Thứ hai, 03/12/2012 15:16
03/12/2012 | 11:20

Tâm sự của một fan K-pop: Vì sao tôi khóc?

Dân Việt - "Fan Việt có rơi nước mắt nhưng đối với chính bản thân mỗi người thì việc đó lại có ảnh hưởng rất lớn. Họ đã có những thay đổi lớn, những sự sửa chữa, thay đổi khuyết điểm để mong mình hoàn hảo hơn".

LTS: Sau đêm nhạc K-pop Festival Concert in Vietnam tại Mỹ Đình, Hà Nội đêm 29.11, tòa soạn Dân Việt nhận được bài viết của một bạn trẻ - một fan K-pop - viết về những cảm xúc, về lý do họ đã khóc trước những thần tượng, như để trao đổi lại về những ý kiến cho rằng giới trẻ Việt Nam chỉ biết rơi nước mắt trước những ngôi sao nhạc Hàn. 

Trân trọng ý kiến và cảm xúc của các bạn trẻ, Dân Việt đăng tải bài viết này, mong muốn nhận được nhiều chia sẻ, trao đổi của bạn đọc.

-0-

 
 

Đại nhạc hội kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao Việt- Hàn (K-pop Festival Concert in Vietnam) vừa được tổ chức tại SVĐ Mỹ Đình ngày 29.11 vừa qua với sự tham dự của dàn sao như SNSD, DBSK, T-ara, Hyuna, KARA, SISTAR, Son Dam Bi, B1A4, MissA, Infinitve, Teen Top, Fiesta...

Từ trước khi bắt đầu bán vé, các fan đã bắt đầu sôi sục, lên kế hoạch chi tiết… cho thấy không khí của đêm nhạc hội đã bắt đầu nhen nhóm lên trong lòng fan. Họ săn lùng vé, chọn đồng phục màu của nhóm yêu thích, chuẩn bị quà tặng cho thần tượng, lên danh sách những điều-được-và-không-được-làm…

Bạn đọc có ý kiến về bài viết này xin gửi về email [email protected] hoặc có thể sử dụng chức năng bình luận ở cuối bài viết.

Bài viết, ý kiến vui lòng gõ tiếng Việt có dấu, ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản để toà soạn tiện liên lạc. Xin chân thành cảm ơn.

Hai ngày trước đêm diễn, các fan kéo nhau đến sân bay Nội Bài đông nghịt, như nhuộm bừng cả một góc sảnh bằng những màu sắc sặc sỡ và tinh thần nhiệt huyết vì thần tượng của mình.

Họ sẵn sàng ngủ lại sân bay trong tiết trời đã sang đông để chờ đợi lúc thần tượng đặt chân xuống Việt Nam, để chứng tỏ tình yêu của mình dành cho họ, để rồi khóc lóc trong vui sướng khi được lần đầu nhìn thấy những người mà mình mến mộ, để rồi sau đó trên tất cả các diễn đàn, họ sẽ bị nói là “thừa thời gian”, là “lãng phí tiền bạc, sức lực, của cải vào những điều vô bổ trong khi chẳng đóng góp được gì cho đất nước”…

Điều gì đã khiến họ cảm nhận như là “thiên đường” trong hơn 4 tiếng rưỡi ngồi nghe một thứ nhạc mà mình không hiểu? Điều gì đã khiến họ nghĩ rằng gào thét cổ vũ đến khản giọng cho thần tượng là vinh hạnh, là điều mà không phải cứ muốn là được?

Họ làm như vậy không phải là cho những người thờ ơ nào đó, cũng chẳng phải đám-thanh-niên-choai-choai-muốn-học-đòi-làm-người-nổi–tiếng theo ngôn ngữ của một số bậc phụ huynh hay gọi.

Dưới con mắt của những người hâm mộ, các ngôi sao K-pop là những nghệ sĩ thực thụ, những nghệ sĩ đã và đang chinh phục được toàn thế giới. Họ thể hiện được sự chuyên nghiệp trong cách làm việc, sự nhiệt huyết trong từng câu hát, sự thanh lịch trong từng lời giao tiếp và sự đáng yêu, gần gũi qua cách họ giao lưu, cảm ơn, hay đơn giản chỉ là nụ cười với fan.

Các ngôi sao K-pop chính là những con người tài năng, là những người mà sinh ra là để đi theo con đường nghệ thuật chân chính này.

Ba tiếng trước giờ diễn, fan đã bắt đầu kéo về SVĐ Mỹ Đình để chờ đợi, mặc cho trời có mưa, có rét, chỉ mong rằng sẽ không lỡ một khoảnh khắc, một sự kiện nào của thần tượng mình. Băng rôn, lightstick, banner, bóng bay,… tràn ngập từ ngoài cổng SVĐ đến tận vào trong, không đâu là không thấy màu hồng của Sone, màu đở của Cass, hay vàng của FT Island, T-ara,…

Không ít fan đã đội mưa có mặt từ buổi chiều để chờ đợi sự xuất hiện của thận tượng đến từ xứ Kim chi. Ảnh Xuân Lực

Các fan đã lấp kín gần hết chỗ một cách rất trật tự, ngăn nắp, tránh xảy ra việc chen lấn xô đẩy dẫn tới những hậu quả không đáng có, gây mất thiện cảm trong mắt thần tượng và bạn bè các nước, cũng như là cái cớ để những người anti K-pop lại có dịp để nói những điều không hay.

Khi Tấn Minh và Thanh Lam biểu diễn, các fan vẫn cổ vũ rất nhiệt tình, dù cho chắc rằng 50.000 người có mặt ở đó đã chắc gì có được đến 50 người biết và thích đâu. Nhưng họ đang cố gắng để chứng tỏ cho mọi người thấy rằng, mình là một fan có văn hóa.

