Thứ Năm, 15/11/2012, 13:16 [GMT+7]
.
.

Nguyên PGĐ Sở Văn hóa nói thật về Đàm Vĩnh Hưng

(Tin tức) - Với mức phạt cao nhất là 5 triệu đồng đối với Đàm Vĩnh Hưng hôn nhà sư tại đêm nhạc từ thiện hôm 4/11, theo bà Nguyễn Thế Thanh - nguyên Phó GĐ Sở VHTTDL TPHCM cho rằng "mức phạt trên đưa ra nghe buồn cười quá". Theo bà là nghệ sĩ thì phải là nhà văn hóa, biết ứng xử có văn hóa, nếu không, chỉ là người đi hát, diễn kịch mà thôi.


Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) chính thức có văn bản gửi Sở VHTT&DL TPHCM yêu cầu Sở xử lý nghiêm vụ ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hôn nhà sư để làm gương cho các nghệ sỹ khác. Nhưng áp dụng theo quy chế xử phạt, Đàm Vĩnh Hưng có thể chịu chịu mức phạt tiền từ 2-5 triệu.

Theo bà Nguyễn Thế Thanh - nguyên Phó GĐ Sở VHTTDL TPHCM, đây không chỉ là câu chuyện hành chính: “Mức phạt trên đưa ra nghe buồn cười quá”.

Hành động phản cảm hôn nhà sư của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.
Hành động phản cảm hôn nhà sư của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.


“Tốt nhất, cơ quan quản lý cần đưa ra văn bản nhắc nhở những người của công chúng phải ý thức và kiểm soát được hành vi của mình. Đây còn là vấn đề văn hóa nghề nghiệp, nghệ sĩ tự biết mình được làm gì và không nên làm gì, cũng như  biết kiềm chế, nếu không, phải chấp nhận trả giá. Thực ra, đâu có ai làm quá với anh, đâu phải công chúng đối xử với anh khắt khe. Nên xem đây là một sự cố mang tính nhắc nhở cần thiết đối với giới nghệ sĩ - những người có ảnh hưởng đối với số đông” - Bà Thanh đưa ra ý kiến.

Cũng theo bà Thanh với biện pháp xử lý hành động phản cảm của Đàm Vĩnh Hưng không là chuyện về tiền. Mỗi người của công chúng phải tự biết quý trọng mình, thì mới mong được người khác quý trọng. Người ca sĩ ấy đã không làm chủ được bản thân, không tự chủ trong hành vi và đặc biệt, đối với người tu hành, không được làm những điều mà ai cũng biết là không nên làm.

Bà cũng cho biết thêm không nên tẩy chay ca sĩ trên cộng đồng mạng. Mà đối với mỗi bản thân nghệ sĩ phải tự thấy bản chất của vấn đề, là khi khán giả họ yêu mình nồng nhiệt, họ bỏ tiền triệu mua vé vào xem mình diễn, thì việc họ phản ứng với mình không phải là không có lý của họ.  

Khán giả có thể tẩy chay anh một thời gian, rồi lại rất dễ quên. Vấn đề là ứng xử của nghệ sĩ trong giới showbiz phải cao hơn công chúng. Đó là lý do họ “ăn cơm chúa, múa tối ngày”. Là nghệ sĩ thì phải là nhà văn hóa, biết ứng xử có văn hóa, nếu không, chỉ là người đi hát, diễn kịch mà thôi.

Ngày trước, khi còn làm quản lý, tôi từng phạt nghiêm Đàm Vĩnh Hưng khi vi phạm, nhưng cũng từng viết bài khen ngợi khi ca sĩ này làm chương trình “Thương hoài ngàn năm” có ý nghĩa.

Các ca sĩ, không riêng gì Đàm Vĩnh Hưng nên coi đây là một sự cố cần nhìn lại mình để không mắc những lỗi lớn hơn, đừng trách công chúng hay dư luận nghiệt ngã với mình, cũng đừng đổ lỗi cho truyền thông, mà chính là nên trách mình thì đúng hơn.
 

Mức phạt cao nhất cho Đàm Vĩnh Hưng là sự quay lưng của khán giả

Cùng với đó, theo nhận xét của ông Lê Văn Lộc - Phó GĐ Trung tâm Văn hóa TPHCM: Hình phạt bằng tiền thôi thì không đáng bao nhiêu. Với Đàm Vĩnh Hưng, hình phạt đau đớn nhất là công chúng phản ứng với hành vi phản cảm của người nổi tiếng.

Đàm Vĩnh Hưng đang là “thần tượng” của nhiều người trong giới trẻ, thì việc những fan hâm mộ quay lưng với thần tượng là cái giá phạt cao nhất. Còn biện pháp xử lý hành chính của Nhà nước không đủ sức răn đe. Ở đây, chính công chúng mới là người răn đe nghiêm khắc nhất.

Đứng ở góc độ văn hóa, đây là một hành vi rất phản cảm, không lành mạnh và Đàm Vĩnh Hưng phải trả giá cho hành vi này trước công chúng.

Hoan nghênh những ai biết tỉnh táo trước thần tượng của mình, họ sẵn sàng ủng hộ những việc làm tốt đẹp cũng như biết quay lưng với những hành vi phản cảm. 

Mặc dù đã có thư xin lỗi, nhưng cách xin lỗi của Đàm Vĩnh Hưng không thật lòng. Do vậy, mức phạt cao nhất với ca sĩ này chính là sự quay lưng của khán giả.

 

  • Trần Phương (Tổng hợp LĐ)
;
.
.
.