Thứ Sáu, 23/11/2012 - 14:17

“Người trẻ ngày nay nhạt nhiều hơn mặn”

(Dân trí) - “Trong số 10 bạn trẻ tôi tiếp xúc thì số người sống dữ dội luôn ít hơn người nhạt nhẽo. Nếu như không thay đổi thì tương lai sẽ là một xã hội nhạt nhẽo…”, nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung bày tỏ trăn trở.

Nhạt - Mặn ở người trẻ

Ngày 22/11, tại TPHCM đã diễn ra diễn đàn tinh hoa trẻ Việt Nam 2012 với chủ đề “Đi tìm tiếng nói thế hệ, đâu là sứ mệnh và giá trị chung của người trẻ Việt”. Diễn đàn do chương trình phát triển hạt giống lãnh đạo IPL và Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức đã thu hút được rất nhiều bậc thức giả, chuyên gia trong các lĩnh vực, những bạn trẻ tâm huyết và sinh viên ưu tú… tham gia.

Cả khán phòng phút chốc lặng yên, có lúc lại sôi nổi khi đại diện thế hệ đi trước, thế hệ trẻ hiện nay “soi mình” nhằm tìm tiếng nói chung của hai thế hệ và định hướng tương lai, thế mạnh của sức trẻ hiện nay.

Đại diện thế hệ đi trước, nhạc sĩ Dương Thụ nhìn nhận bạn trẻ hiện nay rất thông minh, nhanh nhẹn và không duy tâm về văn hóa. Trong khi đó, thế hệ đàn anh đã quá “ngoan” và bị ràng buộc trong cơ chế xin cho… nên trở thành cứng nhắc, giáo điều. Thế hệ nào cũng có những người xuất sắc, dấn thân, soi đường. Tuy nhiên, cả hai thế hệ này đều thiếu tính độc lập cả trong tư duy và hành động. Một điều mà nhạc sĩ Dương Thụ cho rằng sẽ là tai hại khi bạn trẻ hiện nay mất phương hướng sống. Người trẻ thích thể hiện mình bằng những chuyện “chẳng giống ai”, a dua theo đám đông như: lộ hàng, mặc quần trễ xuống, hiphop, tóc xanh tóc vàng…
 
Đại diện hai thế hệ đang soi mình lẫn nhau.
Đại diện hai thế hệ đang "soi mình" lẫn nhau.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn phác họa chân dung một người trẻ gồm: cái đầu trẻ để dám suy nghĩ độc lập, tin vào chân lý; trái tim trẻ để biết ước mơ, nuôi dưỡng ước mơ và tâm trẻ để biến ước mơ thành hiện thực, sống cống hiến, lý tưởng hơn… Tuy nhiên, bạn trẻ hiện nay đang chơi vơi vì mất phương hướng. Họ chỉ biết sống cho hiện tại mà chưa có tầm nhìn tương lai. Trong kinh doanh, khởi nghiệp, nhiều bạn trẻ thích làm giàu dễ dàng, thích văn bằng hơn là chịu khó đi học. Thiếu tinh thần chiến đấu, không sẵn sàng lên vũ đài nên khi gặp địch thủ, khó khăn thì rất nguy hiểm. Muốn sánh vai với thế giới thì các bạn trẻ phải quay về cái mà họ đang nỗ lực bằng giá trị thực.

Đại diện cho thế hệ trẻ, nghệ sĩ múa Tạ Thùy Chi cho rằng đàn anh đi trước đã cống hiến hết mình. Còn lớp trẻ hiện nay thì luôn nóng lòng để chứng minh nhưng không đi vào chiều sâu. Thùy Chi viện dẫn thực tế trong công việc dạy múa của mình những muộn phiền khi có học viên luôn tỏ ra thờ ơ với lời chỉ bảo của thầy cô. “Khi mình nhắc nhở những sai trái trong biểu diễn thì học trò lại quay lưng với mình. Trong khi thầy cô nào cũng muốn quan tâm, truyền đạt những điều tốc đẹp nhất đến học trò”, Chi tâm sự.

Cũng theo Thùy Chi, cô thường hay phân vân khi quyết định một vấn đề gì đó. Bởi, trong gia đình, Chi bị ảnh hưởng những tư duy của cha mẹ, những người thuộc thế hệ 4X. Trong khi đó, những bạn trẻ khác lại dám nghĩ, dám làm cho cái riêng của mình mà không nghĩ đến người xung quanh.

