Vì sao người Mỹ tôn sùng các vị tướng?

Thế giới | Cập nhật chủ nhật, ngày 18/11/12 08:53 sáng

Sự sụp đổ của tướng về hưu David Petraeus, cựu giám đốc CIA, đã khiến cả nước Mỹ sững sờ. Tại sao người dân nước này lại dành cho các tư lệnh cấp cao của họ một sự kính trọng như vậy?

Vì sao người Mỹ tôn sùng các vị tướng?

Sự sụp đổ của tướng về hưu David Petraeus, cựu giám đốc CIA, đã khiến cả nước Mỹ sững sờ. Tại sao người dân nước này lại dành cho các tư lệnh cấp cao của họ một sự kính trọng như vậy?

Các vị tướng nổi tiếng của Mỹ tính từ trái theo chiều kim đồng hồ: Grant, Powell, Petraeus và Eisenhower.

Tổng thống thứ 12 của nước Mỹ thờ ơ với chính trị đến nỗi trước khi ông ra tranh cử chức vụ này năm 1848, ông chưa bao giờ đi bỏ phiếu.

Nhưng Zachary Taylor là một vị tướng thành công trong cuộc chiến Mỹ - Mexico. Điều đó đủ để ông nhận được sự đề cử của Đảng Whig - và giành được Nhà Trắng.

"Các vị tướng thường đóng một vai trò rất trung tâm trên chính trường Mỹ - kiểu sùng bái có từ thời Washington và quân đội lục địa", trích lời Ron Chernow, người viết tiểu sử của George Washington.

Giờ đây, tướng Petraeus, chỉ huy quân sự nổi tiếng nhất trong một thế hệ, người đã đảm nhiệm vị trí giám đốc CIA và được nhắc đến như một ứng cử viên tổng thống tương lai, đã hủy hoại sự nghiệp của chính mình vì lăng nhăng với người viết tiểu sử của ông.

Tướng John Allen, một sĩ quan lính thủy đánh bộ và là người kế nhiệm tướng Petraeus vào vị trí tư lệnh tại Afghanistan, vừa bị buộc tội trao đổi "các liên lạc không phù hợp" với một phụ nữ nữa trong bê bối này.

Sự nhục nhã của tướng Petraeus - trong một vấn đề dính dáng rất ít đến vai trò lãnh đạo quân sự của ông - mở đường cho một cuộc thảo luận công khai cần thiết. Đó nhận xét của Andrew Bacevich, thành viên nghiên cứu tại Viện Kroc về Các nghiên cứu Hòa bình quốc tế tại Đại học Notre Dame, và là một đại tá quân đội về hưu.

"Hạ ông ấy khỏi tượng đài sùng bái có thể tạo ra một bầu không khí mà trong đó, những người khắt khe có thể bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi về lý do quân đội của Mỹ không thực hiện những trông đợi của chúng ta" ở Iraq và Afghanistan, ông nhận xét.

Sự yêu quý mà nước Mỹ dành cho các vị tướng của họ có từ những năm lập nước, khi các chỉ huy quân sự bảo vệ đất nước khỏi mối đe dọa kép từ quân xâm lược châu Âu và các bộ lạc thổ dân Mỹ. George Washington, tổng thống đầu tiên, đã chỉ huy quân đội giành độc lập từ Vương quốc Anh. Vào lúc đó, cảm giác tự tôn dân tộc Mỹ khá yếu - họ vẫn xem bản thân là công dân các bang của mình trước hết.

Quân đội của Washington là một trong những thể chế quốc gia đầu tiên, và ông là hiện thân của quân đội ấy, theo Chernow. Kể từ đó, các tướng lĩnh là điển hình của phần lớn những gì người Mỹ tự nhận là tình yêu - và cả sự hồ nghi - về nền dân chủ của họ. Họ được xem là đã nỗ lực hết sức ở suốt các vị trí, thậm chí từ xuất phát điểm khiêm tốn nhất.

Tướng Ulysses Grant, tổng chỉ huy các đạo quân Liên bang trong thời kỳ Nội Chiến và sau đó trở thành tổng thống, là con trai một thợ thuộc da. Tổng thống Andrew Jackson là con trai của gia đình nhập cư. Trước khi vào Nhà Trắng, ông là một vị tướng giành chiến thắng trong cuộc chiến năm 1812 bằng cách đánh bại Anh ở Trận chiến New Orleans.

"Họ giành được vị thế của mình dựa trên tài năng, và họ nhận được sự tín nhiệm rất lớn", Richard Kohn, nhà sử học quân sự tại Đại học Bắc Carolina, Chapel Hill, đánh giá.

