Loạt bài về gã thanh niên ở Hà Nội kiếm 30 triệu đồng/tháng từ việc giả tàn tật để đi ăn xin đăng tải trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục nhận được nhiều những phản hồi của độc giả. Đa số những ý kiến bày tỏ sự bức xúc quanh vấn nạn ăn xin thật, ăn xin giả và ‘loạn’ ăn xin hiện nay trong xã hội.
Chị T.Linh, nhân viên văn phòng tại Hà Nội phản ứng gay gắt: “Hành động giả tàn tật để ăn xin của gã thanh niên cũng như nhiều người ăn xin giả hiện nay cho thấy thái độ lười lao động, vô cảm của một nhóm người trong xã hội. Những đối tượng này không chỉ làm xấu hình ảnh xã hội mà còn khiến hình ảnh của những người có hoàn cảnh khốn cùng, buộc phải làm nghề ăn xin bị lệch lạc trong mắt người khác. Họ đang làm tổn thương đến lòng tin của người Việt nói chung".
|
Gã thanh niên giả làm người tàn tật để đi ăn xin đang gây bức xúc trong dư luận. |
Chị Linh cho rằng: Nếu anh ta có gia đình, có thể nói với số tiền kiếm được từ việc ăn xin, anh ta có thể đảm bảo cuộc sống của họ một cách đủ đầy. Nhưng anh ta có nghĩ đến việc bố mẹ, họ hàng của anh ta liệu có thấy tự hào khi con trai mình kiếm tiền bằng việc giả tàn tật, ăn xin hay không?
Tôi chắc rằng, với công việc “lừa đảo” mà anh ta đang làm, sẽ không bao giờ anh ta dám đưa con đi học hay đi họp phụ huynh cho con. Biết đâu, có phụ huynh nào đó nhận ra anh ta chính là người ăn xin mà họ đã từng cho tiền, liệu anh ta có dám ngẩng mặt lên thừa nhận?.
Anh ta còn trẻ, có sức khỏe mà lại đi làm công việc xin lòng thương hại của mọi người để làm giàu, đó là điều thật hổ thẹn.
Hiện nay có rất nhiều người đang kiếm tiền bằng nghề nhặt rác hay buôn bán ve chai, đồng nát...Tuy nghe có vẻ không mấy 'cao sang" nhưng họ kiếm tiền một cách chân chính, bằng chính sức lao động của mình những đồng tiền họ chắt chiu làm ra, dẫu không nhiều nhưng đều rất đáng trân trọng.
Hiện tại, lương của tôi chưa đầy 5 triệu đồng/tháng, cả hai vợ chồng thu nhập cả tháng cũng chỉ được khoảng hơn chục triệu. Với số tiền đó và chi phí sinh hoạt đắt đỏ thời bão giá ở thành phố, tiết kiệm tằn tiện tôi cũng tạm đủ chi tiêu tối thiểu cho gia đình gồm 2 vợ chồng, 2 con nhỏ. Khi đọc đến bài viết của người thanh niên ăn xin này, trong thoáng chốc tôi cũng thử tưởng tượng, đến một ngày mình cũng sẽ giả mù, giả tàn tật và đi ăn xin. Rồi sau 1 ngày, tôi trở về nhà đóng chặt cửa, đếm thấy mình kiếm được rất nhiều tiền sau những lúc lăn lê, khóc lóc, khập khiễng giả tạo đó...
Tưởng tượng đến đó, tôi vẫn chưa thấy sung sướng, hả hê với số tiền kiếm được vì cũng ngay sau đó tôi đã nghĩ đến một ngày, chuyện tôi đi ăn xin cũng bị bạn bè và hàng xóm phát hiện, tôi chắc chắn chẳng còn mặt mũi nào để nhìn họ nữa. Rồi tôi phải bỏ quê hương, để đi đến nơi khác, nơi mà không ai biết tôi là ai. Ôi, chỉ tưởng tưởng thế thôi mà tôi đã thấy mình nhục nhã biết chừng nào, thôi thà sống thật với cuộc sống của mình, dù có như thế nào mình cũng vẫn thoải mái hơn là kiếm được trăm triệu từ công việc “mạt vận” đó.
|
Anh chàng thanh niên lượn phố cùng chiếc Nuovo sau giờ "công sở" |
“Kiếm được hàng chục, hàng trăm triệu từ việc giả tạo tàn tật để đi ăn xin đâu có gì là vẻ vang, sung sướng. Gia đình, họ hàng... liệu có tự hào được không khi biết người thân của mình đang kiếm tiền bằng cách đó? "Sống chết trên đời cũng nên để lại cái danh", nên với tôi, dẫu có kiếm được trăm triệu đồng/tháng từ việc giả tàn tật ăn xin đi nữa, tôi cũng quyết không làm”, chị T.Linh bày tỏ.