Tại buổi giao lưu khởi nghiệp 2012 tối 30/11 tại ĐH Mở TPHCM do báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, các chuyên gia đã “bắt lỗi” mà sinh viên (SV) thường mắc phải và chia sẻ những kinh nghiệm lập nghiệp.
Có bột mới gột nên hồ, một trong những lo lắng của SV là làm sao có thể lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn - bố chồng diễn viên Tăng Thanh Hà kể về chính bản thân mình để chứng minh rằng không có bột vẫn có thể gột nên hồ.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn (thứ hai từ phải sang) khuyên SV đừng phung phí thời gian ở quán cà phê mà hãy dấn thân vào những hoạt động hữu ích hơn.
Thời gian một thân một mình đến San Francisco, ông đã từng làm rất nhiều việc như rửa xe, bồi bàn… kiếm tiền học Anh văn trong một năm trời để có thể theo học đại học. Những công việc đó không chỉ giúp ông tốt nghiệp mà còn tích lũy được những đồng xu đầu tiên để bắt đầu khỏi khởi nghiệp với số tiền 100 USD và bây giờ ông đang sở hữu tài sản lên đến 500 triệu USD.
“Không có bột thì chúng ta cần có thời gian tích lũy kinh nghiệm và tài chính lâu hơn. Điều này đòi hỏi mỗi người phải có nỗ lực để chấp nhận để vượt qua mọi khó khăn”, ông Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.
Ông Hạnh Nguyễn cho rằng, chọn môi trường ĐH nghĩa là các bạn SV đã mang trên mình sứ mệnh của con đường về kiến thức và được đào tạo nên phải biết tận dụng kiến thức được học ở nhà trường để áp dụng với thực tế. Cùng với những bài học ở trường đời sẽ giúp mỗi người tự khẳng định mình chứ không thể chờ đợi.
Doanh nhân này khuyên SV đừng phung phí thời gian ở quán cà phê mà nên chịu khó hơn nữa để chuẩn bị tích lũy kinh nghiệm, tài chính cho mình bằng việc tích cực tham gia vào các hoạt động đoàn thể và làm thêm từ những công việc thuần túy nhất.
Những công việc đó có thể là làm bồi bàn, dọn vệ sinh hay từ những vị trí thấp trong các công ty như vô sổ sách, kế toán chứ đừng vội nghĩ mình ra trường là phải quản lý, phụ trách này nọ. Từ công việc đó là cơ hội, bước đệm để các bạn tiến từng bước vững chắc đến vị trí cao hơn.
“Tôi lưu ý khi làm công việc gì các bạn nên xin giấy xác nhận của nơi mình đã từng làm thêm thì khi đi xin việc ít người nhà tuyển dụng cũng biết bạn đã trải qua những công việc thực tế. Còn bạn chỉ tấm bằng mà chưa thực tập, chưa làm thêm thì chẳng nơi nào muốn nhận đâu”, ông Hạnh Nguyễn nói.
Người này đánh giá với điều kiện công nghệ, môi trường thuận lợi và cơ hội như hiện nay nếu các bạn trẻ thật sự dấn thân thì việc lập nghiệp thành công chỉ mất trong khoảng 10 năm chứ không phải mất đến 30 năm như ông và nhiều doanh nhân ở thế hệ trước.
Sinh viên cần tích cực tham gia vào các hoạt động đoàn thể.
Nói về hạn chế của SV, ông Nguyễn Hoài Nam - phó tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt đánh giá các bạn trẻ rất nôn nóng, vội vàng thể hiện mình, muốn gặt hái được thành công ngay mà không nghĩ đến thời gian tích lũy kinh nghiệm. Nhiều SV vừa ra trường không muốn đi làm thuê mà chỉ muốn lập doanh nghiệp, làm chủ trong khi chưa có kinh nghiệm trên thương trường, chưa có mối quan hệ cần thiết nên dễ gặp các rủi ro, thất bại.
“Trước hết bạn cần cần xây dựng vai trò cá nhân một cách vững chắc bao gồm về tài chính, kiến thức, quan hệ… Với việc kinh doanh, các bạn cần có những nghiên cứu, kế hoạch rõ ràng và căn kẽ”, ông Nam bày tỏ.
Ông Lê Chí Hiếu - Chủ tịch hội động quản trị công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức ví các bạn trẻ giống như mấy chú ngựa non, rất háu đá. Thấy cái gì cũng muốn nhào vô và nghĩ mình làm được nên dễ bị húc lại.
Cũng vì nóng vội nên các bạn rất dễ nản lòng trước những sự cố hay thất bại. Đến môi trường nào không đúng ý mình, nhiều người dễ dàng bỏ đi nơi khác mà khi quên mất rằng môi trường nào cũng có phức tạp riêng, có tập thể với nhiều con người với các tính cách riêng. Theo ông Hiếu, ngay từ bây giờ SV cần mở rộng sự hiểu biết của mình về cuộc sống để kiên nhẫn hơn với môi trường bên ngoài.
Hoài Nam