Phòng ngừa tham nhũng từ những việc nhỏ nhất

Thứ Bảy, 24/11/2012 22:04

Tiếp xúc cử tri, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, kêu gọi hãy bắt đầu chống tham nhũng bằng cách tăng cường tính công khai, minh bạch ngay từ những công việc nhỏ nhất

Ngày 24-11, hai tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị 3 và 4 của TPHCM đã có buổi tiếp xúc cử tri tại các quận Bình Tân và 5, 10 để báo cáo nội dung, kết quả kỳ họp lần thứ tư, QH khóa XIII.

Tiếp xúc tại quận 5 và 10, trước vấn đề được nhiều cử tri quan tâm là tình trạng tham nhũng ngày càng gia tăng, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM (tổ ĐBQH đơn vị số 4), nhấn mạnh: “Thay vì để xảy ra rồi mới chống, chúng ta hãy bắt đầu phòng ngừa tham nhũng bằng cách tăng cường tính công khai, minh bạch ngay từ những việc nhỏ nhất”.
 
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tiếp xúc cử tri quận 10 - TPHCM chiều 24-11
Ảnh: PHAN ANH

Đông đảo cử tri bày tỏ vui mừng khi kỳ họp lần thứ tư, QH khóa XIII đã bàn và thảo luận nhiều nội dung xoay quanh dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). “Tuy nhiên, phòng chống tham nhũng hô hào nhiều, bàn bạc nhiều, quyết tâm nhiều nhưng bắt tay vào xử lý lại chưa được bao nhiêu khiến lòng dân không yên. Do đó, muốn củng cố lòng dân, Chính phủ cần hành động nhiều hơn” - cử tri Phạm Minh Trí (quận 10) kiến nghị.

Tại cuộc tiếp xúc với tổ ĐBQH đơn vị số 3, nhiều cử tri quận Bình Tân cũng cho rằng tham nhũng như một con sâu đang ngày ngày đục khoét cơ thể, nếu không diệt thì nó sẽ ngày càng lây lan và gây họa lớn. Cử tri Nguyễn Văn Lý đặt vấn đề: “Luật Phòng chống tham nhũng liệu có đủ mạnh tay để loại bỏ tệ nạn quan liêu, nhũng nhiễu đã ăn sâu vào một bộ phận cán bộ, công chức hiện nay khi hiện tượng cửa quyền vẫn còn hành dân?”.

Ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM (tổ ĐBQH đơn vị số 3), khẳng định Luật Phòng chống tham nhũng chỉ có thể đạt hiệu quả cao nhất khi nhân dân đồng hành cùng với QH, Chính phủ phát hiện, tố giác tiêu cực và từng bước sàng lọc những những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất.

Đề cập một trong những vấn đề “nóng” liên quan đến Nghị định 71/CP về xử phạt xe không đăng ký quyền sở hữu, cử tri Đoàn Thị Thanh Liêm (quận 5) nói cách làm của cơ quan chức năng trong việc áp dụng nghị định này vào thực tế chưa ổn. Theo bà Liêm, đó là lộ trình thực hiện quá bất ngờ khiến người dân không kịp trở tay nên bất bình và không đồng tình. Cử tri Phan Thanh Thảo (quận 5) cũng cho rằng chủ trương phạt xe không sang tên đã có từ lâu nhưng cơ quan chức năng không tuyên truyền, quán triệt đến nơi đến chốn để người dân có nhận thức đúng và thực thi pháp luật. “Cơ quan chức năng nên cho phép những trường hợp không thể sang tên do xe qua nhiều đời chủ được đăng ký lại bằng cách niêm yết một thời gian nhất định tại nơi chủ xe có đăng ký thường trú. Sau đó, nếu không có ai tranh chấp thì người sở hữu chiếc xe được quyền chuyển đổi sang tên của mình. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần đơn giản hóa các thủ tục đăng ký quyền sở hữu để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân thực hiện Nghị định 71/CP” - ông Thảo kiến nghị.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải khẳng định chủ trương của Nhà nước về vấn đề xử phạt lỗi không sang tên đổi chủ là đúng nhưng trước khi áp dụng cần tính đến tính khả thi, làm sao cho hợp lòng dân. “Cái nào vận dụng được thì TP sẽ vận dụng, còn chưa được thì sẽ kiến nghị sửa đổi cho hợp lý” - ông Hải nói.

PHAN ANH - THANH NGA
[Quay lại]

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, quy định cấm mang vòng hoa đi viếng đám tang ở Bình Dương là:
  •  1. Không khả thi
  •  2. Không phù hợp với truyền thống của người Việt
  •  3. Hợp lý, cần triển khai rộng để hạn chế phô trương, lãng phí
vote result