Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke cho biết, Mỹ đang tìm cách làm rõ tuyên bố mới gần đây của Trung Quốc về việc cho phép cảnh sát nước này tiếp cận và kiểm tra các tàu nước ngoài tại Biển Đông.
Báo Mỹ viết về vụ tàu TQ làm đứt cáp Bình Minh 02
Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke. Ảnh: Bloomberg
Trong cuộc phỏng vấn hôm qua, ông Locke cho rằng, các quy định mới mà Trung Quốc thông báo tuần trước là không rõ ràng về phạm vi và mục đích áp dụng.
"Chính phủ Mỹ rất muốn làm rõ ý nghĩa của các quy định này, nó sẽ được chính quyền Hải Nam và các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải thực hiện ra sao cũng như mục đích của các quy định ấy”, đại sứ Mỹ nói bên lề một diễn đàn đầu tư tại Bắc Kinh.
"Nó thực sự không rõ ràng, tôi nghĩ, với hầu hết các quốc gia”, ông Locke khẳng định. "Trước hết, chúng tôi cần làm rõ phạm vi, mục đích của những quy định đó”, ông nói.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuần trước tuyên bố, nước này có quyền cho phép cảnh sát biển tiếp cận và kiểm tra các tàu ở Biển Đông. Quy định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1. Theo thông tin đăng trên phiên bản tiếng Anh của Nhật báo Trung Quốc, cảnh sát và lực lượng phòng vệ bờ biển Trung Quốc sẽ được phép lên tàu, kiểm soát các tàu nước ngoài "xâm nhập trái phép" vùng biển của Trung Quốc và yêu cầu các tàu thay đổi lộ trình.
Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông bất chấp nhiều nước khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei cũng khẳng định chủ quyền ở vùng biển này. Biển Đông là nơi có những lộ trình vận chuyển quan trọng với thương mại toàn cầu, cũng là nơi được cho là giàu trữ lượng dầu khí.
Ở một tin tức liên quan, Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo Ấn Độ về vấn đề khai thác dầu khí ở Biển Đông. Trung Quốc nói rằng, họ “phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thăm dò năng lượng” ở vùng biển này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lớn tiếng khẳng định, nước này “hy vọng các bên liên quan tôn trọng chủ quyền và các lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Trung Quốc phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào trong thăm dò và phát triển năng lượng ở các khu vực tranh chấp tại Biển Đông”.
Người phát ngôn họ Hồng cho biết, Trung Quốc “ủng hộ nỗ lực của các nước trong khu vực để giải quyết tranh chấp thông qua các cuộc đàm phán song phương”.
Những bình luận mà người phát ngôn Trung Quốc đưa ra nhằm trả lời các câu hỏi về việc Tư lệnh Hải quân, đô đốc Ấn Độ D K Joshi mới đây tuyên bố, nước ông sẽ bảo vệ các lợi ích của mình ở Biển Đông, thậm chí điều lực lượng tới đây.
Ông Joshi nói, mặc dù sự hiện diện của Ấn Độ trong vùng biển không “quá thường xuyên” nhưng nước này có những lợi ích như tự do hàng hải và khai thác tài nguyên ở đó. "Không phải chúng tôi mong đợi hiện diện quá thường xuyên ở khu vực hàng hải này, nhưng khi có những yêu cầu liên quan đến lợi ích quốc gia, ví dụ như ONGC Videsh, chúng tôi sẽ cần đến đó và chúng tôi đã sẵn sàng chuẩn bị. Với câu hỏi chúng tôi đang tiến hành luyện tập cho điều này, thì câu trả lời ngắn gọn là đúng”, vị tư lệnh nhấn mạnh.
Thái An (theo Reuters, The Hindu)