Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu:

'Động đất ở Sông Tranh 2 có thể mạnh hơn nữa!'

- Chưa thể khẳng định động đất ở khu vực Sông Tranh đã đạt đến mức độ cực đại, những trận động đất với cường độ mạnh hơn vẫn có thể xảy ra trong tương lai, Tiến sĩ Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu khẳng định.

>>Thêm nỗi lo mới từ Sông Tranh 2
>> Động đất Sông Tranh 2 sang giai đoạn rung chấn?

Động đất xảy ra tại khu vực cách đập Sông Tranh 2 khoảng 7km về phía thượng lưu.

Vào hồi 14 giờ 24 phút ngày 15/11/2012, một trận động đất 4,7 độ Richter đã xảy ra tại vị trí có tọa độ (15,35 độ vĩ Bắc, 108,10 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 6km. Động đất xảy ra tại khu vực cách đập Sông Tranh 2 khoảng 7km về phía thượng lưu, thuộc địa phận huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Theo đánh giá của Viện Vật lý địa cầu, trận động đất gây nên rung động trên cấp VI (theo thang MSK-64) ở khu vực đập thủy điện Sông Tranh. Trận động đất “mạnh chưa từng thấy” đã khiến người dân Bắc Trà My rất hoang mang và lo lắng.

Điều khiến người dân lo lắng hơn là mới đây, một đoàn nghiên cứu độc lập của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam sau khi khảo sát thực địa khu vực thủy điện Sông Tranh 2 đã khẳng định: Động đất ở khu vực sông Tranh 2 đã qua giai đoạn tiền chấn với trận động đất mạnh nhất từ trước đến nay là 4,6 độ richter vào đêm 22/10.

Theo kết luận này thì trận động đất với cường độ 4,6 độ Ricter, động đất tại Sông Tranh 2 đã chuyển sang giai đoạn giai đoạn dư chấn, nghĩa là động đất vẫn còn tiếp diễn nhưng với cường độ nhỏ hơn và có thể mất dần. Tuy nhiên, với trận động đất chiều 15/11 vừa qua, dễ thấy rằng, diễn biến các trận động đất ở Sông Tranh 2 lại không diễn ra như các nhà khoa học đã dự đoán.

Trao đổi với phóng viên VietNamNet về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho rằng, kết luận của các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của các hồ thủy điện trên thế giới. Tuy nhiên, động đất kích thích tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 lại khá đặc biệt do dung tích hồ chứa của Sông Tranh 2 chỉ là 730 triệu m3 , rất nhỏ so với thế giới.

TS Lê Huy Minh ghi nhận ý kiến người dân về động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2.

"“Ngay từ khi đoàn khảo sát của Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đưa ra kết luận này, chúng tôi cũng đã cảnh báo cần phải tiếp tục theo dõi chứ không thể kết luận ngay như vậy được”, ông Minh nói.

Ông Minh cũng khẳng định, hiện tại chưa thể kết luận động đất tại khu vực sông Tranh 2 đã đạt đến mức độ cực đại hay chưa. “Chưa thể khẳng định động đất ở khu vực Sông Tranh 2 đã đạt mức độ cực đại. Trong tương lai, vẫn có thể xảy ra động đất với cường độ mạnh hơn nữa”, ông Minh cho hay. “Tuy nhiên, cường độ các trận động đất sẽ không vượt quá 5,5 độ Richter, độ lớn cực đại của các trận động đất xảy ra tại khu vực Sông Tranh 2 mà Viện Vật lý địa cầu đã dự báo trước đây”.

Ông Minh cũng cho biết, hiện tại, vẫn chưa thể dự báo một cách chính xác về tần suất cũng như cường độ các trận động đất xảy ra tại khu vực Sông Tranh 2. “Ngay cả trên thế giới cũng chưa có thiết bị máy móc nào có thể dự báo được các trận động đất cả”, ông Minh nói.

Cùng quan điểm với ông Minh, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phương khẳng định, động đất tại khu vực sông Tranh chưa thể dừng lại ở mức độ 4,7 độ Ricter. “Sức chứa của hồ còn có thể tích nước ở cao độ lớn hơn nữa thì có khả năng động đất kích thích sẽ tăng lên về độ lớn”, ông Phương nói.

Cũng theo thông tin từ Viện Vật lý địa cầu cung cấp, ngay sau trận động đất chiều 15/11, viện đã cử một đoàn công tác gồm 4 người vào Quảng Nam để nắm bắt tình hình và khảo sát thực địa tại khu vực xảy ra động đất.

  • Lê Văn

Hàm cá sấu “nhạy cảm” đến đâu?

 Xương hàm của cá sấu nhạy cảm còn hơn cả đầu ngón tay người, nhờ hàng loạt đốt sần tí hon nằm dọc theo hàm.


vietnamnet.vn
© 2010 Báo VietNamNet. All rights reserved. Thông tin Tòa soạn - Liên hệ Tòa soạn - Nhận tin RSS
® Ghi rõ nguồn "VietNamNet" khi phát hành lại thông tin từ website này.