Nhà hoạt động giáo dục, Viện trưởng IRED & Hiệu trưởng trường doanh nhân PACE Giản Tư Trung thì tóm gọn thế hệ trẻ ngày nay trong hai từ: “Nhạt - Mặn”. Tuy nhiên, số người trẻ ngày nay nhạt nhiều hơn mặn.

Cần hành xử trên giá trị phổ quát

Cả khán phòng lặng yên khi nghe những chia sẻ của Tiến sĩ Vũ Minh Khương - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, ĐH Quốc gia Singapore. Ông Khương được biết đến không chỉ là người tài giỏi mà còn có một tấm lòng luôn hướng về đất nước. Ông chia sẻ, dù rất bận rộn nhưng khi nghe tin có một diễn đàn về giới trẻ ý nghĩa nên ông tạm gác lại công việc để tham gia. “Nói đến những hoài bão về sự phát triển của đất nước, tôi dễ rơi nước mắt. Tôi khát khao lắm về một ngày mai đất nước mình thành con rồng, con phượng. Đây là sự cảm kích lớn của tôi với người trẻ Việt nên sáng tôi bay về, chiều tôi bay đi”, ông Khương chia sẻ.

Tiến sĩ Khương nhận định giới trẻ Việt hiện rất khát khao thành công, nhạy bén với cái mới và năng động hội nhập. Tư duy của bạn trẻ hiện nay rất tiến bộ. Tuy nhiên, người trẻ và người già đều có điểm giống nhau là yếu về tư duy chiến lược. Các bạn trẻ thực dụng nhưng thiếu thực tế, không thấu đáo và sâu sắc. Hành động của bạn trẻ kém vì khả năng tổ chức, hợp tác kém… Tiến sĩ Khương bày tỏ sự kỳ vọng vào thế hệ trẻ Việt Nam để đưa đất nước có những bước tiến đột phá như Hàn Quốc, Nhật Bản…
Vẫn còn nhiều bạn trẻ khát khao cống hiến, sống có lý tưởng
Vẫn còn nhiều bạn trẻ khát khao cống hiến, sống có lý tưởng.

Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung chia sẻ: “Nhìn thế hệ của mình, tôi không vui lắm. Thế hệ tôi không dữ dội lắm vì Việt Nam chỉ khác trước nhưng so với thế giới vẫn còn rất nghèo dù chiến tranh lùi vào quá khứ. Có thể có cá nhân dữ dội chứ không có thế hệ dữ dội. Nếu có thế hệ dữ dội thì nước ta đã phát triển như Singapore, Hàn Quốc…”. Ông Trung đề nghị các thế hệ nên ngồi lại với nhau để đặt cho nhau những câu hỏi và tự soi mình. “Đặt vấn đề có khi quan trọng hơn giải quyết vấn đề vì khi đặt được vấn đề ắt có cách giải quyết vấn đề”, ông Trung tâm sự.

Các chuyên gia nhận định, nếu có thể kết nối sức trẻ thành nguồn lực tổng hợp sẽ là một lực đẩy vô cùng lớn để Việt Nam đi đến một tương lai “sánh vai” với thế giới. Tuy nhiên, làm thế nào để thực hiện được điều này thì không hề đơn giản. Ông Giản Tư Trung cho rằng, hiện có một hệ quy chiếu khi thế hệ trước nhìn thế hệ sau và ngược lại. Xã hội càng biến động, phát triển, phức tạp thì cần có một cái neo để bám và làm bệ phóng. Cái neo ấy chính là những giá trị phổ quát để mọi thế hệ soi mình và hành xử đúng hướng, tốt đẹp hơn.

“Sống có ý nghĩa, hào hùng, dữ dội hay nhạt nhẽo không phải là thuộc tính mà là cách chọn sự sống của mỗi người”, ông Trung nhắn nhủ đến các bạn trẻ.

Công Quang - Hoài Nam

“Người trẻ ngày nay nhạt nhiều hơn mặn” “Người trẻ ngày nay nhạt nhiều hơn mặn”
9 10 1
“Người trẻ ngày nay nhạt nhiều hơn mặn” “Người trẻ ngày nay nhạt nhiều hơn mặn” 10 9 1