Cả SVĐ như muốn nổ tung ra vì cơn sốt K-pop, cái không khí nóng như muốn hâm nóng cả mùa đông của mình. Đối với mỗi fan ở đó, phải công nhận rằng khi các thần tượng giới thiệu về bản thân, hay khi Teen Top thể hiện ca khúc Việt “Bèo dạt mây trôi’ là những khoảnh khắc tuyệt vời nhất. Nhưng đỉnh điểm của sự gào thét trong sung sướng là khi nghe câu hát “Vietnam, put it back on” của SNSD.

Thoáng nghe thì có vẻ chẳng có gì đặc biệt đến mức đó. Nhưng nó lại là minh chứng rõ ràng nhất cho việc SNSD nói riêng và K-pop nói chung đã tiến xa ra khỏi biên giới Hàn Quốc thế nào, đã chinh phục các sân khấu, các đất nước lớn nhỏ ra sao, từ những sân khấu đầu tiên đến những sân khấu mơ ước, tráng lệ về sau này.

Các nghệ sĩ Hàn Quốc đã chinh phục được trái tim của hàng nghìn bạn trẻ Việt Nam. Ảnh: Link CK

Các ngôi sao K-pop xứng đáng được tôn trọng và yêu thích đúng như những gì họ đã đánh đổi để có được ngày hôm nay. Liệu có ai nghĩ rằng những con người vô tư, yêu đời và đang trên đỉnh danh vọng ấy đã có quá khứ nhọc nhằn, đau khổ thế nào không? Hay chỉ biết chê bai mà không biết đến những khoảng thời gian đấu tranh tinh thần, tập luyện đến ngất xỉu của của những ngôi sao hàng đầu chỉ để vươn đến ước mơ tưởng chừng như là không thể thực hiện được của họ.

Bất cứ sự hi sinh nào cũng đều là vô giá, vậy mà mười năm tập luyện để vươn đến ước mơ của họ lại bị coi rẻ thế ư? Liệu những cư dân mạng, những anti K-pop đã bao giờ bỏ ra từng đấy thời gian để theo đuổi ước mơ của mình chưa, chưa nói đến việc khi đó họ chỉ mới 8,9 tuổi.

Đúng, fan Việt có rơi nước mắt vì những người không biết mình là ai, nhưng đối với chính bản thân mỗi người thì việc đó lại có ảnh hưởng rất lớn. Fan Việt đã có những thay đổi lớn, những sự sửa chữa, thay đổi khuyết điểm của bản thân để mong mình hoàn hảo hơn. Họ coi những thần tượng xứ kim chi là một chuẩn mực không nhất thiết phải được bằng, nhưng là tấm gương để mình từng bước phấn đấu để hoàn thiện mình.

Qua đó, ta thấy được rằng thích nhạc Hàn không đơn thuần chỉ là thích nghe nhạc, thích ngắm người, mà nó còn chứa đựng cả những điều mãnh liệt hơn, khiến cho hàng triệu người trên thế giới cố gắng sửa đổi thói hư tật xấu của bản thân, thêm yêu mến, thêm niềm tin vào ước mơ và cuộc sống chỉ vì nó.

Hà Nội, 30.11.2012

Ý kiến bạn đọc (2)
  • Trước hết tôi cho rằng thần tượng ai đó là quyền của mỗi người. Nhưng tôi cũng cho rằng mọi người nên thể hiện sự thần tượng của mình theo cách riêng của mình, đừng a dua theo Tâm Lý Bầy Đàn! Tôi cũng đã có tuổi trẻ như các bạn, cũng đã từng nhịn ăn sáng để mua đĩa Beatle,đã từng phiêu cùng MLTR, cũng thổn thức với nhạc Trịnh trong đêm mưa, cũng gào thét cùng HARD-ROCK. Dám tự tin khẳng định với các Fan K-POP rằng trình độ tiếng Hàn của các bạn chắc chắn rất ít người bằng tôi vì tôi đã có 3 năm học tiếng Hàn tại Seoul, tôi cũng từng đắm đuối trong nhạc Hàn nhưng không phải để "điên dại" như các bạn mà để học tiếng Hàn, để cảm nhận âm nhạc và để tìm hiểu văn hóa nước Hàn. Tuy nhiên các band K-POP đang nổi tiếng hiện nay thì tôi không có nhiều ấn tượng. Lý do duy nhất của tôi cũng như ai hơi am hiểu âm nhạc một chút là họ lấy "dance" để che "live voice" với sự trợ giúp của đám đông lấy thịt đè giọng. Nếu để ý một chút các bạn sẽ thấy hồi như K-dance ít sáng tạo mà nhóm nào cũng giống nhau, nó giống hệt như mặt của teen Hàn nào cũng có nét tương đồng do phẫu thuật thẩm mỹ (đây là lời của một bạn Hàn nói với tôi). Vài điều tâm sự cùng các bạn với tư các cũng là FAN của một số ban nhạc!!!

    (Trần Chiến Thắng)
  • Tất cả những ai không thích KPOP nói chúng ta cuồng....nhưng sao thời gian họ chửi fan Kpop họ không thử tìm hiểu xem tại sao lại thích nhiều như thế....có khi chính những nguời lên án fan Kpop có ai tốt hết chưa...hay chỉ là ăn theo...

    (minhngoc)
  • Tin nổi bật
  • Tin đọc nhiều nhất
  Bình chọn
  • Bạn nghĩ gì về hành động hôn sư thầy của Đàm Vĩnh Hưng?
  •   Bình thường
  •   Phản cảm, không chấp nhận được
  •   Ý kiến khác