Buổi họp báo chương trình Gọi tên bốn mùa diễn ra chiều 13/11, tại TP HCM. Góp mặt trong đêm nhạc là bốn ca sĩ: Tuấn Ngọc, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Tùng Dương. Trong đó, Tùng Dương là cái tên gây bất ngờ hơn cả. Lần đầu tiên anh hát nhạc Trịnh trên sân khấu với những bài chưa từng hát qua.
Từ trái sang: Hồng Nhung, Tùng Dương, Mỹ Linh. Ảnh: T.G. |
Trước thắc mắc Tùng Dương sẽ thể hiện nhạc Trịnh ra sao, nam ca sĩ chia sẻ, anh sẽ xuất hiện với hình ảnh vừa lịch lãm vừa cá tính. Anh khai phá nhạc Trịnh theo cách rất Tùng Dương: có bão tố, song cũng có nồng nàn, mộng mơ…
"Tùng Dương sẽ không lên đồng với nhạc Trịnh", anh đùa. "Đối với tôi hát nhạc Trịnh vừa dễ lại vừa khó. Tôi hát theo cách nghĩ của thế hệ 8X về nhạc Trịnh, theo cách sống và lối sống của người hiện đại. Tôi thể hiện sự chiêm nghiệm sâu sắc của nhạc sĩ họ Trịnh nhưng mang đậm hơi thở cuộc sống đương đại và tràn đầy sức trẻ".
Đồng ý với quan điểm của đàn em, Hồng Nhung cũng cho biết, năm 19 tuổi khi cô vào Sài Gòn và hát nhạc Trịnh, nhiều người, trong đó có em gái Trịnh Công Sơn là Trịnh Vĩnh Trinh, cũng cho rằng cô phá nát nhạc Trịnh. Không ai ngờ, sau đó tên tuổi của cô đi lên nhờ dòng nhạc này.
"Chúng tôi thể hiện nhạc Trịnh theo ngôn ngữ của thời đại. Mỗi lần nghĩ đến nhạc Trịnh, khán giả nghĩ rằng sẽ thể hiện bài hát bằng cách minh họa theo chất thơ. Chúng tôi không làm vậy mà sẽ đi trực tiếp vào lòng khán giả bằng sự cảm nhận và âm nhạc. Sở dĩ nhạc Trịnh tồn tại đến bây giờ là do từng thế hệ cảm nhạc theo cách riêng của họ. Nếu cứ thể hiện nhạc Trịnh theo cách của ngày xưa thì nó chỉ là ký ức, kỷ niệm", Hồng Nhung chia sẻ.
Ca sĩ Mỹ Linh tán đồng Hồng Nhung. Bà xã của nhạc sĩ Anh Quân cho rằng người Việt Nam đã đóng cho Trịnh Công Sơn một cái khung sơn son, thếp vàng quá đẹp và treo ông trên một bức tường cố định. "Nhiều người muốn chạm đến ông cũng không phải dễ vì e ngại không được chấp nhận. Họ nghĩ rằng, hát nhạc Trịnh thì phải hát với đàn guitar, phải là cách hát của cô Khánh Ly mới là nhạc Trịnh. Thế thì nhạc Trịnh mãi ở trên cao chứ không còn đi vào hơi thở hàng ngày của giới trẻ nữa", cô nói.
Mỹ Linh cũng đùa vui rằng, cô đang cố hết sức học thuộc lời để không bị sự cố quên lời như ở các chương trình trước.
Một trong những điểm thú vị trong chương trình chính là sự kết hợp giữa Tuấn Ngọc và Tùng Dương. Hai thế hệ, hai cách hát, hai phong cách âm nhạc khác nhau sẽ cùng hòa nhịp để tạo nên sự độc đáo hiếm thấy. Cả Tuấn Ngọc và Tùng Dương đều rất hào hứng, thích thú với ý tưởng này.
Một điểm hấp dẫn khác là sự kết hợp giữa ban nhạc Anh em do nhạc sĩ Anh Quân làm thủ lĩnh và ban nhạc Best Friends của nhạc sĩ Hoài Sa. Ngoài ra còn có sự góp sức của dàn nhạc dây Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và Nhạc viện TP HCM, dàn kèn Big K do nhạc sĩ Đức Trí chỉ huy. Người lên ý tưởng cho dàn nhạc đồ sộ này là giám đốc nghệ thuật Hồng Kiên. Anh bày tỏ: “Đó là sự trân trọng cần thiết đối với nhạc Trịnh!”.
Nhạc sĩ Đức Trí (trái) và nhạc sĩ Hồng Kiên (phải). Ảnh: T.G. |
Câu chuyện âm nhạc của Trịnh Công Sơn không diễn biến theo mốc thời gian, mà theo mùa: xuân, hạ, thu, đông. Mỗi mùa một cung bậc cảm xúc. Những ca khúc quen thuộc: Diễm xưa, Ru ta ngậm ngùi, Xin mặt trời ngủ yên, Tình nhớ, Nhìn những mùa thu đi… vì thế cũng sẽ ngân lên theo một cách khác, gợi mở một triết lý giản dị về vòng luân chuyển, tuần hoàn không bao giờ dứt của đất trời, của lòng người, tương tự như một ý trong nhạc phẩm Bốn mùa thay lá của Trịnh Công Sơn.
Chương trình nghệ thuật với chủ đề: “Trịnh Công Sơn In the spotlight – Gọi tên bốn mùa” diễn ra lúc 20h ngày 22/12 tại Nhà hát Hòa Bình, TP HCM và ngày 3-4/1/2013 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội.
Hoàng Dung