(HN) - (TP.HCM)
RSS

Giải mã chứng ốm nghén nặng của công nương Kate

Hoàng hậu tương lai của nước Anh đã mang thai được khoảng 6-12 tuần, đang mắc một chứng ốm nghén nặng tới tận ngày sinh gọi là Hyperemesis Gravidarum (HG).
> Hoàng hậu tương lai của nước Anh có bầu/ Hoàng tử William chăm vợ ốm nghén

Bị ngất ở nhà bố mẹ hôm 3/12, Công nương xứ Cambridge đã được chồng là Hoàng tử William đưa đến Bệnh viện King Edward VIII tại trung tâm thủ đô London. Cô được truyền muối, nước và các chất dinh dưỡng, bác sĩ phải giữ lại viện để tiện theo dõi.

Công nương xứ Cambridge đã nhập viện vì bị ốm nghén nặng - Ảnh: Dailymail
Công nương xứ Cambridge mang bầu con đầu lòng. Ảnh: Mirror.co.uk

HG rất nguy hiểm tới sức khỏe của mẹ và bé, nguy hiểm hơn rất nhiều với chứng ốm nghén thông thường. Người bị chứng bệnh này có thể nôn đến 30 lần một ngày. Họ không thể ăn hoặc uống mà không nôn và có thể bị mất lên 10% trọng lượng cơ thể. Điều này sẽ làm gia tăng các chất độc trong máu và nước tiểu, vốn được biết đến như ketosis (quá trình phân hủy các mô mỡ trong cơ thể) khi cơ thể phản ứng lại việc không thể ăn uống trực tiếp bằng đường miệng. Ốm nghén nặng làm suy nhược cơ thể, gây tình trạng mất nước nghiêm trọng, mẹ và bé có thể mất nhiều dưỡng chất cần thiết.

Trên thế giới cứ 100 phụ nữ mang thai thì có 2 người mắc chứng bệnh ốm nghén nặng. Các triệu chứng bao gồm: Buồn nôn liên tục, đau đầu và mệt mỏi. Ngoài ra là huyết áp thấp và nhịp tim nhanh, hôn mê hoặc nhầm lẫn. Tất cả những triệu chứng này có thể kéo dài đến 5 tháng, thậm chí với một số người, nó có thể kéo dài suốt thai kỳ.

Những người mắc chứng ốm nghén như thế này thường có khả năng mang song thai.

Trẻ sơ sinh có mẹ bị HG có thể sinh non hoặc nhẹ cân. Ốm nghén nặng có thể gây tử vong trong trường hợp nghiêm trọng. Một số bà bầu thậm chí đã buộc phải bỏ thai. Những phụ nữ mắc chứng nghén nặng ở lần mang thai thứ nhất thì cũng có nhiều nguy cơ mắc lại ở lần mang thai thứ hai.

Tuy nhiên, theo các bác sĩ, vẫn có thể giữ được cả mẹ và bé khỏe mạnh bằng việc điều trị hợp lý.

Khi mắc chứng bệnh này, cách tốt nhất là thai phụ điều trị tại bệnh viện. Rất nhiều bà bầu đã phải vào viện nằm dài ngày để đảm bảo có thể giữ được thai. Chưa có loại thuốc nào điều trị bệnh này được cấp phép, các bác sĩ cho rằng đã có những bằng chứng cho thấy các phương pháp điều trị an toàn.

Tiến sĩ Williams, bác sĩ sản khoa tại Viện sức khỏe phụ nữ (thuộc Bệnh viện Đại học London) cho biết ông thường giữ những người bị chẩn đoán mắc chứng ốm nghén nặng ở bệnh viện vài ngày để đảm bảo tình trạng của họ được ổn định. Ông nói: "Rất nguy hiểm khi cho họ xuất viện quá sớm, nếu sau đó bệnh xuất hiện trở lại'.

Việc điều trị thường bao gồm tiêm cho bệnh nhân một liều thuốc chống đông máu Heparin để chống lại các cục máu đông bị gây ra bởi tình trạng mất nước; bổ sung vitamin B - một trong những vitamin bị mất rất nhiều do nôn ọe; truyền dung dịch muối, chất dinh dưỡng qua tĩnh mạch để bù nước. Để chống nôn, nhiều bác sĩ cũng cho thai phụ dùng thuốc Metoclopramide và Stemetil.

Tiến sĩ Williams nói thêm: "Người bị chứng nghén nặng thường bị trào ngược acid, acid dạ dày cứ liên tục đi lên cổ họng. Ăn gừng cũng không thể giúp người bệnh giảm nôn". Theo ông, có thể dùng thuốc Omeprazole, còn được gọi là Losec, để ngăn chặn tình trạng này. Steroid thường ở dạng viên nén cũng là một loại thuốc hữu ích. Một loại thuốc khác có thể được sử dụng khi cần thiết là Ondansetron. Ondansetron ban đầu được dùng để chống lại bệnh tật do các tác nhân ung thư gây ra.

Mặc dù các loại thuốc này chưa chính thức được chỉ định cho phụ nữ mang thai nhưng các bác sĩ vẫn kê đơn và đã thấy hiệu quả.

Một số lý thuyết cho rằng ốm nghén có một vai trò bảo vệ trong thời kỳ mang thai. Nó giúp những phụ nữ có cơ địa nhạy cảm không phải hấp thụ những thực phẩm có hại. Các bằng chứng khác cho thấy phụ nữ bị chứng nghén nặng ít có nguy cơ sẩy thai, nhưng điều này không đảm bảo sẩy thai sẽ không xảy ra.

Các nhà nghiên cứu từ Na Uy phát hiện, các con gái của bà mẹ mắc chứng ốm nghén nặng có nguy cơ mắc căn bệnh này rất cao. Đây không là một căn bệnh di truyền nhưng có thể nó được tạo ra bởi chế độ ăn uống, nhiễm trùng hoặc thậm chí lối sống giống nhau giữa các bà mẹ và con gái.

Kim Kim (Tổng hợp)