ảnh tên trộm.

đánh đố người dân

Xin Bộ trưởng (Y tế) gợi ý cho vài cách có thể chụp ảnh được bác sĩ nhận phong bì nếu: - Chúng tôi là nông dân, đến điện thoại di động còn chẳng có lấy đâu ra máy có chức năng chụp hình. - Chúng tôi không phải nhà báo, chẳng phải phóng viên. Chúng tôi không thể một hai chạy theo mong bác sĩ lưu ý đến trường hợp người nhà mình đang nằm kia để rồi có thể nghĩ ra cách "gài" cảnh bác sĩ nhận phong bì để rồi chụp hình người ta làm bằng chứng. - Hơn nữa, những "Bác sĩ" kia thừa độ chuyên nghiệp và kinh nghiệm để có thể nhận phong bì ở những nơi "nguy hiểm" hay rủi ro cho bản thân họ. Hãy đưa ra giải pháp ngăn chặn sự tiêu cực và cần hành động để giảm thiểu những tồn tại gây bức xúc trong dân chứ?

Người thân đau quá, bác sĩ thờ ơ, phải làm sao?

- Người thân của mình mà ai không thương, không xót xa. Nhưng khi vào bệnh viện mà các bác sĩ, y tá làm việc chờ phong bì thì không lẽ mình lại tiếc tiền để cho người thân của mình phải đau đớn kéo dài sao?. - Còn mấy bác, mấy hộ lý luôn biết được quy luật trên. Nên cứ thờ ơ một chút để nhận được cái mình muốn (Nhưng giả vờ không). Từ xưa tới giờ chuyện thiếu trách nhiệm để xảy chết đâu phải không có và cũng đâu dừng lại. Vì vậy, người có quyền hạn và khả năng giải quyết nên tìm giải pháp thiết thực để nâng cao ý thức của một bộ phận cán bộ y tế thiếu trách nhiệm. Vì lúc nước sôi lửa bỏng ai đâu mà rảnh nhớ tới việc chụp hình. Vì lúc đó mình vì người dân mình thành khẩn cũng không hết lấy đâu mà nghĩ việc chụp hình.

khó lắm!

khó lắm Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến ơi, không dễ gì chộp được một tấm hình mà Bác sĩ cầm cái phong bì đó đâu chỉ có những nhà nhiếp ảnh gia thôi

Thử làm dân thường

Bộ Trưởng giả làm dân thường vào nằm viện sẽ biết ngay mà.

Tôi gặp Bộ Trưởng ư?

Theo tôi nghĩ, Bộ trưởng nên nghĩ tới trách nhiệm của mình trong việc để tình trạng đó xẩy ra hơn là việc đề nghị người dân chụp ảnh gửi Bộ Trưởng. Nếu tôi vừa đưa tiền cho Bác Sĩ, tôi lại quay - sẽ quay được sao và dù có quay được, tôi cũng đã bị khép vào tội hối lộ. Còn người khác đưa tiền cho bác sĩ, tôi có thể quay rõ mồn một sao? Hơn nữa một thực tế là, tôi gửi cho Bộ trưởng clip tôi quay cho Bộ trưởng như thế nào? Tôi quay được tình trạng đó ở Cà Mau thì tôi có phải chạy ra Hà Nội và chờ cơ hội gặp Bộ truởng để gửi clip ư? Tôi nghĩ nếu các Bộ trưởng, Thứ trưởng, ĐBQH muốn thực sự nghe ý kiến của nhân dân thì hãy nên lập riêng trang web của mình, ở nơi đó có phần ý kiến người dân và phần trả lời của Bộ Trưởng ở đó. Hoặc ít nhất là nên công khai hòm thư của mình và có bộ phận hỗ trợ bộ trưởng xem xét thư, trả lời phúc đáp thư của người dân.

Gởi Bộ Trưởng

Bộ trưởng nói:'Bác sĩ nào nhận phong bì thì chụp hình gởi cho Bộ trưởng". Như vậy, Bộ trưởng nghĩ rằng các bác sĩ không nhận phong bì? Bộ trưởng thử một lần vào một bệnh viện nào đó mà không biết chức danh của Bộ trưởng thử xem.

đâu dễ dàng !

Làm sao có thể chụp ảnh ? và có chăng nữa thì có thể chụp được hết tất cả các trường hợp ko ? Và khi phát hiện thì ko lẽ cấm hành nghề một "nhân tài" ?? Vì thực tế, khi người thân mình bệnh thì chỉ cần được chăm sóc tốt thì ko ai còn nghĩ đến việc chụp ảnh này làm chi ! coi như bỏ thêm chút tiền "mua thuốc tốt" thôi ! Nếu có thể chụp hết các trường hợp thì Tôi nghĩ các công ty SX máy ảnh sẽ có doanh thu bán hàng " khủng" luôn các dịch vụ kèm theo cũng phát đạt !