Theo James McPherson, sử gia và là tác giả cuốn lịch sử nội chiến Battle Cry of Freedom giành giải Pulitzer, các vị tướng thường được cho là những người trong sạch, thanh liêm. Trong mắt người dân, họ có lợi thế hơn so với lớp chính khách phi chính trị nổi trội khác: các lãnh đạo doanh nghiệp.

"Có những người được cho là rất vị tha", trích lời H W Branks - một sử gia tại Đại học Texas và là người viết tiểu sử của Tướng Grant. "Họ đặt mạng sống của mình vào nguy hiểm vì hạnh phúc của người dân".

Và trước khi được truyền thông rộng khắp để ý, chủ nghĩa anh hùng quân sự đã góp phần tạo nên danh tiếng ở một đất nước rộng lớn bao la, theo Chernow. "Có bao nhiêu người Mỹ nổi tiếng như vậy và được ngưỡng mộ như vậy trên khắp cả nước? Không nhiều lắm", ông nói. "Thật là một lợi thế cho một người từ anh hùng quân sự chuyển sang làm chính trị".

Sự ngưỡng mộ của người Mỹ dành cho các vị tướng của họ cũng thể hiện qua các con số: 10 Tổng thống Mỹ là tướng. Trong cùng thời kỳ, chỉ có một vị tướng về hưu trở thành Thủ tướng Anh: Công tước Wellington.

Cũng như Taylor, Grant không có nền tảng chính trị và trước Nội chiến ông là một thương gia thất bại và là một sĩ quan quèn. Nhưng Đảng Cộng hòa đã nhìn thấy lợi thế trong danh tiếng của ông và đề cử ông làm Tổng thống vào năm 1868.

Cuộc chiến ở Việt Nam gây bực bội trong dân chúng Mỹ đến nỗi không tướng nào sau đó đạt được thành công về chính trị, và tên tuổi của họ cũng không được khắc ghi trong ký ức người Mỹ theo cách tương tự.

Giống như Việt Nam, cuộc chiến Iraq mà từ đó tướng Petraeus trở nên nổi tiếng trên toàn quốc, gây chia rẽ sâu sắc trong dân chúng Mỹ. Nhưng kể từ những năm 1970, người Mỹ đã tinh thông khi phân biệt một người lính riêng biệt - cùng chủ nghĩa anh hùng và sự can đảm của họ - với đại nghĩa.

Một vài người nhìn lại cuộc chiến Vùng Vịnh như một sự nghiệp dân tộc anh hùng, nhưng Tướng Colin Powell được nhắc đến hồi những năm 1990 như một ứng viên Tổng thống và sau đó đảm nhận chức Bộ trưởng Ngoại giao. Tướng Norman Schwarzkopf trở thành một nhân vật nổi tiếng trên toàn thế giới.

"Người Mỹ lại tự hạ gục mình, đặc biệt là kể từ vụ 11/9, ca ngợi quân đội. Nếu bạn mặc đồng phục quân nhân, bạn trông đã là một anh hùng. Các vị tướng là mẫu mực của điều đó. Họ là những người thành công nhất trong nghề lính".

Ngày nay, quân đội là một tổ chức được dân chúng tôn trọng nhất ở Mỹ. 78% người Mỹ bày tỏ tin tưởng "rất nhiều" vào quân đội, theo một cuộc thăm dò của Gallup năm 2011.

Trong khi đó, ngày càng ít các nhà lãnh đạo chính trị ngày nay phục vụ trong quân ngũ, vì vậy họ bù đắp bằng cách ca ngợi quân đội, theo Kohn. Tổng tống Ronald Reagan bắt đầu nói "Chúng ta sẽ lắng nghe quân đội" và George W. Bush đưa ra câu thần chú chính trị "Chúng ta sẽ lắng nghe các tướng lĩnh trên chiến trường", ông Kohn nói.

Tướng Petraeus được nhắc tên thường xuyên kể từ tháng 1/2007, khi Tổng thống Bush bổ nhiệm ông làm tổng chỉ huy các lực lượng Mỹ ở Iraq.

"Không gì ở Iraq có vẻ diễn ra tốt đẹp, và cần thiết phải tìm được ai đó có thể chứng tỏ rằng đó không phải là một sự nghiệp thất bại hoàn toàn", Bacevich nói. "Giờ là lúc chúng ta phát hiện ra một người hùng mới và Petraeus là người hùng đó".

Khi tướng Petraeus "ngã ngựa", người dân Mỹ có thể bắt đầu hỏi tại sao sau 11 năm chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, "chúng ta không thu được gì", Bacevich nói. Hậu quả của câu chuyện thần thoại "tướng anh hùng vĩ đại" thật thảm khốc, ông nhận xét. "Đó là lý do không nên nghĩ quá nghiêm trọng về chiến tranh và tránh săm soi hậu quả thực sự của những cuộc chiến mà chúng ta chọn tham gia".

Theo Vietnamnet

0985.57.88.55