- Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang lặng lẽ gậm nhấm nỗi đau thua lỗ sau một năm làm ăn khó khăn khi chỉ số chứng khoán đang lùi dần về vạch xuất phát.
Nỗi đau cạn túi của chứng khoán
Đại gia trọng thương, chứng khoán ngã bệnh
Chứng khoán Trung Quốc bất ổn vì ly hôn
Chứng khoán đang rẻ như hành lá
Không khí ỉu xìu
Theo con số thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE), kết thúc ngày giao dịch 4/12/2012, chỉ số chứng khoán Vn-Index đóng cửa ở mức 382,10 điểm, chỉ cách mốc 351,55 điểm, mức đóng cửa năm 2011, khoảng 30 điểm, tương đương khoảng 8%.
Trong khi đó, chỉ số HNX-Index của sàn Hà Nội thì còn thảm hơn, hiện đã giảm thấp hơn cả mức đóng cửa năm 2011. Tính chung tới nay trong năm 2012, HNX-Index đã giảm hơn 3% so với cuối năm 2011.
Mặc dù có sự hồi phục nhẹ mấy phiên gần đây nhưng tâm lý nhà đầu tư vẫn rất thận trọng. Với kết quả này thì nhà đầu tư trên sàn chứng khoán Việt Nam có thể được coi là “không ăn thua”, trắng tay khi vẫn quyết “theo mộng” làm giàu từ chứng khoán từ đầu năm 2012 tới nay.
Song song với việc giảm điểm số, thanh khoản của TTCK Việt Nam hiện cũng là một điều đáng ngại. Những tháng đầu năm 2012, khối lượng giao dịch trên sàn HoSE khoảng 80-100 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng/ngày, tương đương 800-1.000 tỷ đồng/phiên, tuy nhiên, hiện tại mức giao dịch chỉ quanh 20 triệu cổ phiếu/ngày, tương đương 100-200 tỷ đồng/phiên.
Những cú sốc
Sau khi ông Nguyễn Đức Kiên, một trong những người sáng lập ngân hàng ACB, bị bắt giữ hôm 20/8, TTCK Việt Nam đã tụt dốc thẳng đứng không phanh 4 phiên liên tiếp, khi tất cả nhà đầu tư đều cắm đầu cắm cổ tháo chạy.
Đây được ví như là đợt giảm điểm mạnh nhất kể từ sau khủng hoảng năm 2008 bất chấp những lời trấn an nhà đầu tư từ cơ quan quản lý, thậm chí cả các nhà đầu tư tổ chức vốn lo lắng sau sự kiện chấn động dư luận này.
Theo thống kê không chính thức, chỉ 3 ngày sau khi “bầu Kiên” bị bắt, chỉ số Vn-Index giảm hơn 10%. Về vốn hóa thị trường, TTCK Việt Nam mất tương đương hơn 65.000 tỷ đồng vốn hóa, hay hơn 3,1 tỷ USD.
Ngay sau vụ “bầu Kiên” ít lâu, TTCK Việt Nam cũng đón “tin đồn” về ông Đặng Văn Thành ngày 2/11, cũng khiến thị trường bốc hơi 1,2 tỷ USD chỉ trong 1 ngày giao dịch.
Lần xuất hiện hiếm hoi cùng với việc đưa ra nhận định về TTCK trên truyền hình sau đó, ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch SSI đã cho rằng, TTCK Việt Nam đã rơi quá đà và nói rằng việc giảm điểm mạnh trên là không đáng có và thị trường sẽ sớm tăng trở lại.
Trong bài phỏng vấn với bản tin tài chính VTV1 về nhận định trước diễn biến thị trường chứng khoán trong mấy phiên sau cú xốc “bầu Kiên”, ông Hưng cho rằng nhà đầu tư đã phản ứng thái quá và giá cổ phiếu đã về mức giá hấp dẫn.
Thông thường khi người có tiếng nói ‘sức nặng” và được cả thị trường cũng như giới đầu tư tổ chức nhìn vào như ông chủ tịch SSI, TTCK sẽ bật tăng trở lại. Tuy nhiên, rất tiếc kể từ thời điểm ông Hưng phát biểu, TTCK vẫn tiếp tục xu hướng giảm điểm vốn có của nó.
Chờ đợi 2013?
Hai yếu tố chính của thị trường đang chịu ảnh hưởng bởi bối cảnh vĩ mô hiện nay đó là dòng tiền của nhà đầu tư và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết.
Hiện nhà đầu tư vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận, huy động vốn cho kênh đầu tư chứng khoán, nếu tiếp cận được thì chi phí ở mức cao, lãi suất trên 15%. Bên cạnh đó, dòng tiền vào thị trường chứng khoán bị cạnh tranh mạnh bởi các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm hay bất động sản khiến thanh khoản đã về mức rất thấp.
Trong năm 2013, Chính phủ đang tiếp tục tập trung vào hai nhóm nhiệm vụ chính. Tập trung vào các nút thắt ngắn hạn đang cản trở tăng trưởng đó là hàng tồn kho, xử lý nợ xấu và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Tiếp tục tái cơ cấu lại nền kinh tế trên cơ sở giải quyết các vấn đề chính: tái cơ cấu đầu tư, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Với các nhiệm vụ trọng tâm này thì khả năng xuất hiện dòng tiền lớn, mới vào thị trường chứng khoán là khó xảy ra, đặc biệt trong ngắn hạn.
Các doanh nghiệp niêm yết đã và đang trải qua giai đoạn khó khăn ở khâu tiêu thụ đầu ra và chi phí đầu vào cao. Bên cạnh đó, thói quen sử dụng sử dụng đòn bẩy lớn khiến doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn khi nhiều doanh nghiệp không còn khả năng tiếp cận vốn. Nhiều dự án mới phải tạm dừng.
Trong khi đó, câu chuyện nợ xấu ngân hàng vẫn tiếp tục là một thách thức trong năm 2013 và không thể giải quyết một sớm một chiều.
Do khó khăn chung của nền kinh tế, trong thời gian qua đã có rất nhiều doanh nghiệp trên hai sàn HOSE và HNX đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh cho năm 2012. Trong đó có một số doanh nghiệp lớn như FPT (điều chỉnh giảm lợi nhuận sau thuế từ 2.250 tỷ VND về 1.910,25 tỷ VND), PVI (điều chỉnh điều chỉnh giảm lợi nhuận sau thuế từ 576,19 tỷ VND về 386,71 tỷ VND), Vinacafe Biên Hòa (điều chỉnh giảm lợi nhuận sau thuế từ 360 tỷ VND về 300 tỷ VND) và Vinare (điều chỉnh giảm lợi nhuận sau thuế từ 266 tỷ VND về 225 tỷ VND), Vietcombank, Vietinbank….
Còn lại là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu là ngành xây dựng và vật liệu, bất động sản và khoáng sản.
Ngoài ra, cũng có 8 doanh nghiệp niêm yết đã đề xuất việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2012 và sẽ tổ chức xin ý kiến cổ đông trong thời gian tới. Trong đó, Địa ốc Tân Kỳ TKC dự kiến giảm 92% kế hoạch lợi nhuận, từ 12 tỷ VND xuống 1 tỷ VND.
Chính phủ hiện đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5,5% trong năm 2013, so với dự kiến 5,2% trong năm 2012 và lạm phát năm 2013 sẽ kìm giữ ở 6%, điều này cho thấy tăng trưởng tín dụng dễ dãi sẽ không xảy ra trong năm sau và như vậy TTCK sẽ bị ảnh hưởng.
Nguyên Hưng