Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 20-11 đã công bố kết quả điều tra xã hội học “Tham nhũng nhìn từ góc nhìn của công chức, người dân và doanh nghiệp” do hai bên phối hợp thực hiện.
CSGT “đầu bảng”
Cuộc khảo sát được tiến hành ở 10 tỉnh, TP và các vùng đô thị của Việt Nam, nơi diễn ra nhiều hoạt động kinh tế - xã hội và cũng là nơi được cho là có nguy cơ tham nhũng cao: Hà Nội, TPHCM, Sơn La, Hải Dương, Đồng Tháp, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ. Cán bộ công chức (CBCC) của 5 bộ (GTVT, Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên - Môi trường, Tài chính) được mời tham gia khảo sát.
Bộ Công an đang áp dụng nhiều biện pháp để giám sát lực lượng CSGT trong lúc làm nhiệm vụ. Ảnh: TẤN THẠNH
Theo đại diện nhóm nghiên cứu, có tất cả 2.601 người dân, 1.058 doanh nghiệp (DN) và 1.802 CBCC được khảo sát. Kết quả cho thấy trên 75% số đối tượng trong cả 3 nhóm được phỏng vấn cho rằng tham nhũng trong ngành CSGT, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng là phổ biến nhất. Bốn ngành, lĩnh vực ít tham nhũng nhất là bưu điện, báo chí, kho bạc và cảnh sát khu vực.
Lý giải cho việc đưa hối lộ, các DN cho rằng CBCC đã cố tình kéo dài thời gian giải quyết công việc; cố tình soi xét, bắt lỗi để từ chối giải quyết hoặc bám vào các quy định không chặt chẽ, không rõ ràng để bắt bí. Ngoài những DN chọn cách tiếp tục chờ đợi hoặc đưa ra các lý lẽ thuyết phục cơ quan quản lý giải quyết thì có tới 51% DN cho biết phải nhờ cậy người có ảnh hưởng tác động để giải quyết; 59% DN chọn cách đưa quà hoặc tiền cho cán bộ có thẩm quyền giải quyết công việc. Chỉ có số ít DN tìm tới các cơ quan bảo vệ pháp luật hay nhờ cơ quan báo chí can thiệp. Các DN được hỏi nói rằng việc đưa hối lộ là cách nhanh nhất và dễ thực hiện nhất để được việc. Trong số các ngành được khảo sát thì quản lý thị trường đứng đầu danh sách các cơ quan đòi phí ngoài quy định, thứ hai là CSGT, sau đó đến công an kinh tế, quản lý tài nguyên môi trường và xây dựng.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy người dân phải trả nhiều khoản phí ngoài quy định, nhiều nhất cho CSGT và sau đó là việc xin học của con cái, xin việc trong các cơ quan Nhà nước, dịch vụ y tế, xin giấy phép xây dựng, sửa chữa nhà cửa… Phần đông CBCC, DN được hỏi đã đồng ý hoặc hoàn toàn đồng ý rằng tiền lương thấp là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng tham nhũng. Ngoài ra, “quy định về quyền hạn, trách nhiệm của quan chức cấp cao chưa chặt chẽ” và “còn nhiều kẽ hở trong các quy định” là những nguyên nhân chính dẫn tới tham nhũng.
CSGT là lĩnh vực xảy ra tham nhũng phổ biến nhất theo kết quả điều tra. Ảnh chỉ mang tính minh họa
Chưa phản ánh đầy đủ bức tranh tham nhũng
Kết quả khảo sát cũng phản ánh những địa phương tuân thủ đầy đủ hơn các chính sách về công khai, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính, luân chuyển cán bộ có mức độ tham nhũng thấp hơn.
“Thông điệp chính của báo cáo đưa ra tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng nhưng không phải không giải quyết được. Minh bạch và trách nhiệm giải trình thực sự là những thể chế hiện đại cần thiết cho Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo” - bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB, nói. Bà cho biết khi Việt Nam bước vào hàng ngũ các quốc gia có thu nhập trung bình thì thời điểm để hiện đại hóa các thể chế phòng chống tham nhũng chính là lúc này.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho rằng kết quả điều tra đã phản ánh nhiều nội dung liên quan đến vấn đề tham nhũng như nhận thức, cảm nhận, trải nghiệm thực tế và cả mong muốn, kỳ vọng của người tham gia khảo sát. Tuy nhiên, ông Lượng nhấn mạnh do có những hạn chế nhất định nên kết quả cuộc khảo sát lần này không đại diện cho ý kiến của tổng thể nhân dân, DN và đội ngũ CBCC; cũng chưa phản ánh một cách toàn diện, đầy đủ, chính xác về thực trạng tham nhũng, công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam. “Kết quả khảo sát có ý nghĩa để các cơ quan hoạch định chính sách về phòng chống tham nhũng tham khảo, phục vụ công tác nghiên cứu nhằm hướng tới mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tình trạng tham nhũng”- ông Lượng nói.
Bức tranh chưa chuẩn về CSGT
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 20-11, một lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) cho biết mới nắm được thông tin về cuộc khảo sát qua Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên, vị này cho biết đến giờ vẫn chưa hiểu việc điều tra được tiến hành như thế nào, số liệu ra sao. Nếu kết quả điều tra chủ yếu dựa vào việc lấy ý kiến phản ánh của người dân thì tính chính xác sẽ không cao. Người dân phải đi lại trên đường hằng ngày, “đụng chạm” với lực lượng CSGT thường xuyên thì không tránh khỏi những suy nghĩ thiếu thiện cảm. Hơn nữa, việc tuyên truyền còn hạn chế đã khiến người dân chưa hiểu hết nỗi gian nan, vất vả mà các chiến sĩ CSGT gặp phải khi tuần tra, kiểm soát trên đường.
Cách đây không lâu, Bộ Công an đã kiến nghị Thủ tướng tạo cơ chế quan tâm, bồi dưỡng tốt hơn cho lực lượng. Thủ tướng cũng đã đồng ý và giao Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi quy định liên quan đến mức phụ cấp cho lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát trên đường. “Tôi ủng hộ việc làm vừa qua của TP Đà Nẵng khi có thêm một khoản tiền gọi là “dưỡng liêm” cho lực lượng CSGT thường xuyên phải làm việc trên các tuyến đường” - vị lãnh đạo Tổng cục VI nói. Ông cho biết song song đó, Bộ Công an cũng đã và đang áp dụng rất nhiều biện pháp để giám sát lực lượng CSGT thực hiện nhiệm vụ.
T.Kha |