Trước đây, các nhà khoa học đã tìm thấy các loài động vật sống trong quần thể phức tạp có thể nhận ra được âm thanh tiếng kêu của những thành viên trong gia đình, đặc biệt là âm thanh của con mẹ. Thậm chí loài dê cái có thể nhớ rất lâu tiếng kêu của dê con.
Tuy nhiên giới khoa học vẫn biết rất ít về cách thức các loài động vật có thể nhận ra tiếng kêu của bố chúng và những tiếng kêu của các cá thể cận huyết thuộc về gia đình con bố. Tương tự như vậy, thì các nhà nghiên cứu cũng biết rất ít về các loài vật sống đơn độc tránh giao phối cận huyết với con bố như thế nào.
|
Khả năng nhận ra âm thanh quen thuộc giúp vượn cáo tránh giao phối cận huyết (Ảnh: Livescience) |
Đối với loài vượn cáo chuột xám (Microcebus murinus), một loài động vật được nuôi dưỡng chủ yếu bởi con mẹ mà không cần sự giúp đỡ của con bố, khi trưởng thành nó tự kiếm sống một mình. Một con vượn cáo đực thường hoạt động giao phối trên một phạm vi lớn, chúng thường gặp con gái của mình. Song để tránh giao phối cận huyết loài động vật linh trưởng này đã phát triển một số khả năng đặc biệt.
Qua thử nghiệm cho 10 con vượn cáo cái trưởng thành nghe tiếng gọi giao phối của con đực, các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Arizona Sharon Kessler đã ghi nhận các phản ứng của chúng. Kết quả cho thấy, những con cái nào nghe được tiếng kêu từ con đực là bố chúng hoặc không có liên quan về huyết thống thì có những phản ứng khác nhau.
Cụ thể, những con cái nghe âm thanh của con đực không có liên quan về huyết thống, chúng sẽ tiếp cận nhanh hơn, sớm hơn và trở nên hoạt náo hơn. Trong khi đó những con cái nghe âm thanh được phát ra từ con đực là bố của chúng thì thường phản ứng chậm hơn và như muốn dò la nguồn gốc của âm thanh.
Lý giải hiện tượng này, các nhà nghiên cứu cho biết, khả năng nhận ra tiếng kêu của con đực có quan hệ huyết thống ở những con vượn cáo xám không phải do cấu trúc bộ não của nó lớn hay do có một cuộc sống bầy đàn phức tạp. Trong thực tế, khả năng này có thể đã hình thành trước đó trong lịch sử tiến hóa.