Sự thoái hóa biến chất của đội ngũ Y Bác Sỹ

Tôi đã từng có một lần đưa MẸ tôi vào bệnh viện được gọi là Bệnh Viện Q để mổ gãy xương quai xanh nhưng than ôi vào đó chờ đợi thì thôi rồi còn thái độ Y Bác SỸ thì vô trách nhiệm hỏi mãi không thèm trả lời khi nào mổ cho Mẹ Tôi được.Tới hôm sau cũng vẫn chưa có lịch khám và cố gặng hỏi thì Bác sỹ nói :"phải chờ lịch ở trên giao mà chưa biết khi nào mổ được cứ chờ đi chưa chết đâu"trong khi MẸ thì rên kêu đau hoài xót cho mẹ nên hỏi mấy người bệnh nằm đó xem tình trạng họ có bị kiểu như vậy không thì tất cả bệnh nhân đều nói phải gặp ông bác Sỹ phụ trách ca mổ và nhét phong bì cho Ông ta là ngay tối hôm đó sẽ được mổ còn nếu không có tiền thì chờ đó vì gãy xương chưa chết được.

vậy người nhà có mệnh hệ gì thì ai sẽ gánh?

ông bà nói đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Tính mệnh người thân mình trong tay bác sĩ, giờ y đức xuống cấp rồi thì chỉ có tiền mới cứu nổi người thân mình, lỡ chụp hình mà bị phát hiện rồi nhỡ người thân mình có mệnh hệ gì rồi còn sức mà hớn hở với thành quả của mình ko

không có tính khả thi

Xưa nay việc đưa phong bì cho bác sĩ đã như "luật bất thành văn", không đưa thì y tá, bác sĩ tỏ thái độ, không thèm quan tâm, không đưa thì chích rất đau, đẩy xe lăn ầm ầm, mỗi ca trực lại phải bỏ phong bì mới, ko lẽ các cơ quan y tế không biết việc này sao, không lẽ chúng tôi phải cho người mai phục rồi vừa đưa vừa chụp à, họ phát hiện thì người thân chúng tôi ai lo, hay là chúng tôi phải mua camera bút bi như những nhà báo?

Không nhận phong bì nhưng không chữa bệnh

Tâm lý của người nhà bệnh nhân là đưa phong bì để được bác sỹ quan tâm nhiều hơn đến người nhà của họ. Việc này bình thường đến nỗi biến thành luật lệ. Trong khi đó bộ trưởng nói vậy thì bác sỹ sẽ không nhận phong bì nếu biết bị chụp hình. Bác sỹ không nhận phong bì thì chẳng có gì quan trọng. Chỉ có bệnh nhân thiệt thòi vì bác sỹ không nhận phong bì và có thể cũng không chữa cho bệnh nhân.

Bt Y tế

nếu chúng tôi có hình ảnh hay ghi âm để làm chứng cứ thì còn nói gì nữa

chụp ảnh đâu có dễ

Bộ trưởng Kim Tiến ơi, chẳng lẽ vừa đưa phong bì, vừa chụp ảnh, ai lại vừa đánh trống vừa la làng như thế?

Nói thì dễ nhưng làm khó lắm bộ trưởng ơi

Lời nói nghe có vẻ thuyết phục nhưng mà khó lắm bộ trưởng à. Tôi có một người anh bị tai nạn giao thông phải mổ mà khi đưa vào các bác sĩ thờ ơ, tới khi đưa phong bì thì nhanh lắm bộ trưởng à, có người thân nào mà chịu đựng được cảnh chờ đợi khi người thân mình đau. Phải chăng hình thức kỷ luật chưa cao để làm các y bác sĩ sợ, theo tôi nếu mà biết được ai nhận phong bì thì đuổi việc khỏi ngành và thu hồi toàn bộ bàng cấp may ra mới có thể răn đe được bộ trưởng à.

Ý kiến của bạn

 
 Thay hình khác
  
Off Telex VNI VIQR
 
Link Site

Tư vấn trực tiếp bậc sau đại học tại Australia

Đại diện hơn 20 trường đại học từ Australia sẽ trực tiếp giải đáp các câu hỏi liên quan đến ngành học, học phí, những học bổng hiện có và điều kiện xét tuyển tại Hà Nội, TP HCM và Hải Phòng.

 
 
 
 
Lien he quang cao