|
Máy bay chiến đấu J-10 của Không quân Trung Quốc |
Triển khai máy bay chiến đấu J-10 đe dọa Nhật Bản
Các tờ báo điện tử Trung Quốc vừa tiết lộ, Quân đội Trung Quốc đã triển khai máy bay chiến đấu J-10 ở một căn cứ không quân cỡ lớn mới xây dựng tại tỉnh Phúc Kiến, chủ yếu là nhằm vào nhóm đảo Senkaku hiện do Nhật Bản kiểm soát thực tế, có ý đồ “gây sức ép thực sự” đối với Nhật Bản.
Theo các báo Trung Quốc, nguồn tin trên được dẫn từ tờ tạp chí “Kanwa Defense Review” của Canada gần đây.
Bài báo khẳng định, các nguồn tin và hình ảnh từ vệ tinh cho thấy, Trung Quốc đã xây dựng mới một căn cứ không quân cỡ lớn ở tỉnh Phúc Kiến của nước này, căn cứ Thủy Môn này cách vùng biển nhóm đảo Senkaku khoảng 380 km.
Bài báo tiết lộ, những hình ảnh vệ tinh về sân bay ven biển này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2009, sân bay này cơ bản hoàn thành vào năm 2011.
Đến năm 2012, trên đường băng của sân bay này liên tục xuất hiện vài máy bay chiến đấu J-10 và các xe đảm bảo hậu cần. Bài viết dự đoán, đây rất có thể là máy bay chiến đấu J-10 của Sư đoàn 9 của Không quân Trung Quốc.
|
Máy bay chiến đấu J-10 |
Tổng biên tập tạp chí “Kanwa Defense Review”, ông Andrei Pinkov cho rằng, những hình ảnh chụp được từ vệ tinh cho thấy, máy bay xuất hiện ở căn cứ không quân mới phải là phiên bản nâng cấp của máy bay chiến đấu J-10, căn cứ này cũng đã xây dựng nhà chứa máy bay lô-cốt cỡ lớn kiểu Nga.
Nhà chứa máy bay này được làm bằng xi măng cốt thép, nên nó có khả năng chống lại các cuộc tấn công “rất mạnh”, nhưng chi phí xây dựng đắt đỏ. Ngoài ra, tại căn cứ này cũng đã xây dựng kho đạn dược và trạm tiếp dầu.
Về ý đồ triển khai máy bay chiến đấu J-10 ở Phúc Kiến, ông Andrei Pinkov cho rằng, nhìn vào tình hình hiện nay, Trung Quốc triển khai không quân ở duyên hải tỉnh Phúc Kiến chủ yếu là nhằm vào đảo Senkaku, có ý đồ gây sức ép với Nhật Bản.
Máy bay chiến đấu J-10 triển khai tại Phúc Kiến sẽ có thể trực tiếp bay tới biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan, bay hướng Nhật Bản và các vùng biển có liên quan, trong đó bay đến vùng biển đảo Senkaku chỉ khoảng 380 km, bay đến eo biển Đài Loan chỉ khoảng 320 km, nhờ vậy nó có thể tạo được khả năng răn đe và áp chế trên không thực sự.
Trước đó, Trung Quốc cũng đã triển khai máy bay chiến đấu J-10 và Su-27 ở các căn cứ tại Chiết Giang, Nam Kinh, nhưng đã không thể phát huy được khả năng tối đa do thời gian ở lại trên không không đủ, hành trình ngắn.
|
Máy bay ném bom H-6H Không quân Trung Quốc |
Ngoài Phúc Kiến, Trung Quốc cũng đã xây dựng sân bay cỡ lớn ở Thiệu Đông - tỉnh Hồ Nam, An Khánh - tỉnh An Huy và triển khai máy bay ném bom H-6 phiên bản cải tiến tại đây. Loại máy bay ném bom này có thể cải tạo thành máy bay tiếp dầu, cũng có thể trang bị tên lửa hành trình CJ-10.
Như vậy, việc Trung Quốc tích cực triển khai quân sự trên không nhằm vào biển Hoa Đông phản ánh nước này đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc “đấu tranh quân sự” đối với Nhật Bản.
Nhật tìm cách đối phó với Trung Quốc
Bài báo dẫn lời người đứng đầu Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, Kitamura Takashi cho rằng, hiện này lực lượng này không đủ khả năng để đối phó với việc các “tàu công vụ” Trung Quốc xâm nhập lâu dài lãnh hải của Nhật Bản.
Ông kêu gọi các quan chức bảo vệ bờ biển cả nước cần phải chuẩn bị tốt cho một cuộc chiến lâu dài, đồng thời đã đưa ra yêu cầu ngân sách với Chính phủ cần tăng 150 người cho lực lượng này vào năm tới.
Ngoài ra, theo các nguồn tin từ truyền thông Nhật Bản, chính phủ hai nước Nhật-Mỹ có kế hoạch cùng phát triển tàu chiến kiểu mới để ứng phó với việc Trung Quốc bành trướng ở biển Hoa Đông và biển Đông.
|
Máy bay tác chiến điện tử YS-11E Nhật Bản |
Trong ngân sách tài khóa năm 2013, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cấp 700 triệu Yên kinh phí nghiên cứu sơ bộ, có kế hoạch nghiên cứu chế tạo được tàu mô hình lớn 5 m trước năm 2015, hai năm sau đó sẽ nghiên cứu chế tạo ra vật liệu và vũ khí trang bị tương ứng, cuối cùng đến khoảng năm 2035 sẽ chế tạo được tàu chiến “thật” và đưa vào sử dụng.
Được biết, gần đây, Mỹ đã tăng cường triển khai nhiều loại máy bay chiến đấu tiên tiến nhất tại Nhật Bản như máy bay chiến đấu tàng hình F-22, máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler, máy bay trực thăng vận tải cánh xoay MV-22 Osprey, dự kiến còn triển khai máy bay chiến đấu tấn công liên hợp F-35, triển khai thêm hệ thống phòng thủ tên lửa X-band thứ hai ở miền nam Nhật Bản…
Nhật Bản cũng đang tập trung tăng cường phòng thủ các hòn đảo tây nam nước này, bảo vệ chủ quyền nhóm đảo Senkaku trước sức ép quân sự ngày càng tăng từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng tích cực tham gia diễn tập liên hợp với quân Mỹ, tăng cường khả năng tác chiến liên hợp giữa hai bên, đồng thời hai bên cũng đã tổ chức diễn tập “đoạt đảo” với tình huống giả tưởng là đoạt lại nhóm đảo Senkaku khi bị đối phương tấn công xâm chiếm.
Gần đây, Trung Quốc tiếp tục có những hành động mạnh mẽ để đòi hỏi chủ quyền trên biển ở biển Hoa Đông, biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế và sự thật lịch sử, đặc biệt gây lo ngại cho các nước láng giềng. Đáng chú ý là họ vừa gắn các hình ảnh xâm phạm chủ quyền nước khác vào hộ chiếu của họ, phát hành bản đồ bất hợp pháp… đã dấy lên một loạt các hành động phản đối từ các nước láng giềng.
|
Máy bay cảnh giới P-1 Nhật Bản |
|
Nhật Bản mua 42 máy bay F-35 của Mỹ |
|
Nhật Bản có kế hoạch chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ mới |
|
Hạm đội tàu chiến Nhật Bản |
|
Đồng minh Mỹ-Nhật tăng cường diễn tập liên hợp |